Tài năng bận kiếm sống, Toán Việt Nam đừng mơ "sánh vai năm châu"

93% thí sinh dự thi Olympic Toán quốc tế đều đoạt giải, song sau đó, khi lựa chọn về nước cống hiến, những tài năng này có phần trầm lặng. Vì sao?

Trải qua 40 năm với 39 lần tham dự Olympic Toán quốc tế IMO, Việt Nam đã cử 232 lượt thí sinh đi và hầu hết họ đều mang huy chương về cho đất nước. Trong số này, Việt Nam đạt tới 52 huy chương vàng.

Qua đó, Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tài năng về Toán học. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, sau những thành tích được cả thế giới công nhận thì những thế hệ vàng này lại có phần “trầm lặng”, chưa có đóng góp xứng tầm cho đất nước và với tài năng thực có.

Để hiểu hơn câu chuyện của những người trong cuộc, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với một số tài năng IMO ngày ấy. 

Dưới đây là cuộc trò chuyện với bà Phan Vũ Diễm Hằng, nữ sinh Việt Nam đầu tiên đoạt giải ba tại IMO năm 1975.

Tài năng bận kiếm sống, Toán Việt Nam đừng mơ "sánh vai năm châu" - 1

Bà Phan Vũ Diễm Hằng

Thưa bà, bà có thể cho biết quan điểm của mình về nhận định, những tài năng của IMO ngày ấy không thực sự tỏa sáng đúng như tài năng họ có?

ThS Phan Vũ Diễm Hằng - nữ sinh Việt Nam đầu tiên đoạt giải Ba tại IMO năm 1975. Bà Diễm Hằng là cháu nội của cụ Phan Kế Toại, Phó Thủ tướng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nhiệm kỳ 1955 - 1961.

Sau khi đạt giải Olympic toán năm 1975, bà học đại học ở Liên Xô, tại MGU. Ra trường bà về công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ TW. 

Công tác tại đây được 16 năm, năm 1997, bà xin ra ngoài, làm cho chương trình phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc, rồi cho những chương trình, dự án khác nhau. Hiện bà làm tư vấn độc lập về y tế công cộng.

Tôi xin khẳng định rằng với một môn học cụ thể, một người học giỏi ở các lớp dưới không nhất thiết sẽ học giỏi ở lớp trên và ngược lại, chưa giỏi ở các lớp dưới không chắc sẽ kém ở lớp trên.

Với môn Toán cũng vậy. Sự say mê với một môn học cũng thay đổi theo thời gian. Lúc là học sinh phổ thông, thậm chí sinh viên đại học, bạn có thể thích học môn này, nhưng khi thi vào hoặc tốt nghiệp ĐH, bạn lại chọn làm một ngành nghề khác.

Có thể thấy nhiều học sinh đã đạt giải trong các kỳ thi Toán học quốc tế và quốc gia, nhưng chỉ có một bộ phận không lớn theo đuổi ngành toán và coi đó là sự nghiệp của mình. Ngược lại, cũng có nhiều người không tham dự các kỳ thi ấy lại đi theo ngành này.

Học sinh nước ta đạt nhiều giải thưởng ở các kỳ thi quốc tế, có lẽ một phần là nhờ sự cần cù, siêng năng luyện tập. Phải nói rằng, những học sinh được chọn đi thi đều rất chăm chỉ học hành. Điều này hơi khác với học sinh phổ thông của nhiều nước khác, các em học phổ thông ở nước họ có phần nhẹ nhàng hơn.

Xét riêng trong số các học sinh đạt giải hoặc tham dự các kỳ thi IMO, thì một bộ phận không nhỏ sau khi tốt nghiệp ĐH hoặc sau ĐH đã chọn ở lại xây dựng sự nghiệp tại các nước phát triển. 

Nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà khoa học có tên tuổi, chỉ tiếc thành tích của họ chủ yếu gắn với đất nước họ định cư. Những người học đại học/sau đại học trong nước hay về nước sau khi học ở nước ngoài, thì một phần tiếp tục theo đuổi con đường toán học, làm nghiên cứu hoặc giảng dạy về Toán, một phần chuyển sang các ngành nghề khác như kinh doanh, hay làm việc cho các lĩnh vực khác của xã hội. 

Tôi nhận thấy trong lĩnh vực của mình, các bạn “trong nước” đều là những người có năng lực làm việc tốt.

Việt Nam được đánh giá cao về thành tích Toán học trong 40 năm tham dự IMO, có rất nhiều người xuất sắc như GS Ngô Bảo Châu, thầy Lê Bá Khánh Trình, hay ngay chính bà. Vậy theo bà, tại sao đến thời điểm này nền Toán học của Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng tầm? 

Tôi không coi mình là “xuất sắc” mà vẫn luôn cho rằng tôi gặp may khi vượt được qua các cửa ải thi cử để vào được đội tuyển và đạt giải mà thôi.

Sự thành công trong Toán học cũng có mô hình hình nón như bất cứ môn khoa học nào khác. Ở bậc phổ thông có nhiều người học tốt nó, lên đại học số này giảm dần, và lên trình độ sau đại học số người ấy lại càng ít đi. 

Một yếu tố quan trọng nữa là trong mấy chục năm qua, nền kinh tế của nước ta gặp nhiều khó khăn, nhiều người không yên tâm với đồng lương ít ỏi nên phải bươn chải làm các nghề khác để kiếm sống. 

Thậm chí theo đuổi khát vọng làm giàu, mà không chuyên tâm vào nghiên cứu được, do đó sự phát triển của ngành nghề chưa “sánh vai” được với các cường quốc năm châu, và điều này không chỉ xảy ra trong lĩnh vực Toán học.

Điều này theo bà có là một sự lãng phí tiềm lực của đất nước?

Như tôi đã nói, các bạn đã tham gia IMO và chọn sống trong nước cũng đều đã trở thành những người công tác tốt trong lĩnh vực lựa chọn. Vì thế không có gì là “lãng phí” cả.

Lĩnh vực mà các bạn làm việc dẫu không phải là Toán học nhưng cũng là bộ phận góp vào sự phát triển của đất nước. Không nhất thiết cứ học tốt toán phổ thông hay tham gia IMO là suốt đời phải theo nghiệp toán.

Theo bà, để phát triển nền Toán học Việt Nam một cách tổng thể, có nên giảm bớt việc đào tạo “gà nòi” mà tập trung hơn vào nâng cao chất lượng, đào tạo đại trà?

Việc dạy Toán ở phổ thông và đại học là rất quan trọng, vì Toán học được giảng dạy một cách phù hợp sẽ giúp người học có được tư duy rành mạch, lô-gíc, là tiền đề để người đó trở thành người làm việc tốt – không chỉ làm việc trí óc mà cả lao động chân tay vì tư duy ấy giúp họ có thể hợp lý hóa các thao tác.

Tôi xin nhắc lại là “Toán học được giảng dạy một cách phù hợp”, tức là có chọn lọc, chứ không phải là nhồi nhét nhiều kiến thức không cần thiết. Ở bậc đại học thì đã có các đơn vị đào tạo chuyên sâu về toán (các khoa toán). Còn  ở bậc phổ thông, việc đào tạo “gà nòi”, tức là những người có thể (không nhất thiết là “chắc chắn”) sẽ phát triển sâu hơn vào chuyên ngành toán học, cũng cần thiết lắm chứ. 

Tất nhiên là phải đảm bảo cho các em có được kiến thức cơ bản về các môn học khác. Các em có sở thích học Toán, thì việc được học sâu hơn mức phổ thông có lẽ cũng là một quyền lợi chính đáng.

Theo bà, với những tiềm lực chúng ta hiện có thì đúng ra có thể đạt được thành tích cao hơn nữa không? Và để phát triển hơn nữa, theo bà cần phải có những chính sách gì?

Nếu bạn muốn nói về IMO, thì con số 93% học sinh tham dự đạt giải thưởng theo tôi đã là khá cao rồi. Tuy nhiên, tôi e rằng nếu Nhà nước bỏ chính sách đặc cách cho các em – kể cả những em không đạt giải thưởng - vào đại học, thì các em sẽ không yên tâm để thi, khi ấy thành tích sẽ sụt giảm.

Xin cảm ơn bà rất nhiều!  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Hùng (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN