Nữ thương binh và ngôi nhà tiếp sức

Mặc dù ngôi nhà của nữ thương binh Nguyễn Thị Như Hoà chỉ rộng hơn 10m2, bày bán đủ các loại hàng tạp hoá nhưng hơn 10 năm nay nơi đây đã trở thành địa chỉ thân thuộc cho nhiều thí sinh và phụ huynh trong mùa thi đại học, cao đẳng.

Nữ thương binh từng bị “tâm thần”

Thời kháng chiến chống Mỹ, nữ sinh Nguyễn Thị Như Hòa là một giao liên trong cụm Gia Định của an ninh T4, biệt động thành. Cô nữ sinh nhỏ nhắn, dễ thương tuổi mới 16 là một giao liên dày dạn kinh nghiệm, thông thuộc mọi ngóc ngách của khu vực Hàng Xanh, Thị Nghè. Đợt 1, rồi đợt 2 của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, cô giao liên bé nhỏ ấy, khi thì tay cầm AK, khi thì mình giắt lựu đạn, dẫn hàng chục đợt quân giải phóng ra vào cửa ngõ thành phố, ém quân đánh các đồn, bốt trên cầu Sài Gòn.

Đến đợt 3, khi hầu hết các đơn vị chủ lực của ta đã rút an toàn thì quân đội Sài Gòn phản công quyết liệt. Chúng biết lực lượng biệt động thành là đơn vị chủ chốt dùng đòn “nội công”, dẫn các cánh quân ra vào Sài Gòn một cách an toàn tuyệt đối. Do đó, chúng tung ra khắp Sài Gòn lực lượng an ninh, cảnh sát ngầm để truy tìm những đầu mối dẫn người của ta ra vào Sài Gòn như… đi chợ. Được mật báo, chúng bắt cô Hòa trong một lần cô đi học về. Không bằng chứng cụ thể, chúng tống giam giam cô vào khám Chí Hòa, cô bắt đầu một cuộc đấu tranh trực diện mới với những “chuyên gia” thẩm vấn tại đây.

Không moi được tin tức của cô, chúng bèn áp dụng chiêu “khoa học kỹ thuật” mới: Tiêm thuốc tâm thần trước các buổi lấy cung để cô không kiểm soát được lý trí, buột miệng nói ra sự thật. Không biết cô đã bị tiêm bao nhiêu mũi thuốc như vậy, nhưng cô Hòa cũng bèn… giả điên, để qua mặt các “chuyên gia thẩm vấn”. Sau khi khám tỉ mỉ, chúng tưởng cô điên thật nên tống giam cô vào Bệnh viện Chợ Quán. Ở đây, cô phải điều trị theo phác đồ của người tâm thần… hạng nặng, đến ngày đất nước thống nhất, cô cũng trở thành người… nhớ nhớ, quên quên, khóc cười vô cớ. Cho đến bây giờ, đã trở thành mẹ, thành bà ở cái tuổi xấp xỉ 70, cô Hòa hàng tháng vẫn phải đi lấy thuốc theo chế độ để uống.

Nữ thương binh và ngôi nhà tiếp sức - 1

Cô Hòa (đeo kính) và một thí sinh được cô cho ở miễn phí trong thời gian đi thi. Ảnh: Quốc Định

Ngôi nhà nhỏ, tấm lòng lớn

“Hiện tui đang hưởng mức trợ cấp thương binh 4/4, cứ mưa nắng thất thường là tui bị nhức đầu, chóng mặt, nên cứ quanh quẩn ở nhà, trong xóm suốt ngày. Kế sinh nhai duy nhất của tui từ hàng chục năm nay là dựa vào cái “quầy” tạp hóa trong nhà. Gọi là “quầy” cho nó… sang, bởi trong nhà chỗ nào còn trống là bày tương chao, mắm muối, dầu ớt, bánh kẹo… bán cho bà con lối xóm”, cô Hòa tâm sự.

Việc buôn bán kiểu “lượm bạc cắc”, để có chút tiền chợ, quan trọng hơn là bớt ở không và suy nghĩ lung tung. Đến năm 1996, khi Thành đoàn và Trung tâm hỗ trợ sinh viên học sinh thành phố mở ra Chương trình tiếp sức mùa thi, cô Hòa thấy thông tin này trên báo và lập tức nhờ con trai chở mình… lên đường. Khi các cán bộ Thành đoàn hỏi về gia cảnh của cô, diện tích nhà ở thì họ lắc đầu từ chối, bởi nhà cô đã thuộc diện khó khăn của địa phương, lại là thương binh, còn… cưu mang, “tiếp sức” được cho ai. Cô Hòa thuyết phục mãi, cán bộ Thành đoàn mới xuống nhà khảo sát. Đây là cái “chiêu” của cô, bởi cán bộ xuống nhà là bà con lối xóm liền “bao vây” họ, góp thêm tiếng nói thuyết phục. Và từ ngày đó, ngôi nhà có địa chỉ 430/34 (số cũ là 430/24/2) Điện Biên Phủ, phường 14, Bình Thạnh đã trở thành một địa chỉ “tiếp sức” thân thương, tràn đầy nghĩa tình vào mỗi mùa thi ĐH-CĐ cho đến tận bây giờ.

Nói về địa chỉ đặc biệt này, ông Dương Trọng Phúc-Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh-sinh viên TP HCM cho biết: “Đã qua mấy đời giám đốc của trung tâm đều “bàn giao” địa chỉ này cho lớp sau với những nhận xét đầy cảm phục cô Hòa. Nhà cô tuy nhỏ diện tích (tính cả căn gác gỗ) chỉ hơn chục mét vuông, hơi khó tìm… nhưng luôn rộng cửa, với tấm lòng đầy ắp tình thương dành cho các cháu, phụ huynh mỗi khi vào mùa thi. Cô coi họ như bà con ở quê lâu lắm mới ghé chơi, các thí sinh được cô chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, đưa đón đi lại như con đẻ của mình. Cứ vào mùa thi, là cô điện thoại nhắc nhở, trông ngóng nhân viên của trung tâm đưa gia đình các em về ở nhà cô. Tấm lòng này, nghĩa cử này có thể ví như một bà tiên giữa đời thường vậy”.

Chúng tôi ngồi trong ngôi nhà của cô với xung quanh toàn là hàng tạp hóa, ở giữa chỉ còn kê cái tivi, cái tủ cũ và cái ghế là… hết chỗ. Đó là “mặt tiền” quầy buôn bán kiêm phòng khách, chỗ ăn cơm, nhà tắm, vệ sinh... Mặc dù vậy, cô Hoà vẫn vui vẻ khi có thêm các em thí sinh đến ở nhờ. “Nhà tui ăn cái gì, là tụi nhỏ ở quê lẫn phụ huynh ăn cái đó. Tối tui nấu cháo, nấu mì để tụi nhỏ bồi dưỡng ôn thi thức khuya. Năm nào cũng vậy, nhà tui chỉ chứa được khoảng 5-6 thí sinh mà thôi. Còn phụ huynh, tui làm công tác… dân vận với bà con hàng xóm, nhà thì chứa 1-2 người, nhà thì chứa 3-4 người. Ở sát vách nhau nên quây quần thành một “xóm tiếp sức”, an toàn lắm”, cô Hòa tâm sự.

Hơn 15 năm “tiếp sức”, cô Hòa cũng không nhớ nổi có bao nhiêu người đã ở nhà mình. Có người về quê rồi viết thư cảm ơn, cô không nhớ là bao nhiêu lá thư. Cô kể: “Có đứa lên đây học ĐH, ghé qua nhà tui chơi một hai bữa là tui vui, hạnh phúc quá rồi. Có đứa ra trường đi làm, rồi định cư luôn ở thành phố, cứ đến mùa thi là ghé qua nhà tui, “góp” với tui chút đỉnh để cùng nhau “tiếp sức”. Chỉ vậy thôi là tui vui lắm”.

Hạnh phúc với cô Hoà thật giản đơn nhưng thứ mà cô nhận được nhiều hơn và không đong đếm được là cô đã được nhiều thế hệ sinh viên, người thành đạt, người không, nhận là mẹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Định (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN