Quá nhiều học sinh giỏi: Vì sao năm nay “lạm phát” giấy khen?

Năm nay, các trường thực hiện cách đánh giá học sinh mới theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay vì đánh giá xếp loại học sinh giỏi, khá như các năm trước đây.

Quá nhiều học sinh giỏi: Vì sao năm nay “lạm phát” giấy khen? - 1

Năm học 2014 - 2015, các trường không còn đánh giá xếp loại học sinh giỏi, khá như các năm trước.

Sau tổng kết năm học 2014 – 2015, những ngày qua, nhiều phụ huynh “khoe” bảng điểm tổng kết rất đẹp của con sau một năm học tập. Phụ huynh có con đang học lớp 4 chia sẻ, lớp có 53 học sinh, trong đó 51 em “hoàn thành xuất sắc”, chỉ có 2 học sinh đạt “hoàn thành”.  

Chị Nguyễn Thị Phương (ở Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, con trai chị không vui mừng vì được giấy khen, do ở lớp bạn nào cũng có.

Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh cũng khá “lạ lẫm” trước những giấy khen ghi những lời nhận xét như: Đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện; hoàn thành tốt nhiệm vụ của học sinh; học sinh tiêu biểu; ứng xử thân thiện, biết chia sẻ giúp đỡ bạn bè...

Trao đổi với phóng viên, ông  Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội - cho biết, từ năm học này, các trường không đánh giá xếp loại học sinh giỏi, khá, trung bình như trước. Thay vào đó, việc đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo Thông tư 30 quy định cách đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ví dụ, một em học sinh đạt 10 điểm môn toán, 5 điểm môn văn. Nếu theo cách đánh giá trước đây, các trường sẽ cộng điểm toán 10, văn 5 chia đôi thành 7,5. Học sinh được xếp loại khá.

“Cách tính này cho kết quả em học sinh này học loại khá, không làm cho người ta biết rằng em học sinh giỏi toán nhưng học văn trung bình”, ông Tiến bình luận.

Cách đánh giá học sinh theo Thông tư 30 được áp dụng từ năm nay sẽ tách bạch. Nhà trường vẫn khen em học sinh đó có thành tích xuất sắc về môn toán (10 điểm). Môn văn (5 điểm) không được khen, nghĩa là em học sinh đó cần cố gắng học thêm môn văn.

Không chỉ đánh giá kết quả học tập, cách đánh giá mới còn ghi nhận hoạt động giáo dục khác, vì vậy mà có khen thưởng ở các nội dung khác như: Ứng xử thân thiện, biết chia sẻ giúp đỡ bạn bè... Như vậy, với cách đánh giá này, học sinh nào cũng được khích lệ, động viên để phát huy những điểm mạnh của mình.

Cũng giống như cách gọi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Xuân Tiến gọi cách đánh giá trên là “nhân văn”. Ông cũng cho rằng, cách đánh giá như vậy sát với học sinh hơn, bảo đảm tính xác thực hơn. Mục đích cách đánh giá này nhằm ghi nhận, động viên, khích lệ học sinh.

Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao hiệu trưởng quyết định nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương. Do vậy, tùy hiệu trưởng mỗi trường sẽ quyết định một học sinh có thể nhiều giấy khen, hoặc có thể có 1 giấy khen nhưng ghi nhiều nội dung được khen.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội nói thêm về điểm cuối năm các môn học, đây là điểm có tác dụng xét hoàn thành chương trình lớp học. Đồng thời, cũng là ghi nhận kết quả học tập sau 1 năm của các học sinh.

“Nếu phụ huynh nào chưa tin vào điểm bài thi cuối năm có thể kiểm tra lại bài thi của học sinh. Phụ huynh được quyền làm điều này”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội bày tỏ.

Ông Tiến cũng nói thêm, không phải lớp học nào cũng có tỉ lệ học sinh xuất sắc cao. Trong một trường cũng có lớp có tỉ lệ thấp, lớp có tỉ lệ cao. Ngay ở Hà Nội, các trường ở quận Hoàn Kiếm và huyện Ba Vì cũng có sự khác biệt lớn, số học sinh đạt 9-10 ở quận Hoàn Kiếm nhiều hơn ở Ba Vì rất nhiều.

Theo Thông tư 30/2014/TT-BTC quy định cách đánh giá học sinh tiểu học:

 

Đánh giá học sinh tiểu học nêu trong quy định này là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.

Nguyên tắc đánh giá

1. Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy tất cả khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.
 
2. Đánh giá toàn diện học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.
 
3. Kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.
 
4. Đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Nội dung đánh giá

1. Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
 
2. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh:
a) Tự phục vụ, tự quản;
b) Giao tiếp, hợp tác;
c) Tự học và giải quyết vấn đề.
 
3. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh:
a) Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục;
b) Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm;
c) Trung thực, kỷ luật, đoàn kết;

d) Yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN