Năm học mới, kỳ vọng những điều không mới

Sự kiện: Giáo dục

Năm học 2017-2018 được Bộ GD&ĐT xác định là năm học mà toàn ngành cần tiếp tục tăng cường nề nếp kỷ cương, đạo đức lối sống để thầy ra thầy, trò ra trò.

Hôm nay (5-9), hàng triệu học sinh (HS) cả nước chính thức bắt đầu làm lễ khai giảng đón năm học mới 2017-2018. Pháp Luật TP.HCMghi nhận ý kiến của giáo viên, HS, phụ huynh và cả những nhà quản lý giáo dục về những mong mỏi cho một năm học mới.

Năm học mới, kỳ vọng những điều không mới - 1

Muốn con được tập luyện thể thao, giỏi tiếng Anh

Năm học mới, kỳ vọng những điều không mới - 2

Điều tôi mong nhất trong năm học mới này là chương trình học nên bố trí làm sao để HS có nhiều thời gian rèn luyện thể chất hơn. Như con trai lớn của tôi năm nay mới vào lớp 6 nhưng đã không có nhiều thời gian để tập luyện thể thao, ngay cả môn bơi mà con yêu thích cũng không tập được. Trong tuần học chính khóa, tối về làm các bài tập nâng cao. Cuối tuần phải học thêm tiếng Anh tại các trung tâm để theo kịp các bạn nên dường như tất cả chỉ dành cho việc học kiến thức.

Tôi cũng mong việc học tiếng Anh của con tại lớp được hiệu quả hơn. Hiện nay bé chỉ học có 4 tiết/tuần, nếu cứ học như thế thì các em không thể đáp ứng được chuẩn quốc tế cũng như giao tiếp được. Những em nào muốn giỏi thì phần lớn phải đến học ở các trung tâm bên ngoài. Trong khi các trường học đều có nhiều điều kiện sẵn có về trường lớp, giáo viên nhưng phải đi học thêm ở trung tâm là rất mất công và lãng phí.

Chị Phan Tuyết Nhung, phụ huynh có hai con học tại quận 1, TP.HCM

Mong được học vui, thi cử nhẹ nhàng

Năm học mới, kỳ vọng những điều không mới - 3

Em rất thích cách giảng dạy của giáo viên trường em hiện nay, các tiết học rất vui. Thầy cô hầu như đều cho tụi em hoạt động theo nhóm, tuy hơi mệt nhưng vui.

Chương trình học cũng không nặng, học nhiều nhưng bù lại trường vẫn tổ chức cho tụi em nhiều hoạt động vui chơi. Em rất thích cách học này nhưng lo áp lực thi cử c

uối cấp, vì thi đòi hỏi nhiều kiến thức, nhất là Bộ GD&ĐT lại có nhiều thay đổi và tiêu chí mới ở kỳ thi THPT như là tăng độ khó, đánh lụi bị trừ điểm... Nên em sợ việc học và làm bài của mình sẽ đạt điểm không như mong đợi, sẽ ảnh hưởng đến tương lai. Em chỉ mong việc thi cử nhẹ nhàng hơn và gần với cách học, cách giảng dạy ở lớp, đề cũng đừng quá khó để tụi em thoải mái học hơn.

Tuy nhiên, em cũng sẽ cố gắng học chăm hơn, chú ý nghe giảng hơn để vượt qua được tất cả môn học, để năm nay được là HS giỏi, được lãnh thưởng là cặp sách của trường để em tiếp tục phấn đấu, cố gắng học hơn.

Em Nguyễn Huỳnh Nam Phương, lớp 11D2 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM

Không còn bệnh thành tích

Năm học mới, kỳ vọng những điều không mới - 4

Năm học mới tôi kỳ vọng những đổi mới trong giáo dục TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp, có những đổi mới đúng đắn, có kế hoạch, có lộ trình... Giáo viên TP sẽ có chế độ đãi ngộ, mức lương phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, với đời sống đang ngày một nâng cao ở TP để giáo viên có thể hết lòng, hết sức với nghề, không phải làm nghề tay trái như chạy GrabBike, UberMoto hay dạy thêm như một tên tội phạm... nữa.

Và các em HS của mình được học, được chơi, được trải nghiệm nhiều hơn với những hình thức học phong phú; được sống đúng với lứa tuổi của mình. Không phải mỗi sáng sớm tới trường là một cặp sách quá khổ. Không phải mỗi buổi chiều khi tan học về là khuôn mặt tái nhợt, ánh mắt đờ đẫn rồi lại vội vàng nắm xôi, bánh mì để tiếp tục đến các trung tâm học thêm...

Tôi cũng mong các bậc phụ huynh sẽ không đặt quá nhiều kỳ vọng ở con em mình để rồi những kỳ vọng đó đè nặng trên vai các em, trở thành gánh nặng tâm lý, tinh thần của các em.

Thầy Hoàng Long Trọng, giáo viên Trường THCS Văn Lang, quận 1

Xin đừng áp chỉ tiêu cho giáo viên

Tôi hy vọng rằng các trường nên chú tâm vào chất lượng giảng dạy, đừng nên chạy theo thành tích. Như một số bạn bè giáo viên tôi thường hay than phiền trường áp đặt cho giáo viên trong việc giảng dạy khiến họ bị áp lực. Đặc biệt là đối với các môn bắt buộc trong các kỳ thi tốt nghiệp, đại học. Như tôi là giáo viên dạy văn, nếu trường áp đặt cuối năm lớp tôi đứng dạy phải có 80%-85% HS lên lớp thì sẽ rất căng và liệu số HS đó có đảm bảo chất lượng.

Trường áp chỉ tiêu như thế dễ dẫn đến việc giáo viên vì đảm bảo thi đua của mình sẽ chấm điểm nới tay, không đúng với thực lực HS nếu không muốn nói là cho điểm khống. Không những thế việc áp đặt như thế sẽ tạo tâm lý chủ quan đối với HS, HS cứ nghĩ là thành tích, thế nào thầy cô cũng cân nhắc cho mình lên lớp, khi đó HS không coi trọng việc học tập.

Nguyễn Thị Lan Thoa, giáo viên  Trường THCS Long Tuyền (Cần Thơ)

Năm học mới, kỳ vọng những điều không mới - 5

Học trò Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5 (TP.HCM) hân hoan khi được học tập ở ngôi trường mới khang trang. Ảnh: PHẠM ANH

 Mong có sân chơi bổ ích để sinh viên giao lưu

Đây là năm đầu tiên em bước chân vào ngôi trường ĐH để theo đuổi ngành mà em yêu thích. Năm học này em có nhiều kỳ vọng mình tập trung học tập tốt từng môn học để không phụ lòng mẹ cha đã không quản khó khăn để đưa em đến giảng đường. Riêng chuyên ngành mình đeo đuổi, em sẽ tập trung nhiều hơn để có kết quả thật tốt. Là tân sinh viên, em chưa biết nhiều về các môn học nhưng em có suy nghĩ học ĐH là nghiên cứu, học tập nghiêm túc nên đòi hỏi phải có không gian học thật chất lượng. Ngoài giờ học em cũng mong ngôi trường mình yêu thích có thêm các sân chơi bổ ích để sinh viên giao lưu, học hỏi các kỹ năng để khi ra trường không quá thụ động.

Điều lo nhất của em trong các năm học tới là học phí đừng tăng quá nhiều, vì mỗi lần tăng học phí là gia đình em và nhiều bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khác thêm gánh lo. Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý học tập của sinh viên chúng em.

Tân sinh viên Trần Minh Thư, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

Mong đào tạo thực chất

Năm học mới, kỳ vọng những điều không mới - 6

Năm học mới tôi mong muốn giáo dục ĐH phấn khởi, tự tin bước vào mùa khai giảng với tư thế chủ động có nhiều cải tiến để đạt được chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tốt hơn. Tôi chúc các tân sinh viên sau kỳ thi THPT bước vào giai đoạn mới cần hết sức nỗ lực, phấn đấu đạt được các chuẩn đầu ra của các trường, các chương trình.

Trong hai năm qua đã bắt đầu có đánh giá về chất lượng, theo đó trong năm tới mong các trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đi vào thực chất. Những trường đã được kiểm định chất lượng tiếp tục căn cứ trên kết quả đánh giá để chủ động cải tiến, cải thiện chất lượng. Đồng thời tự mình đề ra các cải tiến chứ không nhất nhất phụ thuộc vào kết quả đánh giá ngoài. Còn những trường chưa kiểm định chuẩn bị tốt hơn các chương trình đào tạo, nghiên cứu đi vào thực chất hơn để phát triển bền vững trên nền tảng chất lượng thật.

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM

3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017-2018

1. Quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Theo đó, các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên.

2. Chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

3. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra các giải pháp quyết liệt để hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.

(Nguồn: Bộ GD&ĐT)

Hôm nay, hơn 22 triệu HSSV khai giảng năm học mới

Lễ khai giảng năm học 2017-2018 diễn ra ngắn gọn, trang nghiêm trong 1 giờ, đồng loạt từ 7 giờ 30 phút.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Anh- Phong Điền - Hải Dương (Pháp luật TPHCM)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN