Đào tạo tiến sĩ: Siết số lượng để nâng cao chất lượng

Sự kiện: Tin ngắn

Phát biểu tại tọa đàm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ do Bộ GD&ĐT phối hợp báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 10/11, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Hầu hết cơ sở đào tạo tiến sĩ hiện nay chấp hành nghiêm quy chế. Tuy nhiên, vẫn có cơ sở buông lỏng quản lý chất lượng, chạy theo số lượng dẫn đến những luận án tiến sĩ không đảm bảo chất lượng, gây bức xúc trong xã hội.

Đào tạo tiến sĩ: Siết số lượng để nâng cao chất lượng - 1

Một buổi lễ trao bằng cho tiến sĩ. Ảnh: KTQD.

Có nơi còn chạy theo số lượng

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, nguyên nhân chính của tình trạng trên là người học không xác định rõ động cơ khi làm nghiên cứu sinh (NCS). Nguyên nhân nữa là chất lượng người hướng dẫn NCS chưa đồng đều nên quá trình hướng dẫn còn hạn chế. Nguyên nhân tiếp theo là về phía cơ sở giáo dục đào tạo TS. Do chưa thực hiện nghiêm quy chế nên chất lượng bị buông lỏng, một số cơ sở hội đồng không đảm bảo yếu tố khách quan; do nguồn lực đầu tư của nhà nước, kinh phí đào tạo quá thấp, không đủ để NCS thực hiện các nghiên cứu có chất lượng.

Đồng ý với những nguyên nhân mà Thứ trưởng Bùi Văn Ga đưa ra, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội còn bổ sung thêm một nguyên nhân nữa là chất lượng đầu vào. “Tôi muốn lí giải vì sao trước đây 20-30 năm dù khó khăn nhưng chất lượng đào tạo TS vẫn tốt, đó là vì chất lượng đầu vào tốt, 30-40 người thi chỉ có 2-3 người đỗ; trong quá trình đào tạo mỗi người phải thi 3 chuyên đề nên học rất chắc chắn. Ngoài kết quả thông qua chất lượng của luận án, hội đồng còn xem xét người đó có xứng đáng không mới trao quyết định công nhận, nên có khi phải mất 5-7 năm mới đào tạo được một TS. Vấn đề hiện nay theo tôi là quy mô đào tạo quá nhiều, chất lượng và trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn chưa đảm bảo” - GS.TSKH Nguyễn Đình  Đức nói.

Kinh phí đào tạo quá thấp

Chia sẻ về những khó  khăn trong đào tạo TS, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng hiện nay, dù các trường được tự chủ nhưng mức thu học phí vẫn có “sàn”. Hiện mức đầu tư cho đào tạo một tiến sĩ (cả học phí và nhà nước đầu tư) ở ĐH Quốc gia Hà Nội là 18 triệu đồng/năm. Mức này quá thấp nên các NCS khó có thể đi tham gia thảo  luận tại nước ngoài. Còn các GS, PGS là người hướng dẫn thì được định mức 3 triệu đồng/năm/NCS. Nếu hướng dẫn 2 NCS thì mức này còn 1,5 triệu đồng/năm/NCS. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay con số thực tế mà Bộ GD&ĐT thống kê còn thấp hơn, chỉ 15 triệu đồng/NCS/năm.

“Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam quá rẻ. Đúng là tiền nào của nấy. 

GS.TS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước.

Nhận định về con số này, GS.TS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước cho rằng không có nước nào đào tạo tiến sĩ như Việt Nam. “Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam quá rẻ. Đúng là tiền nào của nấy” - GS Nhung khẳng định.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thời gian tới, đào tạo tiến sĩ sẽ không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng. Kinh phí đào tạo thay vì cho 3 người, 5 người thì giờ chỉ tập trung cho 1 người. 

Một yêu cầu nữa đối với các NCS đó là vấn đề ngoại ngữ. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Bộ GD&ĐT cũng đang xem xét để xây dựng các tiêu chí tiệm cận với khung trình độ TS trong khu vực và quốc tế. Đây cũng là cơ sở để các cơ sở đào tạo xây dựng chuẩn đầu ra. Và để thỏa mãn được yêu cầu chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn, đầu vào nghiên cứu sinh sẽ phải cải thiện. Đề án 911 theo kinh phí nước ngoài 30-40 ngàn đô, trong nước 70 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được vấn đề kinh phí.

Cần những tiêu chuẩn cụ thể

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Thủ tướng vừa ký ban hành Khung cơ cấu hệ thống và Khung trình độ quốc gia. Theo đó, TS ở bậc 8 là bậc cao nhất. Khung này dựa trên khung tham chiếu ASEAN. Để đào tạo TS đạt chuẩn khu vực, tới dây phải dựa vào khung trình độ quốc gia đó, từ đó thiết kế chương trình đào tạo phù hợp. Công trình TS, luận án TS là công trình khoa học phải chứa đựng cái mới, phải đăng trên các tạp chí quốc tế để người ta bình luận, phản biện, để thấy cái mới trong luận án.

GS Trần Văn Nhung đề nghị tiêu chuẩn TS cần cụ thể. Ví dụ với khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, phải có phát minh, yêu cầu không dưới 2 bài báo quốc tế trên các tạp chí  ISI. Riêng khoa học xã hội và nhân văn không bắt buộc có các công bố quốc tế ngay, nhưng cũng cần có những tiêu chuẩn định lượng rành mạch.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Bộ nên cụ thể hóa thế nào là tiến sĩ, với các tiêu chí rành mạch hơn nữa sẽ thuận lợi cho các cơ sở đào tạo thực hiện. Một chuyên gia về giáo dục trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này đã đề xuất, để các luận án TS không còn “nằm trên giấy” và thực sự có hiệu quả thì cần phải có quy định điều kiện tiếp nhận nghiên cứu sinh.

“Còn như hiện nay, nhiều người hướng dẫn không có đề tài nhưng do nhu cầu đào tạo nên vẫn hướng dẫn. Vì vậy, chất lượng không như mong đợi. Trong thông tư 32 của Bộ GD&ĐT về quy định điều kiện giao chỉ tiêu tuyển sinh  ở bậc tiến sĩ cũng chỉ quy định GS thì được hướng dẫn bao nhiêu NCS, PGS được hướng dẫn bao NCS mà chưa có điều kiện tiếp nhận NCS” - vị chuyên gia này chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN