Thi cử: Đừng để “nước đến chân mới nhảy”

Đã hết học kỳ I nhưng hiện học sinh lớp 12 , giáo viên THPT lẫn các trường ĐH, CĐ vẫn chưa biết kỳ thi THPT quốc gia 2016 và xét tuyển ĐH, CĐ có những thay đổi gì. Đại diện một trường ĐH cho biết mọi năm vào thời điểm này có thể công bố đề án tuyển sinh riêng của trường, chỉ tiêu, ngành học…

Nhưng năm nay, trường này và các trường ĐH, CĐ nói chung vẫn bị động chờ đợi vì chưa có động thái gì từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

Thời gian qua, nhiều chuyên gia giáo dục đã có kiến nghị một số thay đổi từ những điều chưa ổn của kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 như chia 2 cụm thi do trường ĐH chủ trì và do Sở GD-ĐT chủ trì. Còn nhớ, đến sát kỳ thi THPT quốc gia 2015,  Bộ GD-ĐT có văn bản về việc thí sinh 3 huyện giáp ranh của tỉnh Phú Yên phải thi tại cụm thi Bình Định thay vì Khánh Hòa như trước đó đã gây bất bình khi Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên có văn bản yêu cầu bộ giữ nguyên cụm thi như cũ vì không kịp trở tay. Do đó, việc phân chia cụm thi sao cho hợp lý phải được định hình sớm để tạo tâm lý tốt cho thí sinh và các cụm thi, tránh bất cập như năm ngoái. Dù đã qua một lần thi nhưng nhiều chuyên gia vẫn lo lắng về việc coi thi tại các cụm thi địa phương không nghiêm ngặt như cụm thi do các trường ĐH chủ trì, do đó có nhiều ý kiến đề nghị bộ nếu duy trì 2 cụm thi thì cần tăng cường sự giám sát, coi thi của các trường ĐH, CĐ.

Năm ngoái, trước ngày thi, chúng tôi chứng kiến cảnh các trường phải tất tả chỉnh sửa hồ sơ cho thí sinh bằng những phương thức thủ công vì không thể mở được phần mềm quản lý dữ liệu thi của bộ do lượng truy cập quá lớn khiến cho mạng này bị nghẽn. Lãnh đạo một sở GD-ĐT cho biết nhiều khi chỉ một thay đổi nhỏ về thông tin mà sở không thể điều chỉnh được, phải nhờ tới Cục Khảo thí. Thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng thi cũng phải chờ đợi miệt mài vì phải đối chiếu với dữ liệu mà bộ quản. Trong việc xét tuyển, các trường cũng rất bị động vì dữ liệu điểm thi cũng bị bộ ôm trọn. Do đó, nhiều kiến nghị bộ phải xem lại việc quản lý phân quyền, chia sẻ dữ liệu hồ sơ và điểm thi của thí sinh, không phải cứ có bất kỳ sai sót nhỏ nào các trường và các sở cũng hỏi bộ để có biện pháp xử lý tạm thời, gây bất an cho thí sinh.

Việc thí sinh có bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển và rút  nộp hồ sơ thế nào để tránh náo loạn trong những ngày cuối của đợt xét tuyển cũng là vấn đề mà bộ cần xem lại và có điều chỉnh sớm. Đăng ký nguyện vọng trước rồi thi sau hay thi rồi mới đăng ký nguyện vọng là điều cần phải tính toán kỹ, tránh việc thí sinh chọn đại một ngành học không theo nguyện vọng sở thích chỉ vì điểm số.

Hiện cả xã hội đang ngóng chờ quy chế thi THPT quốc gia 2016 cũng như quy chế xét tuyển ĐH, CĐ 2016. Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng tập trung hoàn thiện các các quy định về thi cử và sớm ban hành để tránh trở tay không kịp, gây xáo trộn về tâm lý thí sinh cũng như quy trình tuyển sinh của các trường như năm 2015.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Lâm (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN