Đại biểu Quốc hội: Có tình trạng giáo viên "thỏa mãn" khi đã vào biên chế

Sự kiện: Giáo dục

Khi trở thành công chức, viên chức trong ngành giáo dục, đâu đó vẫn có những giáo viên không nỗ lực phấn đấu để nâng cao chất lượng. Nói cách khác là họ có tình trạng "thỏa mãn" khi thấy mình đã được biên chế.

Trao đổi với PV Infonet bên hành lang Quốc hội chiều 29/5, ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, chủ trương bỏ biên chế, bỏ công chức, viên chức đối với giáo viên trong ngành giáo dục cần phải có lộ trình và phải tính toán kỹ lưỡng.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền cho rằng, đây là xu hướng phát triển trong tương lai của xã hội. Trên thế giới, một số nước cũng đã bỏ chế độ công chức. Còn ở nước ta, việc này mới chỉ dừng ở ý tưởng. Nhưng để nâng cao chất lượng đội ngũ thì cần phải thí điểm thực hiện bỏ công chức, viên chức.

"Chế độ công chức, viên chức của chúng ta lâu nay có thể nói là rất bất cập. Đội ngũ giảng viên của chúng ta trong quá trình tuyển dụng chưa tạo ra được sự công bằng, dẫn đến tình trạng thừa biên chế trong ngành giáo dục. Điều này có nghĩa nhà trường chưa làm chủ được", ông Nguyễn Thanh Hiền nói.

Đại biểu Quốc hội: Có tình trạng giáo viên "thỏa mãn" khi đã vào biên chế - 1

ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Theo ông Hiền, khi trở thành công chức, viên chức trong ngành giáo dục, đâu đó vẫn có những giáo viên không nỗ lực phấn đấu để nâng cao chất lượng. Nói cách khác là họ có tình trạng "thỏa mãn" khi thấy mình đã được biên chế.

Để khắc phục tình trạng này, việc thí điểm này là cần thiết. Tuy nhiên, nghề giáo viên là một nghề có vai trò đặc biệt. Nhà nước đang quan tâm chăm lo chính sách cho giáo viên để tạo điều kiện cho ngành giáo dục phát triển, từ cơ sở vật chất đến chế độ giáo viên và học sinh. Do vậy, Bộ GD&ĐT đi tiên phong trong việc thí điểm này được dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên lộ trình và cách làm cần phải được tính toán kỹ lưỡng.

Khi đưa ra nội dung này, có thể dẫn đến chuyện tiêu cực khi chuyển sang cơ chế hợp đồng. Cơ chế hợp đồng cũng có thể dẫn đến câu chuyện chạy chọt giống như công chức. Hơn nữa, việc này có thể sẽ dẫn đến xu thế những giáo viên có chất lượng sẽ tập trung một nơi, gây khó khăn cho chính sách giáo dục ở vùng sâu vùng xa, là những nơi có điều kiện khó khăn.

"Đội ngũ giáo viên chúng ta đã có biên chế rồi, giờ cách làm như thế nào để đảm bảo cuộc sống cho họ, để họ yên tâm công tác, vừa có thể nâng cao chất lượng nghề nghiệp của mình.

Tôi đề nghị Bộ GD&DT cần có lộ trình cũng như lựa chọn cách làm phù hợp với điều kiện. Quan trọng nhất là phải chăm lo cho đội ngũ giáo viên" - ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền cho biết.

Bỏ công chức, viên chức: Hiệu trưởng phải có quyền như chủ doanh nghiệp?

"Hiệu trưởng phải có quyền như chủ doanh nghiệp, có quyền tuyển người và bố trí người của mình để thực hiện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Tuân (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN