Không nên chọn quá nhiều môn thi

Trước thời điểm thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016, các chuyên gia tuyển sinh khuyên thí sinh nên cân nhắc trong việc chọn môn thi

Từ ngày 1 đến 30-4, thí sinh sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016. Như vậy, dù ngày 30-4 mới là ngày cuối cho thí sinh đăng ký môn thi nhưng thống kê tạm thời tại nhiều trường THPT cho thấy học sinh chọn môn thi thuộc khối tự nhiên vẫn chiếm đa số; ngược lại, số học sinh chọn sử, địa rất ít.

30/1.000 học sinh chọn sử, địa

Ông Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie  (quận 3, TP HCM), cho biết cho đến thời điểm hiện tại, số học sinh chọn các môn lý, hóa, sinh vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất. “Khoảng gần cuối tháng 4 mới có số liệu chính thức vì tỉ lệ chọn bây giờ vẫn còn là ảo nhưng xu hướng chọn môn thi năm nay so với các năm trước cũng không có biến động nhiều. Chỉ có khoảng 30/1.000 học sinh khối 12 chọn môn sử, địa” - ông Vân thông tin.

Không nên chọn quá nhiều môn thi - 1

Học sinh lớp 12 tại TP HCM ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Vân cũng cho biết năm nay do học sinh đã làm quen với những thay đổi của kỳ thi nên trường không có chủ trương cho các em thi thử. Thi thử không chỉ tốn kém mà còn tạo thêm áp lực cho học sinh vì mất thêm 3 ngày ôn tập. “Lúc này, các em cần thoải mái để cân nhắc chọn môn thi và ôn tập cho thật tốt. Năm nay, khi tổ chức tư vấn cho học sinh những điều cần biết trước kỳ thi, trường còn mời cả phụ huynh đến để biết và để khuyên con mình đúng đắn nhất” - ông Vân cho biết.

Xu hướng chọn môn thi thuộc các khối tự nhiên cũng diễn ra ở nhiều trường THPT. Tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, TP HCM), theo ông Trần Ngọc Minh, hiệu trưởng nhà trường, ngoài các môn bắt buộc, số học sinh chọn 2 môn lý, hóa vẫn nhiều nhất; học sinh chọn sử, địa chỉ có khoảng 20-30 em. Ở thời điểm hiện tại, trường vẫn khuyên các em ôn tập cho thật tốt; đến đầu tháng 6, nếu sở có chủ trương, trường mới tổ chức cho học sinh thi thử nhằm rèn luyện những kỹ năng, hệ thống lại kiến thức trước kỳ thi quan trọng.

Theo bà Lý Thục Trang, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú, TP HCM), học sinh vẫn chủ yếu chọn các môn khối A. Sự lựa chọn cũng diễn ra tương tự ở Trường THPT Nhân Việt, THPT Gia Định, THPT Giồng Ông Tố... ThS Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TP HCM), cho biết: “Theo khảo sát, đến nay học sinh tại trường vẫn chủ yếu chọn khối thi A, A1, D. Tuy nhiên, nhà trường khuyến khích học sinh chọn 2 môn tự chọn ôn tập cùng lúc nhằm mục đích nếu trong quá trình ôn tập, học sinh thấy môn nào có thế mạnh hơn thì chọn lại để đi đến quyết định cuối cùng đúng đắn nhất”.

Cân nhắc kỹ lưỡng

TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH - ĐHQG TP HCM, cho rằng đối với hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh đã được các thầy cô giáo ở trường THPT chỉ dẫn cụ thể nên điều quan trọng nhất là các em phải ghi đúng theo quy định. Sai sót các thí sinh những năm trước hay gặp phải nhất là đối tượng ưu tiên. Cùng ý kiến, TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), cũng cho rằng thí sinh cần ghi chính xác về đối tượng và khu vực ưu tiên vì yếu tố này có thể quyết định việc đậu - rớt của các em. “Tuy quy định về chính sách ưu tiên khá rõ ràng, các thầy cô giáo THPT hướng dẫn, kiểm tra tận tình nhưng nhiều thí sinh do không chú ý gây ra sự nhầm lẫn đáng tiếc. Ngoài ra, nhiều trường hợp thuộc đối tượng cá biệt nhưng ngại ngần hỏi hoặc không biết hỏi ai, dẫn đến không nắm rõ thông tin nên vẫn mắc phải sai sót” - theo một chuyên gia.

TS Nguyễn Quốc Chính cũng khuyên thí sinh nên cân nhắc kỹ lưỡng trong việc chọn môn thi. Ngoài 3 môn bắt buộc, ông khuyên nên thi thêm 2 môn tự chọn phù hợp để xét tuyển vào ngành, nghề mình hướng đến. “Nếu chọn ít quá, cơ hội vào ĐH của thí sinh bị bó hẹp, còn chọn quá nhiều môn sẽ làm phân tán năng lực các em” - TS Quốc Chính khuyên.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn khuyên thí sinh phải ghi chính xác số điện thoại liên lạc và mở điện thoại thường xuyên sau thời gian nộp hồ sơ để tiện liên lạc.

ThS Trần Thanh Thưởng, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, cũng lưu ý thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm nay là các em nên đánh dấu vào 2 ô trống. Ngoài mục đích dùng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT quốc gia, các em phải đánh dấu thêm ở ô thứ 2 thì cụm thi do các trường ĐH chủ trì mới gửi giấy chứng nhận kết quả.

Sớm chỉnh sửa sai sót

Các chuyên gia khuyên trong trường hợp mắc sai sót sau khi nộp giấy đăng ký xét tuyển, thí sinh cần liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo nơi thí sinh nộp hồ sơ để chỉnh sửa càng sớm càng tốt. Các em cũng có thể chỉnh sửa thông tin sau khi nhận giấy báo dự thi hoặc trước ngày dự thi chính thức bằng cách liên hệ trực tiếp với trường ĐH chủ trì.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đặng Trinh - Lê Thoa (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN