Hơn 68.700 thí sinh trượt tốt nghiệp: “Đỗ hết thì thi làm gì?”

“Đó là một sự thực chấp nhận được. Nó từng bước siết lại tính nghiêm túc trong các kỳ thi. Thi mà đỗ hết thì thi làm gì? Hơn nữa, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao cũng không thúc đẩy các em học tập”, GS.TS.Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định.

Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 có 1.005.654 thí sinh dự thi, trong đó có 816.830 thí sinh dự thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT (đạt 91.58%) số còn lại dự thi chỉ để xét vào đại học, cao đẳng, không cần xét tốt nghiệp. Như vậy, trong tổng số 816.830 thí sinh dự thi lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT có đến hơn 68.700 em bị trượt.

Phản ánh đúng trình độ thí sinh

Hơn 68.700 thí sinh trượt tốt nghiệp: “Đỗ hết thì thi làm gì?” - 1

Biểu đồ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT (Nguyễn Lý)

Nhận định về tỷ lệ thí sinh đỗ và trượt tốt nghiệp năm nay, GS.TS.Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, kết quả thi tốt nghiệp năm nay thấp hơn năm trước (giảm 7.44% so với năm 2014) phản ánh khách quan về chất lượng của kỳ thi.

Ông lý giải, trong môi trường học tập, bao giờ cũng có thí sinh học kém, học tốt. Do đó, có người trượt, người đỗ là công bằng.

“Đó là một sự thực chấp nhận được. Nó từng bước siết lại tính nghiêm túc trong các kỳ thi. Thi mà đậu hết thì thi làm gì? Hơn nữa, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao cũng không thúc đẩy các em học tập”, ông Quân nói.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết, năm nay, công tác coi thi, kỷ luật trường thi chặt chẽ hơn; quy trình chấm thi 2 vòng độc lập được tuân thủ nghiêm ngặt nên số thí sinh trượt tốt nghiệp THPT nhiều hơn mọi năm.

Ông Ga cũng cho biết, do mục đích của kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh cao đẳng, đại học nên đã giảm tối đa hiện tượng học sinh hỏi bài nhau trong phòng thi.

Ngoài ra, tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục THPT cao hơn GDTX. Ông Ga cho rằng, điều này phản ánh chất lượng giáo dục của 2 phương thức giáo dục này.

Bên cạnh đó, kết quả tỷ lệ tốt nghiệp khác nhau giữa các tỉnh/thành phố cũng phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của các địa phương. Những nơi có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao đều là tỉnh/thành phố có điều kiện giáo dục phát triển tốt hơn.

Điểm môn Tiếng Anh quá kém

Hơn 68.700 thí sinh trượt tốt nghiệp: “Đỗ hết thì thi làm gì?” - 2

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2015

Nhận xét về phổ điểm thi năm nay, GS. Trần Hồng Quân đánh giá: Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay có sự khác biệt khá lớn giữa các môn. Phổ điểm đẹp nhất thuộc về các môn xã hội: Văn, Sử, Địa. Trong khi đó, môn Toán là môn có nhiều thí sinh bị điểm liệt, rất ít điểm cao. Ngoài ra, môn Tiếng Anh, có phổ điểm rất kém, thấp nhất trong số các môn thi tốt nghiệp THPT.

Theo ông Quân, phổ điểm môn Toán, Tiếng Anh kém phản ánh đúng trình độ của thí sinh hoặc cách ra đề thi chưa có sự phân hóa. Hơn nữa, cách thi mới nên có thể thí sinh bỡ ngỡ, chưa hoàn thành tốt. 

“Phổ điểm môn Ngoại ngữ kém là mối lo của toàn xã hội. Bởi học sinh chỉ cần hoàn thành bậc phổ thông, ngoại ngữ cơ bản phải giao tiếp được. Đằng này, trong kỳ thi THPT Quốc gia đã có quá nhiều thí sinh bị điểm liệt, điểm kém (đỉnh của phổ điểm môn Ngoại ngữ chỉ là mức 2,5 điểm”.

“Những năm sau nên thống nhất ra đề, để mức độ phân hóa cũng như độ khó của các môn đồng đều, đặc biệt là với những môn tự chọn để xét tốt nghiệp THPT”, ông Quân nói.

Theo ông Quân, sau kỳ thi này, Bộ GD-ĐT nên tổng kết lại cái được và cái chưa được bởi tuy Bộ đã cố gắng đổi mới nhưng không phải tất cả đã hài lòng.

Trong khi đó, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, phổ điểm Tiếng Anh thấp nhất (74.151 thí sinh đạt 2,15 điểm) trong các môn rất đáng lo ngại.

“Trong khi nước ta có chủ trương hội nhập quốc tế thì trình độ Ngoại ngữ của học sinh lại quá kém”, ông Nhĩ nói.

Ông đề xuất, nên cho học sinh học tiếng Anh ngay từ mầm non. Hiện tại, học sinh bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 3 là quá muộn.

PGS Nhĩ dẫn chứng: “Sách tiếng Anh của Singapore dành cho học sinh tiểu học có 2 quyển bao gồm 1000 từ, mỗi quyển 50 trang. Học sinh có thể tự học Tiếng Anh với nhau. Trong một tuần lễ các cháu làm quen được 20 từ. Khi hết bậc mầm non, vào tiểu học bắt đầu học viết, các cháu có vốn từ nhất định sẽ làm quen và nhớ rất lâu. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều vùng còn khó khăn, chất lượng giáo viên không đảm bảo nên không thể đợi hết tất cả mọi vùng phát triển như nhau, dân trí như nhau, sau đó mới học Tiếng Anh”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề xuất, kỳ thi THPT Quốc gia phải bắt buộc có 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và thêm hai bài tổng hợp theo kiến thức tự nhiên và xã hội.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khuyến cáo, học sinh đủ điểm tốt nghiệp THPT phải tham khảo phổ điểm mà Bộ vừa công bố để biết được có bao nhiêu người bằng hoặc thấp hơn, cao hơn điểm của mình để lựa chọn trường xét tuyển cho phù hợp.

Mặt khác, thí sinh cũng nên cân nhắc về nguyện vọng, sở thích cá nhân, điều kiện gia đình… để quá trình học đại học không gặp phải những khó khăn do không có hứng thú học tập hoặc điều kiện học tập không đảm bảo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN