Học sinh chán môn Sử, các thầy giáo nghĩ gì?

Trong các bộ môn khoa học ở trường phổ thông, lịch sử là môn học do đặc thù của nó dễ gây hứng thú và khơi dậy niềm đam mê nhưng chúng ta đang đối mặt với một thực tế: học sinh bây giờ phần đông chán sử, không hứng thú học sử và sợ thi sử. Đó là một nghịch lý.

Có phải học sinh bây giờ chán sử ?

Thực tế, có một bộ phận học sinh chán học môn sử. Lý giải nghịch lý phũ phàng đó có nhiều căn nguyên:

Chương trình và sách giáo khoa (SGK) lạc hậu, vừa thừa vừa thiếu, thừa những cái không cần thiết và thiếu một số nội dung cơ bản, tiêu biểu.

Phương pháp dạy học khô cứng, kém hấp dẫn, thiên về truyền thụ một chiều và mang tính áp đặt, nặng về lý thuyết mà coi nhẹ thực hành, nặng về lý luận, hàn lâm mà coi nhẹ kỹ năng.

Kiểm tra, đánh giá, thi cử chưa phù hợp, chưa công bằng, “bệnh thành tích” trong học tập và thi cử vẫn phổ biến.

Công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên môn sử ở các trường đại học sư phạm còn nhiều sự bất cập, chồng chéo về nội dung và chương trình.

Căn nguyên sâu xa và cơ bản nhất là cách nhìn nhận, đánh giá không đúng của xã hội về vị trí, vai trò của môn lịch sử - một môn học luôn bị coi là “môn phụ”, môn học khó “lập thân, lập nghiệp”, khi mà dường như khoa học tự nhiên và công nghệ đang chiếm vị trí độc tôn.

Với tư cách là những giáo viên đang giảng dạy trực tiếp môn sử, chúng tôi có thể khẳng định một cách khách quan rằng, học sinh chỉ chán học môn lịch sử chứ họ không chán lịch sử, vẫn thích lịch sử.

Học sinh chán môn Sử, các thầy giáo nghĩ gì? - 1

Tham quan Bảo tàng Lịch sử cũng là một phần của bài học

Đừng vì kết quả kém cỏi về môn Sử trong một vài kỳ thi mà nói học sinh “quay lưng” với lịch sử. Họ chỉ chán với cách dạy học lịch sử, chỉ quay lưng lại với kênh nhận thức lịch sử từ học đường, từ hệ thống giáo dục chính thống mà thôi.

Giá trị của dạy học lịch sử là những giá trị tinh thần, giá trị của ý thức truyền thống, của niềm tin, của tính nhân văn cao cả. Nó không cân đong đo đếm được. Nó là vật thể hay phi vật thể, nhưng đó là một phần quan trọng trong cấu trúc nhân cách của con người. Không quan tâm tới điều này, chúng ta sẽ phải trả giá, một cái giá nhưng vô giá và có lẽ cũng không dễ gì trả được.

Có thể trách nhiệm thuộc về người thầy dạy Sử?

Nói đến học đường, trước hết, trực tiếp và chủ yếu phải nói đến người thầy. Họ không phải là duy nhất nhưng là chủ yếu và trực tiếp, là “Tư lệnh tối cao” trên mặt trận dạy học. Không thể có một đội ngũ học sinh giỏi nếu ở đó chỉ có những thầy giáo tồi. Không có thầy và thầy giỏi sẽ chẳng có gì hết.

Trong lĩnh vực dạy học lịch sử, người thầy còn là vị “Chính ủy” của mặt trận giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ học đường. Vì thế, nếu học sinh chán sử thì trách nhiệm trước hết, trực tiếp và chủ yếu thuộc về đội ngũ những người thầy dạy sử.

Dẫu vẫn biết rằng, giáo viên dạy sử ngày nay phải chịu nhiều sức ép: cuộc sống vật chất khó khăn vì thu nhập thấp so với nhiều môn khoa học tự nhiên khác ngay trong một trường, cùng một địa phương; xã hội, các cấp quản lý thiếu quan tâm; SGK còn nhiều bất cập, nội dung và chương trình nặng nề, chậm đổi mới và không bắt kịp so với thực tiễn và SGK của một số nước tiên tiến trong khu vực; quy định đánh giá khô cứng; phương tiện và những đồ dùng bổ trợ cho bộ môn nghèo nàn…

Tất cả những điều đó đã tác động không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả dạy học của giáo viên dạy sử. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ, quan trọng nhất vẫn là tâm huyết, năng lực, kỹ năng, là hiệu quả dạy học của người thầy. Dù cho chương trình, SGK tốt, phương tiện dạy học đầy đủ… nhưng phẩm chất và năng lực, kỹ năng dạy học và nghệ thuật sư phạm của thầy không tốt thì không thể biến mỗi giờ dạy học Lịch sử thành một giờ học hấp dẫn, sinh động, đầy cuốn hút, đầy trí tuệ và sáng tạo. Và dạy học Lịch sử mãi mãi sẽ vẫn chỉ ở bên này của dòng sông chất lượng.

Vì thế, có thể nói, học sinh chán học môn Sử - nghịch lý ấy, trách nhiệm ấy trước hết thuộc về người thầy dạy lịch sử.

Dạy học lịch sử hiện nay cần thiết phải có sự thay đổi “căn bản và toàn diện” nền giáo dục quốc dân, trong đó vấn đề đội ngũ giáo viên được coi là trung tâm của sự đổi thay đó. Bởi không giải quyết được vấn đề đó, mọi sự đổi mới chỉ là tiềm năng, là khát vọng, là mong muốn mà chẳng bao giờ khát vọng đó có thể trở thành hiện thực.

Nhiều học sinh vẫn thích đọc những tiểu thuyết lịch sử, vẫn thích phim ảnh lịch sử. Các cuốn nhật ký thời chiến tranh như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thuỳ Trâm… vẫn lay động nhiều con tim tuổi học trò dù họ đã sinh ra trong một thời kỳ lịch sử khác. Họ vẫn thích phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”, “Biệt động Sài Gòn”, “Ván bài lật ngửa”, “Anh hùng Spactacus”…

Họ vẫn hào hứng khi đến với các di tích lịch sử, vẫn nghẹn ngào rơi lệ trước Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngã ba Đồng Lộc, Ngã ba Truông Bồn, thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, đường Trường Sơn, địa đạo Củ Chi, nhà tù Côn Đảo…

Họ đã không thể cầm được nước mắt vì tình yêu thương, lòng căm thù, vì sự khâm phục trước sự hy sinh, mất mát của các thế hệ cha ông.

Đó là những giá trị vô giá trong giáo dục mà nhiều khi họ chưa được quan tâm đúng mức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạnh Đức (Công an nhân dân)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN