Mẹo ôn tập môn Ngữ văn

Kỳ thi tốt nghiệp sắp đến gần ngoài việc chuẩn bị tâm lý vững vàng, mỗi học sinh cần dành thời gian để ôn tập thật tốt các kiến thức. Với môn Ngữ văn, để ôn luyện một lượng kiến thức không phải là nhỏ đòi hỏi mỗi thí sinh phải có một phương pháp ôn tập hợp lý khoa học.

Cần nắm được kiến thức cơ bản

Vài năm trở lại đây, đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn được dư luận đánh giá khá tốt không những đảm bảo những nội dung cơ bản trong chương trình phổ thông mà còn phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể đạt được điểm cao trong kỳ thi thì mỗi thí sinh ngay từ bây giờ cần phải có kế hoạch để ôn tập dần những kiến thức đã học một cách hợp lý. Thông thường một đề thi môn Ngữ văn có kết cấu 3 phần. Ngoài các câu hỏi về kiến thức văn học, còn có câu hỏi về phần kiến thức xã hội. Bởi vậy, bên cạnh việc nắm vững các tác giả tác phẩm học sinh cần có vốn hiểu biết nhất định về cuộc sống.

Để làm tốt các câu hỏi phần văn học, HS phải nắm được những vấn đề về tác giả, tác phẩm. Tùy theo đặc thù của từng thể loại mà các em có cách ghi nhớ và ôn tập riêng. Đối với tác phẩm thơ, yêu cầu đầu tiên là phải thuộc được những đoạn thơ tiêu biểu, nắm được bố cục từng phần cũng như chủ đề tư tưởng của cả bài và cảm hứng sáng tác chủ đạo. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ cũng chính là yếu tố giúp học sinh hiểu sâu hơn và khai thác mạch cảm xúc của tác giả. Để phân tích và cảm nhận  được giá trị thẩm mỹ của tác phẩm, học sinh cần nắm được thao tác kỹ năng đi từ việc phát hiện các biện pháp nghệ thuật, các hình ảnh để khái quát lên nội dung và tư tưởng bài thơ. Các câu hỏi xoay quanh thể loại này thường hướng tới cách hỏi cụ thể đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng phân tích tốt. Song bất cứ đoạn thơ nào khi phân tích hay bình giảng người viết cần chú ý đến vai trò của đoạn trích trong tổng thể văn bản.

Mẹo ôn tập môn Ngữ văn - 1

Chuẩn bị kiến thức vững vàng sẽ giúp thí sinh hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh Tuấn Anh

Với tác phẩm văn xuôi, ngoài các kiến thức chung về tác giả (về tiểu sử, đặc điểm phong cách sáng tác) thì ở thể loại văn xuôi cũng có những đặc thù riêng. Đó là đề tài, những nội dung tư tưởng mà tác giả đề cập trong tác phẩm. Khi học về thể loại này, học sinh cần nắm được cốt truyện, các chi tiết độc đáo và một số đoạn văn xuôi tiêu biểu để khi cần có thể lấy dẫn chứng minh họa. Nếu như ở thể loại thơ cảm xúc trữ tình, những hình ảnh, cấu tứ là yếu tố dựa vào đó để học sinh có thể khám phá cái hay cái đẹp của tác phẩm thì khi tiếp cận tác phẩm truyện học sinh cần nắm được các tuyến nhân vật. Bởi tất cả diễn biến, xung đột, cao trào, thắt nút và mở nút trong nội dung truyện sẽ xoay quanh các nhân vật chính. Ở các tuyến nhân vật chính cũng sẽ chia ra nhân vật phản diện và nhân vật chính diện. Đặc biệt, nếu thuộc được những chi tiết quan trọng trong tác phẩm sẽ giúp học sinh phân tích đánh giá làm nổi bật hình ảnh nhân vật cũng như tư tưởng chủ đạo chung.

Đối với câu hỏi về phần xã hội, đề thi tốt nghiệp phổ thông thường đưa ra những tình huống, vấn đề mà các em dễ gặp trong cuộc sống. Điều quan trọng là cách lập luận đưa ra dẫn chứng để thuyết phục người đọc.

Chú trọng tới kỹ năng trình bày

Theo cô giáo Lê Thị Biên Trường THPT Hoài Đức, Hà Nội thì, khi tiếp cận một đề bài, bao giờ học sinh cũng phải đọc kỹ để nhận diện đúng yêu cầu của đề. Học sinh phải xác định đề bài yêu cầu ở dạng nghị luận nào: Chứng minh, phân tích, giải thích...? Trên cơ sở đó các em sẽ chọn đúng hình thức diễn đạt sao cho phù hợp. Nếu là kiểu bài chứng minh thì khi viết các em phải phải áp dụng theo cách viết diễn dịch, quy nạp cho sinh động. Còn nếu là kiểu bài phân tích thì phải sử dụng thao tác tổng - phân - hợp nhiều hơn... Khi trình bày một bài văn học sinh nên viết theo nhiều cách khác nhau có như vậy mới tạo cho bài viết của mình phong phú đa dạng, thuyết phục được người đọc.

Sau khi đọc đề bài các em nên dành thời gian để phân tích đề, lập dàn ý một cách sơ lược cho khung bài viết của mình. Các luận điểm, luận cứ cần phân tách rõ ràng tránh tình trạng sót ý hay lặp ý. Để có một bài viết hay, ngoài việc nắm chắc các kiến thức cơ bản theo nội dung phân phối chương trình thì HS cần trang bị cho mình kỹ năng trình bày một cách rõ ràng mạch lạc phù hợp với tiêu chí đề ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Châu (Giáo dục & Thời đại)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN