Khi trường đại học đi tìm sinh viên

Để thu hút thí sinh tới cổng trường đại học (ĐH), nhiều trường cử cán bộ, giảng viên của mình đến tận các trường THPT để tư vấn. Đã hết thời thí sinh phải tìm đến các trường.

Khi trường đại học đi tìm sinh viên - 1

Thí sinh thi THPT Quốc gia năm 2016 tại Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Trải nghiệm một ngày làm sinh viên

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo Đại học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay trong công tác tư vấn tuyển sinh của trường có một hoạt động rất mới đó là đưa học sinh THPT được trải nghiệm một ngày làm sinh viên Bách khoa. “Đến với ngày trải nghiệm, các em sẽ được nghe thầy hiệu trưởng nhà trường nói về tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến nguồn nhân lực, lãnh đạo phòng Đào tạo nói về phương pháp học ở bậc ĐH, được làm việc theo nhóm. Sau đó, các em sẽ được ăn cơm tại căng tin của trường, được tham gia vào thực hành một thí nghiệm tại phòng thí nghiệm. Tóm lại, được trải nghiệm như một sinh viên thực thụ của ĐH Bách khoa Hà Nội trong một ngày” – ông Điền cho hay.

“Các công ty tư vấn xuất khẩu lao động luôn lấy thông tin cả nước có trên 220.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ra để “dọa” học sinh. Thông tin này có tác động tích cực trong thời điểm hiện nay. Nhưng nếu về lâu dài, sẽ tác động không nhỏ đến nguồn nhân lực nước nhà”. 
Ông Lê Ngọc Hoàn, ĐH Lâm nghiệp

Cũng theo ông Điền, năm nay, trường sẽ tổ chức 3 đợt trải nghiệm vào các ngày 26/3, 2/4 và 19/4, mỗi đợt khoảng 700 học sinh. Đợt đầu là học sinh của 20 trường THPT ở Hà Nội, sau đó là các tỉnh khác. “Trường sẽ có xe đưa đón các em tại trường THPT và chi phí ăn trưa tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội” – ông Điền cho hay.

Ông Lê Ngọc Hoàn, Trưởng Ban xúc tiến tuyển sinh và tư vấn việc làm, trường ĐH Lâm nghiệp cho biết,  thời gian qua  ông đã đến rất nhiều trường THPT để tư vấn cho học sinh. “Chúng tôi giới thiệu với các em bức tranh chung về ngành nghề đang được đào tạo tại các trường ĐH của Việt Nam. Rồi đưa ra lời khuyên cho các em trong việc xét tuyển thời gian sắp tới. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc xét tuyển của các em gồm: năng lực của bản thân (mức điểm có thể đạt được), sở thích, sở trường, điều kiện kinh tế gia đình… để các em có thể chọn ngành, trường phù hợp” – ông Hoàn cho hay.

Tại ĐH Thủy lợi, năm nay ngoài sự kết nối của câu lạc bộ sinh viên trong trường (như câu lạc bộ sinh viên Thanh Hóa, câu lạc bộ sinh viên Nam Định) với học sinh tại điạ phương, trường còn cử giảng viên, cán bộ từng khoa đến các trường THPT để  tư vấn. Đại diện nhà trường cho biết, các thầy cô dự kiến đến khoảng 100 trường THPT tại khắp các địa phương để chia sẻ công tác tuyển sinh, các chính sách học bổng, học phí…

Khi trường đại học đi tìm sinh viên - 2

Đã hết thời thí sinh phải đi tìm trường, giờ là lúc các trường phải tự tìm tới thí sinh. Ảnh: Như Ý.

Tuyển sinh sẽ vẫn khó khăn?

Có thể thấy, các trường ngày càng mong muốn kéo thí sinh đến gần với mình. Theo một chuyên gia giáo dục, hiện nay, các trường ĐH Việt Nam đang đối diện với hai bất lợi lớn. Thứ nhất đó là số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp không ngừng tăng. Thứ hai là làn sóng du học của  học sinh Việt Nam ngày càng lớn. Hai yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến “nồi cơm” của các trường ĐH. 

“Dù muốn hay không, thì những năm vừa qua cũng như thời gian tới, chỉ một bộ phận nhỏ các trường ĐH tốp trên chưa phải lo lắng đến tuyển sinh. Còn lại, các trường ĐH từ tốp giữa, tốp dưới sẽ gặp rất nhiều khó khăn.  Sẽ không có chuyện thí sinh phải tìm đến các trường nữa mà sẽ là các trường phải tìm đến thí sinh” – vị chuyên gia này cho hay.

Năm 2016, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, kết thúc đợt 1 xét tuyển ĐH, có tới hơn 100.000 thí sinh trên điểm sàn của Bộ không nhập học vào bất kỳ trường ĐH nào. Năm nay, 2017, được dự báo sẽ không còn tình trạng ảo do có cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, nhưng theo vị chuyên gia trên, điều đó không khẳng định các trường sẽ tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Lãnh đạo phụ trách công tác tuyển sinh của một trường ĐH kỹ thuật lớn của Hà Nội cũng không phủ nhận những khó khăn trong tuyển sinh thời gian qua. “Sự sụt giảm tuyển sinh thể hiện rõ nhất ở khối không chính quy. Đơn cử như tại khu vực Thái Nguyên, trước đây, có năm, chúng tôi tuyển được trên 700 sinh viên hệ vừa học vừa làm thì thời gian qua, không tuyển nổi một thí sinh. Vì học sinh học xong THPT là vào nhà máy Samsung để làm việc” – lãnh đạo này nói.

Trong khi đó, có một thực trạng đang diễn ra được ông Lê Ngọc Hoàn, trường ĐH Lâm nghiệp cho biết, đó là khi đến tư vấn tại các trường THPT, các công ty tư vấn xuất khẩu lao động luôn lấy thông tin cả nước có trên 220.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ra để “dọa” học sinh. “Thông tin này có tác động tích cực trong thời điểm hiện nay. Nhưng nếu về lâu dài, sẽ tác động không nhỏ đến nguồn nhân lực nước nhà. Với các học sinh mới vào lớp 10, các em đã được “mặc định” là cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp. Các em sẽ không cần phải học tập tốt để thi đỗ ĐH mà chỉ cần tốt nghiệp xong đi học nghề. Nếu để diễn ra trong một thời gian dài như thế, nền dân trí của chúng ta sẽ ảnh hưởng, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ trở thành vấn đề của Việt Nam” – ông Hoàn cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN