Nhiều ngành học phải đóng cửa

Mặc dù thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung vẫn còn nhưng nhiều trường đã thông báo tạm dừng tuyển sinh nhiều ngành.

Trường ĐH Quảng Nam đã thông báo xét tuyển bổ sung ba đợt, hạ điểm chuẩn nguyện vọng (NV) 1, NV2 hàng loạt ngành học ở cả hai bậc ĐH và CĐ. Thế nhưng trường này vẫn buộc phải tạm dừng tuyển sinh ngành CĐ sư phạm mỹ thuật do lượng thí sinh trúng tuyển quá ít, không đủ để mở lớp.

Thực tế... bất tòng tâm

ĐH Quảng Nam không phải là trường hợp cá biệt. Với Trường ĐH Đồng Tháp, đây đã là năm thứ hai phải tạm dừng tuyển sinh các ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp bậc ĐH và công nghệ thiết bị trường học bậc CĐ. TS Nguyễn Văn Đệ - hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp - cho biết do số thí sinh trúng tuyển quá ít, không đủ để mở ngành nên năm thứ hai liên tiếp trường phải tạm dừng tuyển sinh các ngành này.

Nhiều ngành học phải đóng cửa - 1

Thí sinh dự thi vào ĐH Đà Nẵng trong kỳ thi tuyển sinh 2012 - Ảnh: Đoàn Cường

Tương tự, Trường ĐH An Giang cũng tạm dừng tuyển sinh bốn ngành trong kỳ tuyển sinh năm nay. Theo ông Hoàng Xuân Quảng - phó hiệu trưởng nhà trường, bốn ngành phải tạm dừng tuyển sinh gồm sư phạm sinh học, sư phạm tin học, chăn nuôi bậc ĐH và chăn nuôi bậc CĐ. Hai ngành quản trị kinh doanh và luật kinh tế (liên kết với Trường ĐH Kinh tế - luật - ĐHQG TP.HCM) cũng không thể mở được do chỉ có tám thí sinh đạt điểm chuẩn. Điều đáng nói là trường thông báo tạm dừng tuyển sinh ngay sau khi công bố điểm chuẩn NV1 mà không chờ NV bổ sung. “Có xét tuyển nữa thì nguồn tuyển cũng không có nên trường quyết định dừng tuyển sinh” - ông Quảng nói thêm.

Đại học vùng cũng khó

Ngay sau khi công bố điểm chuẩn NV2, ĐH Đà Nẵng chính thức thông báo tạm dừng tuyển sinh ngành hệ thống thông tin của Trường CĐ Công nghệ thông tin do số thí sinh trúng tuyển quá ít. Trong khi đó, ĐH Huế đến nay đã phải xét tuyển đến... NV4 với rất nhiều chỉ tiêu. Một ĐH vùng khác là Thái Nguyên, tình trạng khan hiếm thí sinh còn đáng ngại hơn. Mặc dù đã xét tuyển bổ sung đến bốn đợt nhưng đến nay số thí sinh tuyển được ở nhiều trường thành viên vẫn chưa đến 50%.

Trong khi các trường khác gặp khó khăn ở khối ngành nông nghiệp, sư phạm thì tại Trường ĐH Phú Yên, đa số ngành tạm dừng tuyển sinh lại rơi vào các ngành khoa học cơ bản ở khối C. TS Phan Huy Vị, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết có bốn ngành phải tạm dừng tuyển sinh năm nay là văn học, lịch sử, Việt Nam học và sinh học.

Trường ĐH Tân Tạo cũng vừa kết thúc tuyển sinh với 29 tân sinh viên nhập học. Trong đó ngành kinh doanh quốc tế có số sinh viên nhập học đông nhất là 16, ngành quản trị kinh doanh sáu sinh viên... trong khi năm nay trường thông báo tuyển sinh tám ngành với 500 chỉ tiêu. Trước kỳ tuyển sinh năm nay, nhà trường công bố dành 500 suất học bổng toàn phần (3.000 USD/sinh viên/năm) cho tất cả sinh viên năm 1 nhưng vẫn không hấp dẫn được thí sinh. GS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết dù ít sinh viên nhưng nhà trường vẫn dạy bình thường. Tuy nhiên với số sinh viên quá ít, có thể sẽ gom lại còn hai ngành.

Tại Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam), theo ông Hoàng Trung Hưng - trưởng phòng tuyển sinh nhà trường, đến nay chỉ có vài chục tân sinh viên đến trường làm thủ tục nhập học. Trong khi năm 2012 trường tuyển sinh tám ngành bậc ĐH chính quy với 500 chỉ tiêu và bốn ngành bậc CĐ với 300 chỉ tiêu. “Với tình hình này, nhà trường đang tính đến việc gom các ngành lại, chỉ đào tạo bốn ngành kế toán, tài chính ngân hàng, ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung” - ông Hưng cho biết.

Xoay xở

Ông Phạm Công Toàn, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế), cho biết sau bốn ngày chỉ có 351 sinh viên đến làm thủ tục nhập học, trong đó chỉ có 34 sinh viên bậc ĐH, còn lại là CĐ. “Nhà trường chưa biết phải xoay xở ra sao để tổ chức giảng dạy.

Trước đó, chúng tôi dự kiến phải đóng cửa ít nhất năm ngành, nhưng đến nay với số sinh viên đến nhập học thế này thì chưa biết tính sao” - ông Toàn lo lắng. Ở Trường ĐH Trà Vinh, sau hai đợt xét tuyển tình hình cũng chẳng khả quan. Ông Đặng Diệp Minh Tân, phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng nhà trường, chia sẻ: “Có thể năm nay nhà trường xác định những ngành khó tuyển chỉ cần có trên 10 sinh viên vẫn chấp nhận mở lớp”.

Theo TS Trần Đình Lý - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, mặc dù đã giảm bớt tại phân hiệu Gia Lai 250 chỉ tiêu và Ninh Thuận 200 chỉ tiêu (trước đó Gia Lai 360, Ninh Thuận 300) nhưng đến nay ở Gia Lai chỉ có khoảng 232 thí sinh và Ninh Thuận có 81 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. “Nhà trường tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển đến ngày 8-10. Nếu tuyển không đủ chỉ tiêu, chúng tôi sẽ ghép ngành ở các phân hiệu” - ông Lý dự tính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Huỳnh- Minh Giảng (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN