Nên xét tốt nghiệp THPT để tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng

Vừa qua, trong buổi họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết tới đây Bộ sẽ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để quyết định phương thức tổ chức kỳ thi trong các năm tiếp theo.

Thông tin này đã thu hút sự quan tâm đông đảo của dư luận. Hiện nay có khá 4 luồng ý kiến liên quan đến vấn đề này: 

- Nên giao cho các Sở GD&ĐT xét tốt nghiệp, các trường ĐH tổ chức tuyển sinh theo “ba chung”. 

- Nên giao cho các Sở GD&ĐT xét tốt nghiệp và các trường ĐH tự chủ tuyển sinh. 

- Bỏ thi tốt nghiệp mà xét theo học bạ. Chỉ thi để xét vào các trường ĐH.

- Giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng GS.TS Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại.

Nên xét tốt nghiệp THPT để tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng - 1

 GS.TS Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng Đại học Thương Mại

GS.TS Đinh Văn Sơn cho hay: “Theo quan điểm của cá nhân tôi: Việc xét tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ của sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố; tuyển sinh đại học là việc của các trường đại học gắn với quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm của các trường. 

Trước hết, đối với việc xét tốt nghiệp THPT:

Thi tốt nghiệp hay xét tốt nghiệp? Lâu nay chúng ta thừa nhận một thực tế là còn khá nhiều tồn tại trong giáo dục phổ thông, nhất là khâu đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Lý do của tồn tại này một phần do bệnh thành tích trong giáo dục, một phần do những tiêu cực nảy sinh từ chính một số không ít giáo viên kém phẩm chất, vi phạm đạo đức nhà giáo đã làm sai lệch kết quả học tập của học sinh. Do vậy, không thể xét tốt nghiệp thông qua kết quả học tập và quá trình rèn luyện của học sinh.  

Vì thế, thi tốt nghiệp là phương pháp được lựa chọn. Vậy ai dám chắc là thi tốt nghiệp sẽ khách quan, công bằng hơn, sẽ không có tiêu cực? Tôi nghĩ, bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ một hoạt động xã hội nào đều có thể có tiêu cực nếu ở đó thiếu sự kiểm soát, sự nghiêm minh trong xử lý tồn tại, tiêu cực. 

Trong tổ chức và quản lý, không nên để tránh một tồn tại này để rồi phải chấp nhận một tồn tại khác. Chúng ta không được né tránh những tiêu cực hiện nay trong đánh giá đánh giá kết quả học tập của học sinh, ngược lại, phải đối mặt với tồn tại đó bằng những giải pháp và các chế tài xử lý nghiêm khắc, đồng bộ. Chúng ta hoàn toàn thể làm tốt việc này.

Ví dụ, tại sao để chấm dứt tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, làm sai lệch kết quả học tập của học sinh, các trường THPT lại không thực hiện quy chế khảo thí tập trung như các trường đại học (xây dựng ngân hàng đề thi cho từng môn học, rọc phách bài thi, cơ chế chấm chéo...). Việc này hoàn toàn khả thi và cần thiết đối với các trường THPT.

Khi kết quả quá trình học tập THPT của học sinh được đánh giá khách quan, trung thực và công bằng thì có cần phải thi tốt nghiệp nữa không? 

Ở một tiếp cận khác, tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT hiện nay là các môn học các em đều đã thi cuối học kỳ, cuối năm học. Thậm chí có những môn học đã được thi rất nhiều lần cũng với các khuôn mẫu đề thi, thời gian làm bài, mức độ khó dễ giống như đề thi THPT.

Nên xét tốt nghiệp THPT để tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng - 2

Vậy tại sao không lấy luôn kết quả đó để xét tốt nghiệp mà phải thi lại? Nếu cho rằng kết quả thi cuối kỳ, cuối năm học không chính xác, thiếu khách quan thì tổ chức các kỳ thi đó làm gì? Thi tốt nghiệp chỉ thi 4 môn, nếu xét tốt nghiệp thì sẽ phải xét theo kết quả học tập tất cả các môn học, cả quá trình học THPT theo từng năm học của học sinh.

Như vậy xét tốt nghiệp hay thi tốt nghiệp sẽ đánh giá khách quan, toàn diện hơn? Nếu xét tốt nghiệp, học sinh sẽ phải học toàn diện hơn vì chỉ khi hoàn thành tất cả các môn học trong chương trình giáo dục thì được công nhận tốt nghiệp. Nếu chưa đạt môn học nào đó, sẽ phải tiếp tục học lại, thi lại môn học đó để hoàn thành chương trình. Khi đó mới được tốt nghiệp.

Chính vì thế học sinh sẽ phải học một cách nghiêm túc cả những môn học mà mình không thích. Tóm lại, nên mạnh dạn thay thế thi tốt nghiệp bằng hình thức xét tốt nghiệp THPT do các sở GD&ĐT chủ trì dưới sự giám sát của Bộ GD&ĐT.

Việc thay đổi này sẽ giảm áp lực thi cử cho học sinh, tiết kiệm hàng trăm, nghìn tỷ đồng hàng năm về thi THPT quốc gia. Cũng cần phải nói thêm rằng, hiện nay ở các trường đại học tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ, các sinh viên phải học và hoàn thành tất cả các học phần (môn học) trong chương trình đào tạo thì sẽ tốt nghiệp và được cấp bằng đại học. Không còn chuyện thi tốt nghiệp đại học như trước kia nữa.

Tất nhiên, để thay đổi từ thi tốt nghiệp sang xét tốt nghiệp sẽ có rất nhiều việc phải làm cả trong nhận thức cũng như hành động.

Thứ hai, về việc tuyển sinh của các trường đại học

Tuyển sinh là khâu đầu tiên và ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo. Theo tôi, tuyển sinh của các trường đại học trong thời gian tới vẫn tạm thời theo phương án BA CHUNG. Bởi vì: 

Với BA CHUNG sẽ có thước đo chung để đánh giá chất lượng đầu vào của các trường đại học, cao đẳng (cũng sẽ là một trong các cơ sở quan trọng  cho việc phân tầng, xếp hạng các trường đại học). 

BA CHUNG góp phần tiết kiệm chi phí xã hội trong công tác tuyển sinh. Thí sinh được quyền sử dụng kết quả thi chung để dự tuyển vào tất cả các trường đại học theo nhu cầu và phù hợp với năng lực học tập của mình.

Việc xác định điểm SÀN tuyển sinh theo từng khối thi để xác định chuẩn chất lượng tối thiểu đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngay từ khâu tuyển sinh. Đây là một việc rất cần thiết, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. 

BA CHUNG sẽ đảm bảo vai trò quản lý nhà nước, giám sát của Bộ GD&ĐT đối với công tác tuyển sinh, góp phần ngăn chặn những tiêu cực trong tuyển sinh của các trường đại học khi được trao quyền tự chủ.

Đó là trong ngắn hạn. Về dài hạn, tuyển sinh là công việc của từng trường đại học theo cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu của từng ngành, chuyên ngành đào tạo. Phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo của Việt Nam".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN