Đại học top dưới tuyển không ra sinh viên

Hàng loạt ngành học ở các trường ĐH, CĐ trên nhiều tỉnh thành đang đứng trước nguy cơ phải tạm ngưng đào tạo vì tuyển không ra sinh viên. Một số trường đã tạm ngưng tuyển sinh một số ngành, một số trường khác thì đang trông chờ vào những đợt “vét” cuối từ nay đến 30/11.

Tạm ngừng tuyển sinh nhiều ngành

Mùa tuyển sinh năm nay có khá nhiều trường ngay sau khi công bố điểm chuẩn nguyện vọng (NV) 1 đã thông báo tạm ngưng tuyển sinh nhiều ngành vì quá ít thí sinh trúng tuyển.

Trường ĐH An Giang trong “thông báo kết quả xét tuyển NV1” do PGS. TS. Võ Văn Thắng, Hiệu trường trường ký đã thông báo các ngành hệ ĐH: Chăn nuôi, Sư phạm Tin học, Sư phạm Sinh học, hệ CĐ ngành Chăn nuôi do số thí sinh trúng tuyển không đủ để tổ chức đào tạo, những thí sinh đã trúng tuyển vào các ngành này được nhà trường tư vấn và làm thủ tục chuyển sang học ngành khác cùng khối thi.

Đại học top dưới tuyển không ra sinh viên - 1

Năm nay, nhiều trường ĐH, CĐ Dân lập than không tuyển được sinh viên do bị các trường công lập vét hết. Ảnh: Hồng Vĩnh.

TS. Trần Văn Thạnh, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH An Giang cho biết thêm: Ngoài 4 ngành tạm ngưng đào tạo ở trên thì hiện tại dù thời gian xét tuyển NV bổ sung của trường còn kéo dài tới 13-10 nhưng có hai ngành đang còn thiếu nhiều chỉ tiêu là Sư phạm Lý, Sư phạm Hóa.

Cũng theo ông Thạnh, năm nay là năm tuyển sinh có nhiều rắc rối nhất vì lượng thí sinh trúng tuyển ảo quá nhiều.

“Có thí sinh cùng lúc nộp 9 – 10 phiếu điểm photo vào 9 – 10 ngành tại trường và đều trúng tuyển. Không những thế, các em còn nộp ở nhiều trường khác nhau. Chính vì thế mà khi trúng tuyển thì không thấy người đến nhập học”.

Tương tự, TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng trường ĐH Đồng Tháp cho biết: Năm ngoái trường tạm ngưng đào tạo hai ngành Sư phạm kỹ thuật công nghiệp và Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp vì không có người học.

Năm nay, trường cũng tiếp tục tạm ngưng tuyển sinh hai ngành này. Trong khi đó, các ngành như: Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Tin học hiện mỗi ngành chỉ có khoảng 20 thí sinh trúng tuyển.

TS. Nguyễn Huy Vị, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phú Yên cũng cho biết: Ngay khi công bố điểm chuẩn NV1, các ngành cử nhân: Sinh học, Văn học, Sử học, Việt Nam học chỉ có vài thí sinh trúng tuyển nên nhà trường quyết định không tuyển tiếp NV bổ sung và những ngành này năm nay đều tạm ngưng đào tạo.

Những thí sinh đã trúng tuyển các ngành này được nhà trường hướng dẫn để chuyển qua các ngành khác cũng khối thi.

Trông chờ đến phút cuối

Trong khi một số trường thông báo tạm ngưng đào tạo một số ngành vì quá ít thí sinh trúng tuyển thì một số trường khác đang cố chờ đợi và thông báo xét tuyển đến 30/11.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bạc Liêu cho biết: Hiện trường còn thiếu hơn 600 chỉ tiêu ở hệ ĐH và CĐ. Các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: Nuôi trồng thuỷ sản, Chăn nuôi và ngành Công nghệ thông tin là những ngành còn thiếu nhiều chỉ tiêu.

Đại học top dưới tuyển không ra sinh viên - 2

Thí sinh trúng tuyển ngồi chờ làm thủ tục nhập học tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Đó là sự mong ước của rất nhiều trường đang thiếu chỉ tiêu.

Những ngành này, trường sẽ nhận hồ sơ đến hết tháng 10, nếu lúc đó số thí sinh trúng tuyển quá ít thì sẽ ngưng đào tạo và chuyển thí sinh trúng tuyển sang ngành khác cùng khối thi.

ThS. Đặng Diệp Minh Tân, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng trường ĐH Trà Vinh cho biết: Hiện trường còn khoảng 900 chỉ tiêu ở hệ ĐH và CĐ. Tương tự, trường ĐH Tiền Giang đến thời điểm này cũng mới tuyển được 50% chỉ tiêu được giao.

Hàng loạt các trường ĐH khác ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên như: ĐH ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Quảng Nam… cũng đang còn nhiều chỉ tiêu và đang trông chờ vào những phút cuối.

PGS. TS. Phạm Bá Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Yersin Đà Lạt cho biết: Chỉ tiêu của trường năm nay là 900 nhưng đến thời điểm này trường mới tuyển được 300 chỉ tiêu.

Một số ngành như: Tin học, Sinh học, Khoa học Môi trường mỗi ngành chỉ có vài hồ sơ. Tuy vậy, trường vẫn tiếp tục thông báo tuyển sinh các ngành này đến 30-11 chứ không ngưng đào tạo ngay hiện giờ.

“Chúng tôi hy vọng rằng sau khi các trường lớn công bố điểm chuẩn thì những thí sinh không trúng tuyển sẽ dồn vào những ngành, những trường còn thiếu nhiều chỉ tiêu như chúng tôi. Do đó, thời gian cuối này chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh hơn”, ông Phong nói.

Cạn nguồn vì tâm lý “hết công xuống tư”

Hồ sơ dự xét vào ĐH Phan Chu Trinh (Hội An, Quảng Nam) hiện chỉ có chưa đầy 100 bộ. Trong khi năm học này, trường tuyển sinh trở lại với 500 chỉ tiêu cho 8 ngành bậc ĐH, gồm các khối A,A1,D1, D4,C với điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ.

Theo Phó hiệu trưởng ĐH Phan Chu Trinh, ông Nguyễn Xuân Đông: NV 1 trường có 30 hồ sơ dự thi trực tiếp, nhưng chỉ hơn chục em đỗ, đang tuyển sinh bổ sung.

Đến nay có gần 80 hồ sơ, tập trung chủ yếu cho các khối ngành kinh tế, kỹ thuật, ngoại ngữ. Khối C vẫn cực kỳ “khan hiếm”. Chưa năm nào công tác tuyển sinh lại gặp khó như năm nay.

Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) năm học này có 400 chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo. Kết thúc đợt 1, trường chỉ tuyển đủ 1 ngành là Sư phạm Văn, còn lại 257 chỉ tiêu phải tiếp tục tuyển NV bổ sung.

Ông Phạm Nghi – Hiệu phó nhà trường nói: Hiện hồ sơ đạt 2/3 chỉ tiêu, nhiều ngành như CNTT, Công nghệ kỹ thuật cơ khí còn “khát” nguồn tuyển. Tại Đà Nẵng, trường ĐH Đông Á, kết thúc đợt 1, chỉ có 120 sinh viên/800 chỉ tiêu nhập học, còn lại là “hồ sơ ảo”.

Ths. Đỗ Trọng Tuấn, Trưởng ban thư ký HĐTS trường này, cho hay: Số hồ sơ đợt 2 gần bằng chỉ tiêu tuyển sinh, trường vẫn nhận thêm hồ sơ vì lo “thí sinh ảo”. Dự kiến ngày 15-10 tới mới “khóa sổ”.

Lý giải nguyên nhân nhiều trường ngoài công lập khan hiếm sinh viên, ông Nguyễn Xuân Đông cho rằng: với quyền tự chủ tuyển sinh hiện nay, các trường tốp trên kéo dài thời gian tuyển sinh, trong khi đó thí sinh vẫn còn tâm lý “hết công xuống tư”, nên các trường tư hầu hết rất chật vật.

“Mọi năm, nếu điểm trúng tuyển vào các trường công cách điểm sàn vài ba điểm thì mới còn nguồn cho trường tư. Còn bây giờ nhiều trường lấy sát điểm sàn, lùi thời gian xét tuyển… khiến tốp dưới cạn nguồn”.

Theo lãnh đạo nhiều trường ĐH ngoài công lập tại miền Trung: cuộc cạnh tranh giữa các trường công và tư chắc chắn “không cân sức”.

Trong bối cảnh hiện nay, trường công hầu hết đều mở rộng quy mô, tăng ngành đào tạo. Riêng các trường ngoài công lập, giữ ổn định quy mô đã khó nói gì đến tăng ngành, chỉ tiêu.

Chưa kể các trường công còn “hốt” luôn cả bậc CĐ. Nhiều thí sinh điểm cao, đủ tiêu chuẩn đỗ ĐH tư thục vẫn chọn ngành CĐ chính quy để tiếp tục học liên thông, dẫn đến tình cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Phương - Nguyễn Huy (Tiền Phong)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN