Khoảng lặng sau ngày Nhà giáo

Cứ mỗi dịp 20-11 đến rồi qua đi, những ai đắm đuối với nghề đều không khỏi suy tư. Tôn vinh nhà giáo có còn là một việc làm chân thành từ tấm lòng?

Những ngày này, thấy hình ảnh các cô giáo xúng xính trong tà áo dài, thầy giáo thì sơ mi cravat ngay ngắn, rộn ràng với các phong trào chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam mà chạnh lòng, mà thương. Bởi chắc chắn sau vài ngày vui cười bận rộn, tạm quên đi nỗi lo về sinh mệnh giáo dục mà mình đang gắn bó sẽ là những khoảng lặng trống rỗng trong tâm hồn.

Lòng tự trọng bị tổn thương

Cuộc sống cứ trôi đi trong nỗi lo sợ mơ hồ: Liệu rồi sẽ còn có những thay đổi nào nữa? Có mái trường nào, đâu đó trên đất nước này xảy ra bạo lực học đường nữa hay không? Có giáo viên nào sơ sẩy gặp “tai nạn nghề nghiệp” không giữ được mình để rồi cả đội ngũ nhà giáo bị “ném đá hội đồng” phải chịu vạ lây? Đã nhiều năm trôi qua nhưng nỗi mong chờ đến ngày sẽ được sống đàng hoàng bằng lương vẫn còn xa vời vợi.

Khoảng lặng sau ngày Nhà giáo - 1

Học sinh Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 (TP HCM) dành nhiều tình cảm cho cô giáo. Ảnh: TẤN THẠNH

Để duy trì cuộc sống dưới mức bình thường, thực hiện thiên chức nuôi dạy con cái, nhà giáo buộc phải xoay xở đủ cách, kể cả việc dạy thêm, một cách làm thêm mà nhiều người cứ tưởng là chính đáng lương thiện cũng bị xã hội lên án. Để rồi nhiều người trong số họ ngơ ngác thở dài: “Giờ biết làm sao đây?”. Vẫn biết là một số thầy cô giáo đã và đang tìm mọi cách dạy thêm bất kể thời gian, bất chấp lệnh cấm để kiếm tiền, đổi điểm lấy tình khiến học trò mất niềm tin, phụ huynh phẫn nộ.

Tuy nhiên, cách phản ứng theo kiểu chụp mũ, cho rằng ngành giáo dục đã quá thối nát thì câu chuyện uy tín danh dự của hàng triệu giáo viên trên khắp đất nước bị tổn hại nặng nề. Lòng tự trọng của phần lớn nhà giáo chân chính bị tổn thương nghiêm trọng. Cuộc đổi mới của ngành giáo dục khiến công việc nhà giáo ngày càng nhiều, quyền hạn ngày càng ít lại trong lúc áp lực cuộc sống ngày càng lớn, đạo đức học sinh ngày càng đi xuống. Để làm một công dân bình thường, gánh nặng của trách nhiệm đã quá sức, còn đâu điều kiện thời gian để nhà giáo mơ tưởng, nghĩ đến vinh quang!?

Nếm trải vị đắng

Điều chúng tôi khẳng định đầu tiên, vị đắng mà giáo giới đã và đang nếm trải đến từ môi trường đầy sắc màu của đời sống xã hội hiện đại. Vì cố gắng bao nhiêu, tận tụy kiểu gì, đụng tới đâu, cánh nhà giáo cũng rất dễ mắc lỗi. Có những lỗi tự nhiên do nghề nghiệp mang lại, có những lỗi “tày đình” mà xã hội gán cho ngành giáo dục, nhà giáo phải chịu chung như: Học sinh không khỏe, vóc dáng thấp bé, lỗi do chương trình nặng nề buộc con trẻ phải học nhiều không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Học sinh hỗn láo tại nhà trường không quan tâm giáo dục đạo đức. Học sinh đánh nhau bên ngoài nhà trường do giáo viên chủ nhiệm không chú ý kèm cặp, không nắm rõ tâm tính của từng em để can ngăn kịp thời. Tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông cao xã hội sẽ nghi ngờ về chất lượng, quy kết tội chạy theo thành tích. Học sinh trượt nhiều dư luận dấy lên lo ngại liệu rồi các em sẽ làm gì, đi đâu; sao nhà trường không chịu phân luồng, định hướng nghề cho con em…

Có hai thái cực trong thái độ ứng xử của phụ huynh mà xem ra cách nào cũng chứa đầy rủi ro trong quá trình giáo dục con em. Một đằng thì vì cưng chiều con nên tìm mọi cách o bế thầy cô, sẵn sàng quà cáp phong bì cho thầy cô để con mình được quan tâm. Thế là vô hình trung làm hỏng thầy, còn con thì ỷ lại, chẳng cần phấn đấu học hành. Đằng khác thì thả nổi, cho rằng nhiệm vụ giáo dục là của nhà trường. Nhiều gia đình thiếu hạnh phúc, người lớn không làm gương, thậm chí còn sa vào tệ nạn khiến con trẻ mất phương hướng, sống lệch chuẩn... rồi lại phó thác chúng cho thầy cô giáo.

Nói tóm lại, cả hàng chục nguyên nhân của mọi hậu quả từ học sinh chủ yếu dồn lên vai thầy cô giáo và nhà trường. Khi dạy học sinh không nghe, nói lời hỗn láo, giáo viên cũng chỉ được phép phản ứng tự thân, cô giáo thì chỉ biết khóc, thầy giáo chỉ biết nghiến răng chịu trận. Bằng không, cứ chuẩn bị tinh thần mà hứng “bão”. Ngoài giáo án phấn bảng và phương tiện dạy học nhà trường cấp, nhà giáo không có bất cứ thứ “vũ khí lợi hại” nào để phòng thân. Thử hỏi nhà giáo biết ứng phó ra sao để giữ gìn hình ảnh của mình?

Vinh quang mờ dần

Nhà giáo chủ yếu sống bằng lương nhưng trên thực tế, lương chưa bảo đảm cho nhà giáo có cuộc sống đúng nghĩa. Nhiều giáo viên suốt đời tận tụy với nghề dạy học, ba bốn chục năm lặng lẽ miệt mài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nhưng rốt cuộc khi về hưu vẫn phải sống trong khốn khó, thậm chí không có nổi một mái nhà tử tế để ở.

Thế nhưng, câu chuyện muôn thuở về lương bổng, mức sống của mặt bằng chung giáo viên trên toàn quốc chưa phải là điều khiến đội ngũ giáo viên trăn trở lo âu. Điều đáng quan ngại nhất hiện nay là nhà giáo đang đối diện với những nỗi đau không tên, những vết nhục không lời và cả những nỗi đắng cay từ đám đông dư luận xã hội, từ phụ huynh học sinh và từ cả chính bản thân một số “con sâu” trong ngành mang lại. Một xã hội bị chi phối mạnh mẽ sâu sắc bởi đồng tiền thì những nhà giáo nghèo ít được tôn trọng là điều hiển nhiên. Mà đã không được tôn trọng thì vinh quang liệu có không?

Nếu có ai đó quan tâm mà hỏi rằng: Nghề dạy học hiện nay vinh quang hay cay đắng thì câu trả lời sẽ là: Có cả hai nhưng vinh quang thì nhạt bớt, mờ dần còn đắng cay thì ngày càng được tô đậm bởi những hệ lụy mà cuộc sống xã hội đã vô tình mang lại…

Say nghề theo năm tháng

Lạ một điều là dù nhận thức rõ, hiểu thấu hết mọi thứ nhưng hầu hết đội ngũ nhà giáo vẫn lạc quan, yêu nghề với tất cả đam mê, say nghề đến tận cùng năm tháng. Nhiều người trong số họ trả lời sẽ vẫn chọn nghề dạy học nếu được làm lại từ đầu. Thật khó lý giải. Có lẽ đó chính là cái nghiệp mà mỗi người đã tự mình lựa chọn gắn bó. Chỉ mong xã hội có cái nhìn thấu đáo và khách quan hơn để cho đội ngũ nhà giáo có động lực chấp nhận đồng hành với nhiều đắng cay và một chút vinh quang để tiếp tục song hành với sự nghiệp trồng người đầy cam go phía trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Thành ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN