Rối vì cấm dạy thêm, học thêm trong trường

Bắt đầu từ năm học 2016-2017, TP.HCM chính thức không cho phép dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Những trường đang được cấp phép dạy thêm sẽ phải tiến hành giải thể và chuyển sang học hai buổi/ngày nếu đủ điều kiện. Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn vừa chỉ đạo đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM như vậy. Còn lại, những phụ huynh học sinh (HS) có nhu cầu sẽ học thêm tại các cơ sở văn hóa ngoài giờ bên ngoài.

Rối vì cấm dạy thêm, học thêm trong trường - 1

Phụ huynh đang chờ đón con sau một ca học thêm tại Trường THPT Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: P.ANH

Vừa lo vừa chờ hướng dẫn

Theo ghi nhận của PV, nhiều trường cho biết đã nắm được chỉ đạo của TP về việc giải thể dạy thêm, học thêm trong nhà trường nhưng đang chờ hướng dẫn cụ thể để triển khai kế hoạch cho năm học mới.

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, cho biết vì việc giải thể dạy thêm trong nhà trường liên quan đến rất nhiều thứ nên phòng đang chờ hướng dẫn từ Sở. Cụ thể, như giải thể như thế nào, có tái lập các cơ sở bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ đã giải thể trước đây không, không cho dạy thêm trong trường chỉ tính theo giờ hành chính hay cả buổi tối, nhà trường có quản lý giáo viên và HS học thêm bên ngoài...

Ông Huy cho biết hiện hầu hết trường THCS tại quận Tân Bình đều đã được cấp phép dạy thêm trong trường để đáp ứng nhu cầu cho phụ huynh HS. Trước mắt, các trường sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Sở để dừng việc dạy thêm trong nhà trường và duy trì học hai buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng trường.

Ông Phạm Quang Ái, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Tăng, quận 9, cũng không khỏi lo lắng trước chỉ đạo của Sở. Theo ông Ái, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật của nhiều phụ huynh HS hiện nay vì kiến thức ở phổ thông rất nhiều, nếu các em chỉ học chính khóa sẽ khó theo kịp.

“Nhất là với những trường THPT ngoại thành, đầu vào của các em rất yếu vì điểm chuẩn thấp, phần lớn là HS có học lực trung bình và yếu. Nên để đảm bảo được đầu ra khi tốt nghiệp THPT cho các em, thầy trò phải nỗ lực rất lớn trong cả dạy chính khóa lẫn mở các lớp dạy thêm cho các em. Hơn nữa, ở một nơi xa xôi như quận 9, việc các em tìm lớp học thêm bên ngoài cũng rất khó và xa, không thuận tiện đi lại được” - ông Ái cho biết.

Phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận 3 cho hay trường tổ chức dạy thêm trong trường từ hai năm nay và cũng khá ổn. Các em được đi học ngay tại trường mình, phụ huynh cũng thuận tiện đưa đón. Nhất là HS lớp 8 và lớp 9 hầu như đăng ký học hết vì để chuẩn bị cho thi tuyển sinh lớp 10. Do tận dụng được cơ sở vật chất và đội ngũ của trường nên học phí cũng không quá cao, thu theo số môn trên tổng số tiết các em đăng ký học.

“Việc ngưng dạy thêm thì trường sẽ vẫn duy trì việc học hai buổi/ngày nhưng HS mất cơ hội học thêm thuận lợi nhất trong điều kiện hiện nay. Vì hầu hết HS phải đi học thêm mới theo kịp chương trình nhưng để tìm được lớp bên ngoài rất khó, chi phí lại đắt đỏ” - vị này nói.

Rối như tơ vò

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM phân tích, dạy-học thêm là nhu cầu của phụ huynh HS. Năm vừa rồi, khi trường thông báo trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học thì chỉ có khoảng 20% không đăng ký học thêm trong nhà trường vì họ đã đăng ký lịch học ở bên ngoài rồi. Còn lại, các em được xếp lớp theo năng lực và theo khối thi mà các em tính xét tuyển ĐH.

“Theo tôi, thay vì cấm dạy thêm trong nhà trường, nên có giải pháp quản lý sao cho tốt. Đành rằng dạy thêm dễ dẫn đến một số tiêu cực như ép buộc HS học thêm, cắt giảm chương trình... nhưng đó chỉ là số ít, còn lại là nhu cầu có thật và chính đáng thì không thể đùng một cái cắt ngang được” - vị này nói.

Phó hiệu trưởng một trường THPT tại quận Gò Vấp cũng thẳng thắn với chương trình nặng, áp lực thi cử và cách ra đề thi như hiện nay thì không thể chấm dứt học thêm, dạy thêm được.

Theo vị này, để có được tỉ lệ tốt nghiệp và đậu ĐH cao như những năm qua phần lớn là do dạy thêm, học thêm mới có. Như kỳ thi vừa qua, nói là đề thi để tốt nghiệp và xét ĐH nhưng đề nhiều môn như toán, lý, tiếng Anh, sinh học... đều dạng khó. HS không đi học thêm thì chỉ làm được 30%-40%, em nào khá giỏi mà không đi học thêm thì cũng chỉ 7 điểm là cùng vì chủ yếu kiến thức nâng cao, thậm chí dạng lạ mà HS chỉ học ở lớp không thể biết được.

Ở một khía cạnh khác, nguyên hiệu trưởng một trường THCS quận Tân Bình cho rằng quy định hiện nay từ Bộ GD&ĐT cũng như Sở là giáo viên dạy ở các trường công lập không được dạy thêm ở bên ngoài nhà trường mà chỉ được dạy thêm trong trường. Như thế là phù hợp vì các trường dễ quản lý nhưng nay lại cấm dạy thêm trong trường thì sẽ thế nào?

“Nếu Sở cho phép giáo viên dạy bên ngoài thì sẽ ngược quy định của Bộ, nếu không cho thì chẳng khác nào cắt quyền lợi và nguồn thu chính đáng của giáo viên” - vị này nói.

Theo vị này, các cấp quản lý cần có cuộc khảo sát, đánh giá nhu cầu của phụ huynh HS như thế nào về dạy thêm, học thêm để có một cái nhìn tổng thể và đề ra giải pháp mang tính ổn định lâu dài.

Tôi ủng hộ việc bỏ dạy thêm trong nhà trường với điều kiện phải đổi mới mạnh về kiểm tra, đánh giá hiện nay. Việc ra đề phải làm sao cho tương xứng với thực tế giảng dạy trong nhà trường, còn em nào đam mê hay muốn nâng cao môn học nào đó thì đã có các trung tâm bên ngoài. Bên cạnh việc cấm dạy thêm trong trường, Sở cũng có giải pháp để quản lý các cơ sở dạy thêm bên ngoài và cân nhắc nên cho giáo viên dạy thêm ở bên ngoài nhà trường hay không để tránh dẫn đến nhiều tiêu cực về sau.

Thầy VKH, giáo viên tại quận 10, TP.HCM

Theo tôi, bỏ dạy thêm trong trường là cần thiết để các em học một cách thoải mái. Tuy nhiên, thay vào đó, nhà trường nên làm sao đừng đặt nặng quá nhiều về kiến thức mà hãy dạy làm sao để trang bị cho các em phương pháp học một cách tốt nhất chứ không phải học cả ngày lẫn đêm như hiện nay.

Chị NGUYỄN KHÁNH HƯNG, phụ huynh có con đang học THPT tại quận 3, TPHCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo PHẠM ANH (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN