Những lưu ý đặc biệt khi xét tuyển vào ngành công an

Bộ Công an năm nay có một sự điều chỉnh xuất phát từ chỉ tiêu hạn chế. Cụ thể, 1500 chỉ tiêu đại học chỉ dành cho học sinh THPT, còn 500 chỉ tiêu cao đẳng, trung cấp chỉ dành cho chiến sĩ nghĩa vụ, hạ sĩ quan.

Những lưu ý đặc biệt khi xét tuyển vào ngành công an - 1

Thượng tá, TS. Nguyễn Đăng Sáu, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết năm nay, điểm trúng tuyển vào ngành công an sẽ rất cao. Đối với những thí sinh gian lận trong đăng ký sơ tuyển có thể sẽ bị tước quyền đăng ký. Đặc thù  của ngành công an tuyển sinh là tuyển dụng. Do vậy, khi tuyển sinh phải căn cứ vào biên chế của ngành cũng như chỉ tiêu tuyển sinh. Việc  lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển cũng dựa trên căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh năm nay. Mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng tuyển sinh vào công an nhân dân.

Chỉ tiêu CĐ,TC của ngành chỉ dành cho chiến sĩ nghĩa vụ, hạ sĩ quan, theo ông, như thế có tạo ra sự công bằng cho các thí sinh muốn đóng góp cho ngành công an?

Như tôi đã nói, tuyển sinh căn cứ vào nhu cầu bố chí sử dụng cán bộ. Bộ Công an năm nay có một sự điều chỉnh xuất phát từ chỉ tiêu hạn chế. Do đó, chỉ  tiêu dành cho học sinh học THPT chỉ đăng ký vào ĐH. Còn lại, CĐ,TC, chỉ tiêu hơn 500. 

Năm 2017, khối ngành công an tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu vào 7 trường đại học, như vậy chỉ tiêu năm nay giảm hơn 1 nửa so với 3.200 chỉ tiêu của năm 2016.

Hiện số lượng hạ  sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ đang phục vụ trong ngành  rất lớn. Để động viên, chính sách đối với  đối tượng này, Cục đã báo cáo và được lãnh đạo Bộ  chấp thuận. Do vậy, chúng tôi  đã có hướng dẫn và ban hành chỉ tiêu  đối với CĐ, TC chỉ dành cho các chiến sĩ nghĩa vụ quân sự, hạ sĩ quan.

Sự công bằng hay không công bằng thể hiện ở sự công khai minh bạch. Chúng tôi đưa thông tin này công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như hướng dẫn tuyển sinh CAND để tất cả thí sinh,  học sinh THPT, chiến sĩ biết được chủ trương chung của Bộ để định hướng  trong xét tuyển cũng như nộp hồ sơ dự tuyển vào khối ngành CAND.

Mọi năm nguồn tuyển vào CĐ,TC cao. Năm nay chỉ xét chiến sĩ nghĩa vụ, hạ sĩ quan, chất lượng nguồn tuyển liệu có  giảm? Bộ đã tính đến điều này chưa, thưa ông?

Chúng tôi  đã tiến hành đánh giá đối tượng dự thi là chiến sĩ nghĩa vụ. Khảo sát 3- 5 năm gần đây thì mức điểm đối với chiến sĩ nghĩa vụ tương đối cao, đạt ở ngưỡng trên 20 điểm. Còn chất lượng tuyển sinh thì chúng tôi đánh giá cũng không ảnh hưởng. 

Vì số lượng đăng ký dự thi và xét tuyển lớn, chỉ tiêu thì có hạn. Tôi đơn cử số lượng đăng ký lên đến hơn chục nghìn nhưng chỉ tiêu chỉ có 500 nên mức độ cọ sát , cạnh tranh cao. Chỉ thí sinh nào thực sự giỏi mới hy vọng đỗ vào CĐ, TC.

Chỉ tiêu vào ĐH, CĐ, TC đều giảm nhiều, vậy thi tuyển sinh năm nay có tạo căng thẳng cho thí sinh không?

Tuyển sinh phụ thuộc vào chỉ tiêu. Mà chỉ tiêu năm nay rất ít, theo nhận định của cá nhân tôi thì sự cạnh tranh tuyển sinh 2017 rất quyết liệt, căng thẳng. Vì điểm chuẩn những năm trước vào ngành rất cao. Năm nay, chỉ tiêu lại giảm so với những năm trước khá lớn. Do vậy, điểm trúng tuyển vào các trường ĐH CAND 2017 rất cao và rất quyết liệt.

Vậy ông có định hướng hay lời khuyên gì cho thí sinh?

Đối với phụ huynh và thí sinh nên cân nhắc  thật kỹ trước khi đăng ký dự tuyển, xét tuyển vào ngành công an. Căn cứ vào năng lực, lực học, những yếu tố về sở thích, tiêu chuẩn sức khỏe để lựa chọn. Tôi hy vọng năm 2017 trên cơ sở những thông tin mà chúng tôi cung cấp  thí sinh và phụ huynh quan tâm đến  ngành CAND có lựa chọn sáng suốt để đạt mục đích cao nhất.

Thí sinh khó gian lận khi đăng ký

Những năm qua, nhiều thí sinh điểm cao nhưng vẫn vướng vào lý lịch chính trị. Năm nay có giải pháp nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông?

Trước đây, vì số lượng sơ tuyển vào trường công  an rất lớn. Theo đề nghị của công an địa phương, từ 2014 trở về trước, chúng tôi đồng ý  cho hậu kiểm, tức là sau khi thí sinh trúng tuyển mới thẩm tra lý lịch. 

Nhưng  trong quá trình tổ chức thực hiện nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là đối với số thí sinh trúng tuyển rồi, công an địa phương thẩm tra lại không đảm bảo điều kiện sơ yếu lý lịch chính trị sẽ gây nên sự phiền hà và không tốt với thí sinh vì các em bị lỡ cơ hội vào trường khác. 

Do vậy, chúng tôi khắc phục hạn chế này, tham mưu lãnh đạo các cấp ngay từ đầu, tất cả  thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển, xét tuyển vào ngành CAND đều phải qua thẩm tra  tiêu chuẩn lý lịch chính trị. Công an địa phương căn cứ kết quả thẩm tra  để kết luận đủ điều kiện  sơ yếu lý lịch chính trị thì lúc đó chúng tôi mới tiếp nhận hồ sơ và tổ chức  xét tuyển.

Trong yêu cầu thẩm tra lý lịch của thí sinh, Bộ có yêu cầu thẩm tra tới ba đời, như thế có bất công cho thí sinh không?

Theo quy định của ngành, chúng tôi chỉ tuyển những thí sinh đáp ứng đủ điều kiện về lý lịch chính trị. Trong đó  quy định rất rõ trường hợp nào được tuyển. Chúng tôi đã công khai và thí sinh cần nghiên cứu, công an địa phương cũng có hướng dẫn rất cụ thể. 

Thí sinh căn cứ vào đó, nếu cảm thấy mình và gia đình đủ điều kiện thì hãy đăng ký. Còn  trong quá trình thẩm tra chúng tôi phát hiện trường hợp nào không đảm bảo  thì đương nhiên chúng tôi không cấp giấy chứng nhận sơ tuyển để nộp hồ sơ.

Những năm trước có xảy ra tình trạng thí sinh dùng hai  CMTND để đăng ký, ý kiến của ông về vấn đề này?

Trên thực tế chúng tôi đã phát hiện ra những trường hợp sử dụng hai CMTND. Những trường hợp này, chúng tôi đều có công văn  gửi về công an địa phương và hủy kết quả xét tuyển.

Vậy giải pháp lọc những trường hợp nghi ngờ như thế nào, thưa ông?

Cái này chúng tôi phân cấp cho công an các địa phương. Công an các địa phương  căn cứ vào quy định của Bộ để kết luận sơ yếu lý lịch chính trị. Khi đủ  rồi, công an địa phương chịu trách nhiệm trước bộ về kết luận của mình. 

Khi đã gửi về  bộ và các trường, sau khi trúng tuyển, các trường sẽ rà soát lại một lần nữa. Trong quá trình rà soát nếu phát hiện trường hợp không đủ sẽ yêu cầu công an địa phương thẩm tra lại và có kết luận chính xác. Những trường hợp không đủ điều kiện về lý lịch chính trị, chúng tôi sẽ phải trả về  địa phương theo quy định.

Nhưng làm thế nào để quản lý nguồn sơ tuyển khi thí sinh có thể đăng ký cả công an và quân đội, thưa ông?

Chúng tôi có giải pháp phối hợp giữa  Cục Đào tạo của Bộ Công an và Cục Nhà trường của Bộ Quốc phòng để rà soát những trường hợp đăng ký hai nơi để có trao đổi thông tin và sẽ xử lý chỉ cho đăng ký vào một bên và một nguyện vọng. Nếu phát hiện thí sinh đăng ký cả hai nơi, chúng tôi sẽ có giải pháp xử lý. Có thể thí sinh sẽ bị tước quyền đăng ký tuyển sinh vào ngành Công an hoặc quân đội.

Năm nay Bộ Công an sẽ hậu kiểm như thế nào?

Chủ trương chung của Bộ vẫn tiếp tục  hậu kiểm. Chúng tôi đã có văn bản trao đổi với Bộ GD&ĐT và Bộ GD&ĐT đã chấp thuận cho Bộ Công an rút những bài thi trúng tuyển để chúng tôi có thể chấm thẩm định hoặc bằng hình thức nào đó kết quả của bài thi để so sánh, đối chiếu đối với thực tế với thí sinh đã trúng tuyển.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN