Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm của 5 đại học lớn

Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra về sai phạm của 5 đại học lớn gồm: ĐH Huế, Học viện Nông nghiệp Hà Nội, trường ĐH Vinh, trường ĐH Luật TPHCM và trường ĐH Kinh tế TPHCM về việc tổ chức và thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm của 5 đại học lớn - 1

ĐH Kinh tế TPHCM là một trong 5 trường bị phát hiện sai phạm. Ảnh: Internet

Kết luận do Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng ký ngày 31.3.

Theo kết luận thanh tra, 5 trường ĐH này đã vi phạm Nghị định 43 về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, cả 5 đơn vị đều chưa xây dựng phương án tự chủ về bộ máy, tổ chức quy trình Bộ GD&ĐT phê duyệt; chưa ban hành hoặc chưa điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung “Quy chế thực hiện dân chủ” theo nghị định 43; ban hành một số văn bản không phù hợp với quy định của nhà nước, quy chế chi tiêu nội bộ quy định mức thu một số khoản học phí, lệ phí vượt mức quy định…

Đối với ĐH Huế, về tuyển sinh, đào tạo sau đại học một số học viên trúng tuyển chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác theo quy định. Trong tuyển sinh, đào tạo ĐH chính quy, liên thông CĐ lên ĐH, trường ĐH Nông lâm (thuộc ĐH Huế) không được giao chỉ tiêu vẫn tuyển sinh hệ liên thông từ CĐ lên ĐH chính quy năm 2013 với 110 sinh viên; Trường ĐH Ngoại ngữ (thuộc ĐH Huế) mở ngành đào tạo hệ ĐH văn bằng 2 chính quy nhưng chưa được sự đồng ý của Giám đốc ĐH Huế. Trung tâm Đào tạo từ xa cũng thuộc ĐH Huế tuyển sinh vượt chỉ tiêu được phê duyệt, trong đó năm 2011 vượt tới 53,7% , năm 2012 vượt 11,48%. Trung tâm này đào tạo niên chế không tổ chức đào tạo tín chỉ theo quy định.

Trong tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học, một số đơn vị không lập hồ sơ liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt, địa điểm đặt lớp không đúng quy định. Một số thì tuyển sinh vượt chỉ têu theo quy định. Ngoài ra, một số đơn vị trên không thực hiện quản lý, giám sát việc lên lớp của giảng viên thông qua “Sổ lên lớp”, thiếu giảng viên cơ hữu.

Đối với trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, trường đã sai phạm trong liên kết đào tạo với Hội đồng Liên ĐH Cộng đồng Pháp ngữ (CIUF) Bỉ, có 7 học viên chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ. Ngoài ra, trường này còn có hệ thống sổ sách, chứng từ chưa đảm bảo quy định; một số khoản thu chi không được theo dõi quản lý dẫn đến chênh lệch số liệu phải thu, thực thu và báo cáo tài chính, một số đề tài đã thanh toán nhưng chưa được nghiệm thu, chưa thực hiện nghiêm túc quy định chi tiền mặt…

Đối với trường ĐH Kinh tế TPHCM, trường đào tạo Thạc sĩ kinh tế khóa K20 thời gian vượt quá quy định 1 năm theo quy định của Bộ GD&ĐT; có 2 chương trình đào tạo cao học được Bộ GD&ĐT phê duyệt đến nay đã 20 năm nhưng chưa làm thủ tục gia hạn chương trình đào tạo, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển cho phù hợp với chương trình đào tạo quốc tế bậc sau ĐH; khóa 18 (năm 2012) 100% học viên đều không có chứng chỉ ngoại ngữ.

Ngoài ra, trường ĐH Kinh tế TPHCM còn liên kết với ĐH Victoria của Australia đào tạo cấp bằng cử nhân Kinh doanh (năm 2012) thì 34/52 học viên không có chứng chỉ ngoại ngữ, vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT.

Đối với trường ĐH Luật TPHCM, có một số học viên trúng tuyển không đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, học viên đã tốt nghiệp đều không thực hiện việc làm Luận văn tốt nghiệp theo quy chế đào tạo thạc sĩ của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, cả trường ĐH Kinh tế và ĐH Luật TPHCM đều có sai phạm liên quan đến tài chính như một số khoản thu dịch vụ hạch toán vào thu sự nghiệp; có khoản chưa qua sổ sách kế toán và báo cáo tài chính; không phản ánh khoản thu bảo hiểm y tế sinh viên vào báo cáo tài chính…

Đối với ĐH Vinh, việc chấp hành báo cáo tài chính hàng năm còn chậm, công tác giám sát về tài chính đối với các đơn vị trực thuộc còn hạn chế; chưa xây dựng quy chế, quy định về quản lý chi phí đối với các hoạt động dịch vụ, chưa thực hiện trích khấu hao tài sản cố định sử dụng vào hoạt động dịch vụ theo Thông tư của Bộ Tài Chính.

Từ kết luận trên đó, Thanh tra Chính phủ yêu các trường ĐH trên cầu nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ số tiền thuế các đơn vị chưa nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 2 tỉ đồng, trong đó, ĐH Huế hơn 635 triệu đồng; Học viện Nông nghiệp Việt Nam gần 1,4 tỉ đồng; Xử lý sai phạm về đầu tư xây dựng tại trường ĐH Kinh tế TPHCM với số tiền trên 6,8 tỉ đồng...

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn; UBND Hà Nội chấn chỉnh khắc phục các thiếu sót, sai phạm của các đơn vị. Thanh tra Chính phủ đề Bộ GD&ĐT, Bộ NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh các công tác về quản lý, kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Dũng/Tiền Phong
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN