Muốn thi Sử điểm cao, đọc kỹ sách giáo khoa

Sự kiện: Tin nóng

Thi THPT quốc gia năm nay, Lịch sử là một trong những môn lần đầu thi trắc nghiệm. Để đạt điểm cao, thí sinh cần đọc kỹ sách giáo khoa, nắm vững khái niệm, bản chất của các sự kiện lịch sử.

Muốn thi Sử điểm cao, đọc kỹ sách giáo khoa - 1

Học sinh tham quan tìm hiểu lịch sử Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Hồng Vĩnh

Lo học xong sẽ quên hết

Theo phương án thi THPT quốc gia năm nay, thí sinh có thể đăng ký thi một hoặc cả hai bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) và  khoa học xã hội (KHXH), trong đó, bài thi KHXH gồm Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân là những môn lần đầu thi trắc nghiệm. Mỗi thí sinh sẽ thực hiện liên tiếp 3 môn thi trong thời gian 150 phút với mỗi môn thi 40 câu hỏi. Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn chương trình, nội dung thi tập trung trong sách giáo khoa lớp 12. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều học sinh, giáo viên vẫn hoang mang vì từ khi Bộ công bố phương án thi đến khi kỳ thi diễn ra chỉ có 10 tháng để cả cô và trò phải thay đổi cả cách dạy lẫn cách học.

Giáo viên dạy Lịch sử Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Quận 9 (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ nỗi khổ khi phải “áp”, “rèn” học sinh thay đổi cách học, tư duy cho kịp kỳ thi. Giáo viên này nói: “Đầu vào thấp nhưng học sinh trung tâm giáo dục thường xuyên vẫn phải thi đề chung với học sinh các trường THPT, thậm chí là học sinh trường chuyên nên giáo viên gặp nhiều áp lực”.

“Lâu nay, các bài Lịch sử thường hay yêu cầu học sinh ghi nhớ sự kiện, ý nghĩa lịch sử mà quên gợi mở cho học sinh cách tự nhìn nhận, đánh giá vấn đề. Vì thế, nhiều em sẽ cảm thấy môn học giáo điều, khô cứng”. 

GS. TSKH Vũ Minh Giang (ĐHQG Hà Nội)

Cũng theo giáo viên này, từ khi có phương án thi, bài kiểm tra 1 tiết, giữa kỳ, kết thúc học kỳ có tới 70% trắc nghiệm, 30% tự luận để rèn học sinh. Tuy nhiên, giáo viên mới chỉ dè dặt ra đề dễ không dám ra đề khó. Vậy nhưng, trong số đó, có tới 1/3 học sinh tích bừa đáp án. Giáo viên này lo lắng: “Thi trắc nghiệm sẽ nhẹ nhàng hơn cho thí sinh nhưng khi học xong, các em sẽ quên hết, không ghi nhớ được gì”.

Một giáo viên dạy Lịch sử ở Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho rằng, việc thay đổi phương thức thi môn này sang trắc nghiệm là phù hợp, bởi lẽ nó sẽ nhẹ nhàng hơn cho thí sinh. Theo giáo viên này, đến thời điểm này, cả giáo viên và học sinh không còn nhiều băn khoăn, lo lắng.

Câu hỏi có đáp án gây nhiễu khó hơn

Theo đặt hàng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Thạc sỹ Nguyễn Vũ (Trường THPT chuyên Quốc học Huế) và Thạc sỹ Thái Thị Lợi (THPT Đồng Hới - Quảng Bình) đã viết cuốn sách 1.800 câu trắc nghiệm Lịch sử. Sách sẽ là nguồn tài liệu tham khảo cho học sinh lớp 12 thi môn Lịch sử trong tổ hợp KHXH năm nay.

Thầy Nguyễn Vũ cho biết, toàn bộ câu hỏi trắc nghiệm được thầy và cô Lợi ra hoàn toàn trong sách giáo khoa. Có bài, thầy ra 30 câu hỏi nhưng cũng có bài có tới 100 câu trắc nghiệm xoay quanh các sự kiện, khái niệm, ý nghĩa lịch sử. Các câu hỏi cũng được phân loại theo dạng nhận biết, đọc hiểu, tư duy thấp và vận dụng cần theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT về đề thi trắc nghiệm. Ngoài nội dung kiến thức cơ bản của từng bài, còn có các câu hỏi móc xích, so sánh các sự kiện lịch sử, các giai đoạn lịch sử với nhau.

Theo thầy Vũ, ở mỗi câu hỏi trắc nghiệm sẽ có 4 đáp án. Trong đó, 1 đáp án đúng, còn 3 đáp án khác có thể hoàn toàn sai hoặc gây nhiễu (gần đúng với đáp án). Nếu học sinh nắm không chắc, sẽ hoang mang không biết nên chọn đáp án nào. Trong khi đó, với 40 câu hỏi, thí sinh chỉ có 50 phút để làm bài không có nhiều thời gian để tư duy, suy nghĩ.

Thầy Vũ cho rằng, tuy viết sách như một tài liệu thêm cho học sinh ôn tập cũng như rèn cho học sinh kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm trong thời gian ngắn nhưng thầy khuyên, trước hết học sinh phải có kiến thức nền trong sách giáo khoa.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, trong 4 đáp áp thì kỹ năng quan trọng nhất là học sinh phải biết phân tích đáp án đúng để tích vào. Để làm được điều này, trước hết học sinh phải đọc kỹ sách giáo khoa để hiểu đồng thời biết kết nối các sự kiện với nhau tránh nhầm lẫn. Cô Thảo cũng cho rằng, phương thức thi trắc nghiệm sẽ giúp thí sinh cảm thấy nhẹ nhàng hơn, tuy nhiên cũng đòi hỏi học sinh phải đọc sách và tư duy nhiều hơn mới đạt điểm cao.

GS.TSKH Vũ Minh Giang (ĐHQG Hà Nội) đang chủ trì dự án thay đổi cách dạy, học môn Lịch sử trong trường phổ thông cho biết, lâu nay, các bài Lịch sử thường hay yêu cầu học sinh ghi nhớ sự kiện, ý nghĩa lịch sử mà quên gợi mở cho học sinh cách tự nhìn nhận, đánh giá vấn đề. Vì thế, nhiều em sẽ cảm thấy môn học giáo điều, khô cứng. Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử đang làm việc tích cực cho phần ý tưởng, chương trình đổi mới dạy học môn này. Khi hoàn chỉnh sẽ được vận dụng trong đổi mới dạy học Lịch sử trong trường phổ thông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hà (Tiền phong)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN