Chỉ nhận xét HS tiểu học: Giáo viên lo ngại cách quản lý cứng nhắc

Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học, Bộ GD&ĐT, phản ứng của một số giáo viên về yêu cầu đổi mới về đánh giá học sinh tiểu học không chỉ do các thầy cô chưa nắm vững tinh thần quy định của Bộ, mà còn bởi lo ngại về cách quản lý máy móc của các cấp trung gian.

Ông Định cho biết:

Trên thực tế, đánh giá theo quan điểm mới đã được thực hiện ở các môn âm nhạc, mĩ thuật, thể dục từ năm 2005. Từ 2009 thì đưa thêm yêu cầu hạn chế cho điểm, tăng cường nhận xét đối với các môn Toán, tiếng Việt.

Năm ngoái, từ thành công của việc đánh giá trong mô hình VNEN (trường học mới), chúng tôi cho triển khai đánh giá thường xuyên các môn Toán, tiếng Việt bằng nhận xét, chỉ cho điểm với các bài kiểm tra cuối kỳ ở lớp 1. Phụ huynh có con học lớp 1 phản hồi rất tích cực, họ nói mỗi ngày đi đón con không còn phải chịu áp lực điểm số nữa.

Chỉ nhận xét HS tiểu học: Giáo viên lo ngại cách quản lý cứng nhắc - 1

Ông Phạm Ngọc Định

Nhưng năm nay khi triển khai đại trà toàn cấp học về đổi mới đánh giá thì dư luận nhận được sự phản hồi thiếu tích cực từ chính các giáo viên, ông nghĩ sao?

Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa của thái độ phản ứng là do cách quản lý của các cấp trung gian trong ngành GD&ĐT từ trước đến nay còn theo lối hành chính máy móc, làm khổ giáo viên. Nhiều người chẳng cần biết lý do vì sao giáo viên phải làm thế này thế kia. Họ chỉ nhìn vào một biểu hiện rồi phê phán. Giáo viên họ sợ nhất cái đó.

Ông Phạm Ngọc Định

Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/10/2014. Như vậy mới được nửa tháng triển khai, các thầy cô đã làm theo yêu cầu mới chưa, đã biết hiệu quả của nó ra sao đâu mà đã vội phản ứng!

Lý do khiến các thầy cô không ủng hộ chủ yếu là vì công việc “vất vả hơn” chứ không băn khoăn liệu có tốt hơn cho học sinh không. Như vậy tôi cho rằng các thầy cô nên ngẫm nghĩ xem sự tâm huyết của mình đối với nghề giáo được đến đâu!

Tôi cũng chia sẻ với nhiều thầy cô khi trong số họ có nhiều người cũng đã nhiều tuổi nên thường lệ thuộc vào lối mòn, giờ có chút đổi mới là ngại. Thật ra Bộ không đặt ra yêu cầu quá cao mà chỉ cần các thầy cô làm hết trách nhiệm. Rõ ràng cách làm cũ là cách làm chưa tròn trách nhiệm của người thầy. Vì quyền lợi học sinh mình có mất thêm một chút thời gian thì cũng đáng làm lắm chứ!

Việc nhận xét không nhất thiết ngày nào cũng phải làm với tất cả các em trong lớp. Vấn đề quan trọng là các thầy cô không được “lãng quên” em nào trong một thời gian quá dài, đến khi nhận ra sự chậm tiến bộ của các em thì đã muộn.

Vừa rồi dư luận phản ánh hiện tượng giáo viên đối phó bằng cách sử dụng một loạt con dấu hình có tính biểu tượng kèm theo những lời nhận xét chung chung để tiện “tác nghiệp”. Ý kiến của ông về việc này thế nào?

Tôi nghĩ vấn đề này thuộc về phương pháp rất cụ thể mà mỗi giáo viên sử dụng trong quá trình dạy – học. Bộ không cấm giáo viên dùng con dấu mặt cười hay mặt buồn, hoặc bông hoa kèm theo những lời nhận xét chung chung.

Nhưng nếu các cô không lạm dụng khiến học sinh quá nhàm với phần thưởng rồi thì giá trị khích lệ có còn không? Trẻ con thường thích kẹo, nhưng ngày nào cũng được ăn kẹo thì các em có thích không?

Phần thưởng chỉ phát huy hiệu quả khi được thay đổi hình thức chứ không phải cứ sẵn cái dấu đó mà đóng mãi. Chỉ cần cô nói một câu với học sinh với tấm lòng của cô là khác với chuyện cô đóng một cái dấu vào, nó vô cảm.

Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quý Hiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN