Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Môn xã hội tiếp tục bị thất sủng

Ngày 1.4 là ngày đầu tiên tiến hành nhận hồ sơ đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia trong cả nước. Thời điểm này, nhiều trường THPT đã tiến hành khảo sát về việc lựa chọn môn thi của học sinh. Thống kê ban đầu cho thấy, các môn khối xã hội (sử, địa) tiếp tục bị… thất sủng.

Tại TP.HCM, khảo sát chung của các trường THPT cho thấy, ngoài 3 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ, môn vật lý và hóa học được lựa chọn nhiều nhất với tỷ lệ lên tới 60 - 70%; trong khi đó môn lịch sử và địa lý có ít học sinh lựa chọn nhất với tỷ lệ có trường chỉ 2-3%.

Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Môn xã hội tiếp tục bị thất sủng - 1
Thí sinh làm thủ tục dự thi ĐH năm 2014 tại địa điểm thi Trường ĐH Ngoại Thương (Hà Nội). (Ảnh: Đàm Duy)

Trường THPT Nhân Việt có 120 học sinh lớp 12 thì chỉ có 3,1% số em chọn môn sử, 14,3% chọn môn địa, môn lý là 33,7%, hóa 40,8%, sinh 6,1%. Tương tự, tại Trường THPT Vĩnh Viễn (quận Tân Phú), số học sinh lựa chọn môn lịch sử chỉ có… 4 em. Còn tại Trường THPT Tân Phú (quận Tân Phú), số học sinh lớp 12 chọn 2 môn địa lý và lịch sử thi tốt nghiệp THPT cũng chỉ có 8, trong khi có tới 139 học sinh chọn môn lý, 68 em chọn môn hóa.

Thống kê tại Trường THPT Thủ Thiêm (quận 2) cũng có kết quả tương tự. Trong 450 học sinh lớp 12 đăng ký môn tự chọn có khoảng 50 - 60% học sinh chọn môn tự chọn là lý và hóa, các môn chiếm tỷ lệ thấp dần lần lượt là địa, sinh và sử. Riêng môn sử có chưa đến 10% học sinh đăng ký. Ông Nguyễn Hùng Khương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cũng cho biết cả trường chỉ có 9 em đăng ký thi 2 môn sử, địa.

Tại Hà Nội, tỷ lệ thí sinh đăng ký các môn thi tự chọn cũng không khác nhiều. Ông Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, trong số 350 học sinh lớp 12, số đăng ký thi môn sử chiếm tỷ lệ thấp nhất với 6,35%. Khá nhất có thể kể đến tỷ lệ chọn môn sử tại Trường THPT Phan Huy Chú, trong số 360 học sinh lớp 12 được khảo sát thì có tới 18,1% chọn thi môn sử.

Giải thích điều này, lãnh đạo các trường THPT đều cho rằng, xu hướng chọn môn thi như vậy là do khối trường ĐH, CĐ sử dụng các môn tự nhiên khối A, A1, B, D nhiều hơn trong khi các môn xã hội có ít khoa, ngành. Tuy nhiên, việc có những môn thi quá ít học sinh đăng ký khiến các trường gặp khó khăn trong việc tổ chức lớp ôn luyện. Ông Nguyễn Tùng Lâm cho biết: “Những môn quá ít thí sinh thì trường không thành lập được lớp riêng, các em phải tự học, nếu có vấn đề nào không hiểu học sinh sẽ nhờ giáo viên kèm thêm”.

Hướng dẫn các bước chọn môn thi: 

Đối với học sinh lớp 12 chưa tốt nghiệp THPT, có thể lựa chọn qua 2 bước:  Bước 1- chọn 3 môn thi bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ; Bước 2 - đối với các thí sinh muốn xét tuyển vào ĐH thì vào website của trường ĐH xem ngành dự kiến xét tuyển cần điểm môn gì. Nếu các môn đó không trùng vào 3 môn đã được chọn ở bước 1 thì bổ sung vào danh sách. Nếu tất cả 3 môn theo yêu cầu của ngành xét tuyển trùng với 3 môn đã chọn thì phải chọn thêm 1 môn mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT, nghĩa là phải thi tối thiểu 4 môn. 
Ông Nguyễn Quốc Cường- chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM 
Tối đa chỉ nên chọn 5 môn

Ông Nguyễn Quốc Cường- chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM: Dù lựa chọn môn thi thế nào, các em trước hết phải xác định khả năng của mình. Tối đa là lựa chọn 5 môn theo hướng nếu thí sinh thích ngành y thì đăng ký môn sinh, hóa; thích xã hội thì đăng ký sử, địa; thích kinh tế thì đăng ký lý, hóa… Đối với các thí sinh chỉ muốn lấy bằng tốt nghiệp THPT và không có nhu cầu vào học ĐH thì chỉ cần chọn thêm 1 môn ngoài 3 môn bắt buộc. Đối với các thí sinh được chọn môn thay thế ngoại ngữ thì phải chọn thêm 2 môn, vì theo quy định phải thi tối thiểu 4 môn. Riêng đối với thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT: Chỉ cần dự thi các môn theo yêu cầu của các ngành xét tuyển ĐH. Không cần chú ý đến các môn xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, nên chọn các tổ hợp môn xét tuyển sinh ĐH theo khối truyền thống để được xét theo chỉ tiêu nhiều hơn (75% chỉ tiêu), các tổ hợp môn không theo khối truyền thống chỉ sử dụng 25% chỉ tiêu.

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT): Năm nay việc chọn môn thi sẽ phức tạp hơn do có nhiều trường có  tổ hợp môn thi mới. Nhiều thí sinh có xu hướng chọn nhiều môn thi cho nhiều khối thi để chắc ăn. Tuy nhiên, điều đó là không nên. Nếu chọn nhiều môn quá sẽ mất tập trung, việc ôn tập sẽ không hiệu quả dẫn tới điểm số thấp, vì vậy thí sinh cần thật sự cân nhắc việc chọn môn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Hải – Tùng Anh ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN