Tán thành giáo dục cơ bản 9 năm

Đó là một trong những ý kiến mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới CT, SGK theo Tờ trình số 335 của Chính phủ.

Trình bày báo cáo, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, về mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Ủy ban cơ bản tán thành Tờ trình của Chính phủ xác định mục tiêu của việc đổi mới CT, SGK phổ thông là nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục. 

Bảo đảm thực hiện mục tiêu của đổi mới giáo dục chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh;

Từ nền giáo dục nặng về dạy chữ, ứng thí sang nền giáo dục thực học, thực nghiệp, góp phần quan trọng phát triển con người có năng lực và phẩm chất tốt.

Tán thành giáo dục cơ bản trong 9 năm

Theo ông Thi, dư luận giới giáo dục và khoa học nhất trí giáo dục phổ thông kéo dài 12 năm và chia thành hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). 

Tán thành giáo dục cơ bản 9 năm - 1

Giáo dục phổ thông kéo dài 12 năm và chia thành hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). 

Tuy nhiên, hiện có hai luồng ý kiến về số năm của giai đoạn giáo dục cơ bản. Luồng thứ nhất đề nghị giáo dục cơ bản trong 9 năm (5 năm tiểu học và 4 năm THCS). Luồng thứ hai lại cho rằng giáo dục cơ bản cần 10 năm (5 năm tiểu học và 5 năm THCS hoặc 6 năm tiểu học và 4 năm THCS).

Về việc này, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ tán thành với luồng ý kiến thứ nhất. Bởi theo ông Thi, việc thực hiện giáo dục cơ bản 10 năm sẽ làm tăng thời gian giáo dục phổ cập bắt buộc thêm một năm, đòi hỏi ngân sách nhà nước tăng mạnh đầu tư cho giai đoạn giáo dục này. 

Việc tăng một lớp ở cấp THCS hoặc cấp tiểu học và giảm một lớp ở cấp THPT sẽ gây xáo trộn, mất cân đối về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên các cấp học phổ thông.

Hơn nữa, việc dôi dư cơ sở vật chất và giáo viên cấp THPT có thể dẫn đến tăng tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, đi ngược chủ trương phân luồng học sinh sau THCS.

Ngoài ra, việc kéo dài thêm một năm giáo dục cơ bản là thực sự không cần thiết, bởi vì sau THCS, một bộ phận học sinh sẽ học sơ cấp, trung cấp nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp và 9 năm giáo dục cơ bản hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu. 

Với những học sinh sẽ học lên CĐ, ĐH thì những nội dung giáo dục bổ sung, nâng cao thể thực hiện trong năm học đầu của cấp THPT hoặc qua mô đun văn hóa của trình độ trung cấp nghề nghiệp.   

Chương trình giáo dục thống nhất nhưng cần linh hoạt

Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tiễn tại các cơ sở giáo dục nhiều địa phương, Ủy ban nhận thấy chương trình giáo dục hiện hành nhìn chung vượt quá khả năng đáp ứng về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của học sinh. 

Mặt khác, việc thực hiện cứng nhắc một chương trình chung không phù hợp với học sinh các địa phương, cơ sở giáo dục với đặc thù và điều kiện khác nhau, hạn chế chất lượng, hiệu quả học tập.

Vì vậy, Ủy ban đề nghị ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng khả thi, mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

Ngoài ra, theo ông Thi, trong thời gian qua việc dạy học tích hợp chủ yếu mới chỉ được thực hiện ở cấp tiểu học, còn ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông thì mới bước đầu được triển khai nhưng ở mức thấp và thiếu tính hệ thống, nhất quán, hiệu quả dạy học còn hạn chế. 

Việc dạy học phân hóa đã được thực hiện theo hình thức phân ban THPT, thực chất là học tự chọn theo nhóm các môn học nâng cao về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hoặc theo khối thi ĐH. Thực tiễn cho thấy hình thức phân ban đã không thành công.

Vì vậy Ủy ban nhất trí định hướng đổi mới CT, SGK lần này sẽ phải tích hợp mạnh theo lĩnh vực, liên môn ở các cấp học dưới và phân hóa sâu ở cấp THPT theo hướng tăng cường các môn học, chuyên đề tự chọn và áp dụng phương thức tích lũy tín chỉ.

Ủy ban cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các giải pháp khắc phục sự thay đổi cơ cấu môn học và đội ngũ giáo viên phát sinh khi dạy học tích hợp mạnh và đáp ứng sự gia tăng yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ giáo viên và năng lực cán bộ quản lý khi tăng cường các môn học, chuyên đề tự chọn và áp dụng phương thức tích lũy tín chỉ.

Cần cân nhắc việc thực nghiệm chương trình mới

Theo báo cáo, đổi mới CT, SGK lần này bao gồm nhiều nội dung, phương thức tổ chức giáo dục mới, cần thực nghiệm nghiêm túc, cẩn trọng trên quy mô nhỏ trước khi áp dụng đại trà để tránh rủi ro. 

Những đổi mới trong khuôn khổ một lớp có thể thực nghiệm đồng thời theo lớp, nhưng những đổi mới có tính chất xuyên cấp học thì phải thực nghiệm theo hình thức cuốn chiếu lần lượt từ lớp dưới lên lớp trên. 

Việc triển khai đại trà CT, SGK mới cũng cần cân nhắc hợp lý. Đối với cấp tiểu học có thể thực hiện đồng thời ở tất cả các lớp, nhưng đối với cấp THCS, THPT thì cần theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học.

Về kinh phí thực hiện đổi mới CT,SGK giáo dục phổ thông, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm phần khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các địa phương để có khái toán tổng thể kinh phí chi cho Đề án. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Hùng (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN