Đổi mới sách giáo khoa: Có nên xóa đi làm lại từ đầu?

Tuy chia rẽ về quan điểm Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, các chuyên gia đều cho rằng, việc quan trọng cần làm ngay là xây dựng được một chương trình thật tốt. Nhiều người cho rằng, nên giữ lại những bộ sách phù hợp.

Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức hội thảo về chương trình sách giáo khoa (SGK). Vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong hội thảo là Bộ GD&ĐT có nên tổ chức biên soạn một bộ SGK hay không.

Đổi mới sách giáo khoa: Có nên xóa đi làm lại từ đầu? - 1

Học sinh tiểu học chọn mua sách giáo khoa. Ảnh: Như Ý

Nên… 

Mở đầu hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển trình bày những thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong việc thực hiện một chương trình nhiều SGK - một chủ trương được đề xuất trong dự thảo Đề án Đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông mà Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn. Một trong số giải pháp thực hiện chủ trương này là tăng cường xã hội hóa việc biên soạn SGK. Nhưng để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức biên soạn một bộ SGK. Cũng như các bộ SGK khác, bộ SGK này phải được Hội đồng quốc gia thẩm định, được in và bán thông qua hệ thống xuất bản và phát hành theo Luật Xuất bản và các quy định hiện hành. Ông Hiển cho biết, vấn đề này hiện gây nhiều tranh cãi, nên Bộ vẫn đang nghe thêm dư luận. 

“Thực tế ở các nước, như Úc chẳng hạn, có những bang không có SGK. Nhưng giáo viên họ giỏi, nhiều thông tin thì mới làm được như vậy. Còn ở ta, tôi e rằng, giáo viên sẽ không dạy được nếu không có SGK. Cũng có người nói có thể lấy SGK cũ để dạy chương trình mới. Theo tôi, giáo viên giỏi có thể làm được, nhưng rất ít người như thế”. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Sau phần trình bày của ông Hiển, các chuyên gia có mặt tại hội thảo bày tỏ quan điểm rất khác nhau. Trong số người ủng hộ Bộ GD&ĐT chủ trì việc biên soạn một bộ SGK có PGS Nguyễn Hữu Tăng, GS Nguyễn Lân Dũng, GS Nguyễn Cương, TS Thang Văn Phúc, GS Phạm Thị Trân Châu…

Nhiều người cho rằng, cần có một bộ SGK chuẩn và một vài SGK khác có tính chất nâng cao. GS Phạm Thị Trân Châu đề xuất: “Bộ GD&ĐT tổ chức tập hợp lực lượng, chịu kinh phí cho việc biên soạn bộ SGK chuẩn(…). Cần có tổng chỉ huy chuyên trách, là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Bộ, đủ thẩm quyền để kịp thời giải quyết các khó khăn nảy sinh và các vấn đề khác trong quá trình thực hiện”. GS Nguyễn Cương nói: “Rất nên tổ chức một bộ SGK do các cơ quan của Bộ GD&ĐT trực tiếp phụ trách. Lý do: ngộ nhỡ các tổ chức, đơn vị khác viết SGK không đạt yêu cầu thì sao?”.

…và không nên

GS Nguyễn Ngọc Phú, GS Nguyễn Minh Thuyết, GS Nguyễn Khắc Phi, PGS Vũ Quang… không đồng tình với việc Bộ GD&ĐT đứng ra tổ chức biên soạn SGK. Ngoài lý do việc tổ chức biên soạn SGK trái ngược với chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan quản lý nhà nước (mà nhiều đại biểu khác đã nêu), GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nếu có bộ sách “quốc doanh” thì lẽ thường, các trường sẽ ưu tiên lựa chọn sử dụng và như vậy, sẽ không công bằng và những cuốn SGK được đưa vào nhà trường chưa chắc đã là tốt nhất. 

GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng biên tập NXB Giáo dục, nói: “Tôi không tán thành ai đó nói là phải có bộ SGK chuẩn(…). SGK không thể là pháp lệnh và có lẽ trên thế giới chưa có bộ SGK nào được coi là chuẩn, giỏi nhất cũng chỉ có thể nói là tiếp cận chuẩn, và cái là chuẩn này cũng chỉ là chuẩn giả định”.

Để bảo vệ quan điểm của mình, GS Phi đưa ra 5 lý do, trong đó có lý do làm nhụt tinh thần hăng hái, nhiệt tình của các nhà khoa học, giáo viên, trường sư phạm, tổ chức và cá nhân khác trông chờ cơ hội sẽ mở cửa cho họ góp phần xây dựng giáo dục, xã hội hóa giáo dục. GS Phi nói “đây là lý do chính thủ tiêu ngay từ gốc một chủ trương mới hết sức lành mạnh”, rồi dẫn lại lời một chuyên gia khác: “Cách ấy nửa vời và bản chất cũng gần giống như một chương trình - một SGK, cơ chế cũ, độc quyền”.

Xóa đi, làm lại từ đầu?

Cả hai bên ủng hộ và phản đối Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK đều thống nhất với nhau rằng, việc quan trọng cần làm hiện nay là phải tập trung đầu tư thời gian và tâm trí để xây dựng được một chương trình thật tốt. GS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, cho biết, các nhà khoa học của Hội đều tán thành ý kiến xây dựng chương trình là việc cần thiết cấp bách nhất hiện nay.

GS Phú nói: “Ngay lúc này, không nên đặt ngang hàng hai vấn đề xây dựng chương trình và biên soạn SGK. Nếu viết lại SGK ngay với những đòi hỏi cao trong lúc này sẽ không đáp ứng được ngay và gây rối cho các trường, cho toàn ngành giáo dục và tốn kém”. 

GS Nguyễn Khắc Phi nhận định, trong việc xây dựng chương trình lần này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT quá chú trọng việc thu hút các nhà phương pháp mà hầu như bỏ quên những nhà khoa học cơ bản giỏi trong từng bộ môn. “Nếu không đồng thời tập hợp được những nhà khoa học cơ bản giỏi trong việc làm chương trình thì khó xây dựng được một chương trình tử tế, đáp ứng được mục tiêu đào tạo”, GS Phi cảnh báo.

GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, với dự kiến cấu trúc chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT không ai dám viết SGK. “Bộ chọn người xây dựng chương trình giỏi hơn hay cho các hội chúng tôi chọn? Hội Sinh học chúng tôi có 15 hội chuyên ngành với hàng nghìn người, trong khi Bộ chỉ có vài người. Tôi kiến nghị các chương trình từng môn do các hội khoa học làm, Bộ duyệt”, GS Dũng nói.

Nhiều chuyên gia khác cho rằng, cần phải xem xét lại “xóa đi, làm lại từ đầu” với vấn đề SGK, khi mà không phải tất cả các cuốn SGK hiện hành đều dở. GS Nguyễn Minh Thuyết đề xuất: “Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chương trình, SGK hiện hành một cách cụ thể hơn, chúng ta giữ lại những bộ SGK phù hợp; chỉ thay những cuốn SGK, những nội dung không phù hợp”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quý Hiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN