Kết thúc mùa tuyển sinh 2016: Nhiều trường cắt giảm giảng viên

Mùa tuyển sinh 2016 sắp kết thúc và kết quả chung là đa số các trường đều tuyển không đủ chỉ tiêu. Nhiều trường cho biết sẽ phải cắt giảm lượng cán bộ, giảng viên trong thời gian tới.

Kết thúc mùa tuyển sinh 2016: Nhiều trường cắt giảm giảng viên - 1

Sau giờ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tuyển sinh “thất bát”

Ngày 20/10, các trường đại học (ĐH) chính thức chốt sổ tuyển sinh. Nhưng từ trước đó, “số phận” của các trường đã được định đoạt. GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết các trường thành viên của ĐH năm nay tuyển sinh “thất bát” so với năm 2015. Nếu như năm trước, kết thúc mùa tuyển sinh, ĐH Thái Nguyên tuyển đạt 90% chỉ tiêu thì năm nay chỉ đạt gần 70%. “Đến thời điểm hiện tại, không trường nào của ĐH Thái Nguyên tuyển sinh nữa vì có tuyển cũng không có thí sinh đến. Có thể nói, năm nay “mất mùa” tuyển sinh đối với ĐH Thái Nguyên” – GS Vui chia sẻ.

Các trường ĐH ngoài công lập cũng đang “vật lộn” với bài toán tuyển sinh. Ông Phan Trọng Phức, Hiệu trưởng ĐH Đại Nam cho biết, trường tuyển được hơn 600 thí sinh trong tổng số 1.200 chỉ tiêu. “Tôi nghĩ, tuyển sinh khó chỉ là nhất thời. Còn dần dần, chất lượng đào tạo của mỗi trường sẽ được thí sinh đánh giá và lựa chọn” - ông Phức cho hay. Bên cạnh đó, theo ông Phức, dù hệ ĐH chính quy chỉ tuyển đạt khoảng gần 60% nhưng trường vẫn “cầm cự” được vì còn có các hệ đào tạo khác như sau ĐH. “Các ngành liên quan đến kinh tế như tài chính ngân hàng, kế toán đã bão hòa. Trong thời gian tới, trường sẽ mở thêm các ngành đào tạo mới mà nhu cầu xã hội đang cần. Đây cũng là một hướng đi để giải quyết vấn đề khó khăn trong tuyển sinh” – ông Phức khẳng định.

Cũng là trường ĐH ngoài công lập, nhưng mùa tuyển sinh năm nay, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có tín hiệu vui hơn năm trước. Nếu như năm 2015, kết thúc mùa tuyển sinh, trường chỉ tuyển được 2.700 thí sinh thì năm nay được 3.900/5.400 chỉ tiêu. “Nhưng tôi cũng không hiểu thí sinh đi đâu. Ở trường, có những thí sinh đã nhập học rồi, đã học xong tuần giáo dục công dân rồi vẫn xin rút hồ sơ.

“Có thí sinh trình bày đi bộ đội, có thí sinh thì nói ốm không học được. Nhưng trường thống nhất nếu các em không muốn gắn bó với mình thì đều tạo điều kiện. Chính vì vậy, có tới 162 thí sinh rút hồ sơ khỏi trường sau khi đã nhập học xong. Tôi cũng không hiểu thí sinh đi đâu” –  PGS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ, thắc  mắc.

Chính vì vậy, theo ông Hóa, các trường cũng phải tìm mọi cách để tồn tại như đào tạo liên kết. ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng khuyến khích các khoa phát triển dịch vụ giáo dục để có thêm công ăn việc làm cho đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Sẽ phải cắt giảm nhân sự

Một trong những hệ quả của việc không tuyển đủ chỉ tiêu chính là đội ngũ giảng viên sẽ không có sinh viên để dạy. GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, tổng số giảng viên của trường này là hơn 3.000 người. Trong đó, có 2.700 giảng viên thuộc biên chế, còn lại hợp đồng. “Thời gian vừa qua, do tăng trưởng về tuyển sinh nên các trường trực thuộc có tuyển cán bộ hợp đồng tương đối nhiều. Do đó, sẽ có hai hướng. Thứ nhất là đối với những giảng viên đủ điều kiện thì sẽ cho đi học tiếp. Còn những người không đủ tiêu chuẩn thì sẽ giảm biên” – ông Vui khẳng định.

Đồng quan điểm này, PGS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết, do Thông tư 57 của Bộ GD&ĐT quy định về điều kiện xác định chỉ tiêu nên đến giờ, đội ngũ cán bộ giảng viên của trường quá lớn, lên đến 1.100 người. Trong khi đó, tuyển sinh ngày càng khó khăn, số lượng sinh viên ngày càng giảm nên có sự dôi dư. “Đây là một vấn đề đặt ra đối với nhà trường. Biết giảm ai bây giờ? Ban Giám hiệu cũng chưa rút được, các khoa cũng thế. Không  chỉ là chuyện công việc mà còn là tình người. Có những giảng viên đã gắn bó với trường 10 năm rồi. Lương ít, hay lương cao người ta vẫn ở. Rồi cán  bộ lãnh đạo toàn là những người đã có tuổi nhưng đều quý trọng những người trẻ” – ông Hóa tâm sự.

Còn ông Phan Trọng Phức, Hiệu trưởng ĐH Đại Nam thì cho hay đây cũng là cơ hội để các trường nâng cao chất lượng đào tạo.  Giảng viên phải dạy theo phương pháp tích cực, giáo trình phải là giáo trình điện tử, ai không đáp ứng kịp thì sẽ tự bị đào thải. “Tuy nhiên, biết là tuyển sinh khó khăn, nhưng các trường vẫn phải “nuôi quân” để phát triển” – ông Phức cho hay.

Trước đó, phân tích về những khó khăn đối với công tác tuyển sinh của các trường, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký thi, xét tuyển vào ĐH tương đối ổn định, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngày càng tăng, làm nguồn tuyển giảm đi. Mặt khác, việc phân luồng sau trung học phổ thông cũng đạt được những kết quả nhất định; những thông tin về thị trường lao động, về thất nghiệp và việc làm đã đầy đủ hơn, là những kênh tham khảo hữu ích cho người học. Thông tin về thị trường lao động gần đây cũng đã tác động đến quyết định nhập học ĐH của một số thí sinh. 

Lý giải về những khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường ĐH, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng do thí sinh không muốn học ĐH. Họ đã lựa chọn những con đường khác để đi. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN