Học phí tăng, chất lượng cũng phải tăng!

Ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc tăng học phí là cần thiết, song tăng học phí phải đi kèm với những cải thiện rõ rệt. Nếu không, người học sẽ khó chấp nhận.

Ông Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Học phí phải tăng là điều cần thiết vì ngân sách nhà nước không đủ chi cho giáo dục mặc dù đã coi đó là quốc sách hàng đầu! Nhìn nhận một cách thẳng thắn, học phí hiện nay chỉ mang tính… tượng trưng. Lấy Đại học (ĐH) Y Cần Thơ làm ví dụ. Trước đây ở trường này,  mỗi  sinh viên được mổ 1 con ếch cho phần thực hành; nay kinh phí chỉ đủ chi cho 5 người mổ 1 con ếch. Trước đây, 10 người học có thể được mổ 1 con thỏ thực hành,  nay cả lớp 60-100 người mới được mổ được 1 con. Nhìn ra các trường ĐH nước ngoài ở Việt Nam (chủ yếu đào tạo các ngành không phải đầu tư kỹ thuật, không phải ngành y cần thực hành) thu mỗi năm tối thiểu 15.000 USD/sinh viên. Trong khi đó, mỗi sinh viên trường ĐH của ta, tính cả ngân sách, cả học phí đóng vào, mỗi năm chỉ có 200 USD.

Học phí tăng, chất lượng cũng phải tăng! - 1

Sinh viên nhập trường Cao Đẳng Sư phạm Hà Nội.

Tuy nhiên, khi tăng học phí phải có mấy điều kiện: Cần có chính sách hỗ trợ cho sinh viên nghèo, đối tượng ưu tiên, người khó khăn và tiếp tục cho vay tín dụng với lãi suất thấp để người nghèo được đi học. Các trường phải thực hiện công khai, minh bạch về điều kiện đào tạo, công khai chi tiêu. Sắp tới, nếu Quốc hội thông qua Luật Tiếp cận thông tin, trong đó nhân dân có thể yêu cầu các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước công khai chi tiêu của mình.

Dư luận lo ngại, liệu học phí tăng rồi thì chất lượng có tăng hay không, thưa ông?

Đi đôi với việc tăng học phí phải là sự công khai tiêu chuẩn đầu ra của sinh viên, điều kiện đào tạo, chất lượng đào tạo để nhân dân, sinh viên cùng giám sát. Dĩ nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi mọi điều có thể hiển hiện ngay lập tức. Nhưng, tăng học phí phải đi kèm với những cải thiện rõ rệt. Nếu không, người ta sẽ khó chấp nhận. Chí ít cũng ta phải biết sau khi học, người học đạt được những gì.

Vậy việc tăng học phí có làm cánh cửa trường ĐH khép chặt hơn với những sinh viên nghèo?

Thực ra với người nghèo, Nhà nước có chính sách rất rõ ràng. Sinh viên nghèo được giảm học phí hoặc được Nhà nước cấp trực tiếp để đóng học phí, chứ trường không miễn học phí, vì như thế  sẽ thiệt thòi cho các trường. Một trường đào tạo 4.000 sinh viên chẳng hạn, mà có tới 1.000 sinh viên được miễn giảm cũng là gánh nặng không nhỏ.

Nhiều sinh viên lo ngại học phí tăng nhưng vẫn thầy cô ấy,  vẫn lối giảng dạy ấy. Vậy ai sẽ kiểm soát chất lượng đào tạo các trường?

“Bộ GD&ĐT vất vả quá trong các việc, từ quản lý lớp 6 tuyển sinh thế nào, lớp 10 tuyển đầu vào ra sao… nên không rảnh tay để làm những việc lớn như kiểm định chất lượng. Theo tôi, Bộ GD&ĐT cần phải nhanh chóng thoát khỏi những việc của cấp dưới thì mới có thời gian và công sức để  trả lời câu hỏi: Tăng học phí rồi, chất lượng có tăng theo không?”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết

Trường nào tăng học phí mà không thay đổi giảng dạy, chất lượng không tăng thì đó là trách nhiệm của trường. Người học cần phản ánh với cơ quan chức năng hoặc cơ quan ngôn luận để mọi người cùng thực hiện quyền giám sát của mình. Trong việc này, vai trò giám sát của Bộ GD&ĐT chưa thể hiện rõ. Việc thanh tra, kiểm tra chuyên môn của các trường là rất ít, chủ yếu là nội bộ các trường tự kiểm tra. Cùng với việc tăng học phí các trường nên được  kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo. Công việc này hiện nay chủ yếu là các trường tự làm với cơ quan kiểm định nội bộ theo kiểu “mẹ hát con khen hay”, thậm chí “con hát, rồi con tự khen”! Theo tôi, cần phải mời các cơ quan kiểm định chất lượng khu vực vào kiểm định chất lượng thì mới đảm bảo.

Vậy theo ông, Bộ GD&ĐT sẽ phải làm gì để đảm bảo học phí tăng thì chất lượng cũng phải tăng?

Ở ta luôn có mâu thuẫn nên chất lượng như thế. Khó khăn là nếu không tăng tiền thì không có điều kiện để phục vụ, tăng rồi thì kiểm tra chất lượng thế nào, sự giám sát của người dân đến đâu thì lại chưa thực hiện được. Bộ GD&ĐT vất vả quá trong các việc, từ quản lý lớp 6 tuyển sinh thế nào, lớp 10 tuyển đầu vào ra sao… nên không rảnh tay để làm những việc lớn như kiểm định chất lượng. Theo tôi, Bộ GD&ĐT cần phải nhanh chóng thoát khỏi những việc của cấp dưới thì mới có thời gian và công sức để  trả lời câu hỏi: Tăng học phí rồi, chất lượng có tăng theo không?

Cảm ơn ông!

Cần thay đổi tư tưởng nhà nước bao cấp!

Nghe nói tăng học phí có vẻ to chuyện; nhưng, thực chất chỉ cải thiện được một phần nho nhỏ vì học phí chỉ tăng thêm có 80 nghìn đồng/tháng/sinh viên, cộng lại thành 880 nghìn đồng/tháng trong khi nhu cầu phải là…nhiều triệu đồng! Trường ĐH Tân Tạo thu học phí cho ngành y là 4.500 USD/năm. Trong khi mức thu quy định của Chính phủ đối với trường y trong hệ thống quốc dân tối đa được 4,4 triệu đồng/tháng. ĐH Y chắc trong tương lai cũng sẽ đi theo hướng tự chủ, nhưng cũng sẽ cân nhắc vì sinh viên trường y lại thường nghèo. Ở nước ngoài sinh viên học y khoa toàn phải vay tiền ngân hàng để học và khi ra trường thường là ôm cục nợ khoảng 200.000-500.000 USD. Khi ra trường sinh viên thường dành 10 năm để trả nợ, dĩ nhiên họ vẫn đủ sống, đủ mua nhà trả góp. Ở nước ta, tâm lý bao cấp vẫn còn cố hữu. Ngoài diện chính sách, Nhà nước nên có chính sách vay hỗ trợ cho người nghèo đi học và ra trường, người học sẽ đi làm để trả nợ là tốt nhất.

(Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồ Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN