Chắt chiu từng con chữ cho trẻ vùng cao

Bất chấp những khó khăn nơi vùng cao, với ước mơ dạy học từ nhỏ, hai cô giáo Vàng Thị Ghếnh và Nguyễn Thị Hạ vượt khó khăn gắn bó với nghề và các điểm trường lẻ hơn chục năm nay để truyền dạy kiến thức cho học trò, thuyết phục phụ huynh tạo điều kiện cho con em các dân tộc thiểu số đến trường.

“Cãi lý” đưa trẻ tới trường

Gần 10 năm đứng lớp, cô Vàng Thị Ghếnh (SN 1985), giáo viên Trường Mầm non phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Mản Thẩn (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) là tấm gương nghị lực vượt khó và tình yêu trẻ. “Làm cô giáo là ước mơ từ nhỏ. Ngày nhận được quyết định công tác tại quê hương, tôi thầm hứa sẽ đem tất cả kiến thức được học để truyền dạy cho các em nhỏ”, cô Ghếnh nói.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo Mản Thẩn, cô giáo người Mông này hiểu hơn ai hết những vất vả mưu sinh của người dân và hành trình gian nan đến với con chữ của các em nhỏ. Để thuyết phục được phụ huynh cho trẻ đến trường là điều rất khó, nhất là trước cái lý “người ta bán được ngô thóc, chứ có ai bán được chữ, được sách vở”. Ấy vậy, suốt thời gian công tác tại 6 phân hiệu trong toàn xã, cô Ghếnh đều vận động được phụ huynh cho con em đến trường. Trong những lần được tuyên dương, bảng thành tích của cô Ghếnh vỏn vẹn dòng chữ “có công vận động thành công 100% trẻ đến lớp”.

Chắt chiu từng con chữ cho trẻ vùng cao - 1

Cô giáo Vàng Thị Ghếnh tự sáng tạo nhiều đồ chơi, đồ dùng giảng dạy tại các điểm trường. Ảnh: Xuân Tùng.

Để đảm bảo các em đến lớp đầy đủ và an toàn, hằng ngày, cô Ghếnh dậy sớm, xuống từng nhà để đón trẻ tới lớp. “Bố mẹ đồng ý cho con đi học, nhưng các cháu còn nhỏ chưa thể tự đến lớp, nhất là trẻ 3 tuổi vì đường núi rừng gập ghềnh, khó đi”, cô Ghếnh nói. Bên cạnh đó, trong điều kiện lớp học tại nhiều phân hiệu là nhà tạm tranh tre vách nứa và thiếu các đồ dùng dạy học, cô Ghếnh không ngừng nỗ lực cải tạo. Cô tự mày mò học tập và sáng tạo làm nhiều đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho công tác dạy và học từ những vật liệu sẵn có tại địa phương.

“Đây là hai cô giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, do T.Ư Hội LHTN Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long tổ chức sắp tới. Khi đi thực tế, nhìn các cháu nằm trên nền đất có tấm gỗ, tôi tự hỏi vào mùa đông, áo chăn sẽ thế nào. Nhìn các cháu, rồi nhìn qua các cô, trong đó có cô Vàng Thị Ghếnh, tôi thấy đóng góp của mình còn nhỏ bé. Tôi nghĩ rằng, cộng đồng phải hành động để nâng mức sống của các cô giáo nơi đây gần hơn với thành thị”.

TS Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long chia sẻ

Sau những giờ đứng lớp, cô Vàng Thị Ghếnh trở về với gia đình nhỏ với những bộn bề khó khăn và éo le. Trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng cô, tài sản đáng giá chỉ có chiếc ti vi màu, chiếc tủ tường đã bung khóa và có lẽ, là những tấm ảnh lưu niệm những lần cô Ghếnh được tuyên dương. Trên một mảng tường là những tấm ảnh lưu niệm lần cô Ghếnh xuống Hà Nội nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT trong lễ tuyên dương nhà giáo trẻ tiêu biểu giai đoạn 2008 - 2013 và gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nhận Bằng khen trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011-2015.

Ôm đứa con trai 8 tuổi ngô nghê trong lòng, cô Ghếnh ngậm ngùi:  “Tôi không may mắn như bao người mẹ khác sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Con gái 10 tuổi bị sứt môi, hở hàm ếch. Con trai 8 tuổi bại não nằm liệt giường. Từ khi sinh ra đến nay chưa một lần được nghe con gọi một tiếng mẹ”. Để vợ yên tâm công tác, chồng cô đành ở nhà trông con và mở thêm quầy tạp hóa nhỏ cóp nhặt thêm từng đồng. Tiền lương giáo viên hằng tháng không đủ chi tiêu sinh hoạt và thuốc men cho con, cô Ghếnh còn nhận thêm đồ và tranh thủ may vào buổi tối.

Hiệu trưởng Trường Mầm non phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Mản Thẩn, Nguyễn Thị Duyên chia sẻ: “Dù có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sinh ba cháu thì hai cháu tật nguyền, nhưng cô Vàng Thị Ghếnh luôn tận tâm với nghề. Mỗi năm cô đứng một điểm trường để khơi dậy số lượng, chất lượng giảng dạy và đồ dùng học tập, đồ chơi cho trẻ. Sẻ chia với hoàn cảnh của cô Ghếnh, các giáo viên trong trường thường xuyên thăm hỏi, động viên và tạo điều kiện để chăm sóc con nhỏ bệnh tật”.

Chắt chiu từng con chữ cho trẻ vùng cao - 2

 Cô giáo Nguyễn Thị Hạ có hơn chục năm gắn với điểm trường, lớp ghép vùng khó tại huyện Tân Sơn, Phú Thọ. Ảnh: Xuân Tùng.

Cô giáo của điểm trường, lớp ghép

Cô giáo Nguyễn Thị Hạ (SN 1966) đã có 16 năm làm công tác chủ nhiệm từ lớp 1 đến lớp 5 và trực tiếp giảng dạy tại điểm lẻ của Trường Tiểu học Xuân Đài (huyện Tân Sơn, Phú Thọ).

Theo con đường rải bê tông, chúng tôi đến điểm trường Suối Bòng – nơi cô Hạ đang giảng dạy. Đó là dãy nhà cấp bốn có tường sơn vàng, lợp mái bờ rô xi măng và được ngăn cách với xung quanh bằng hàng rào nứa đan thưa thớt. Cả hai phòng học đều khiêm tốn về diện tích, nhưng dễ khiến người ta thấy mênh mông khi sỹ số học sinh ghép các lớp đếm trên đầu ngón tay. Cô Hạ cho hay: “Lớp tôi chủ nhiệm ghép trình độ 1 và 2 có chín học sinh. Những năm khác cũng chỉ hơn kém hai em, chứ không đông hơn”.

Cô Hạ cho hay, điều kiện giao thông liên lạc và đời sống kinh tế được cải thiện nên các gia đình đã quan tâm hơn tới việc học tập của con em. Trước đây, mỗi lần phát động mua sách vở, giáo viên không dám nhắc nhở học sinh, phụ huynh nhiều. “Các cô mua phát trước cho học sinh dùng, phụ huynh đóng tiền sau. Nhắc nhiều về việc thiếu sách vở hay thu tiền, các em nghỉ học mất, giáo viên lại phải đến nhà vận động”. Ngoài thời gian lên lớp, chuẩn bị giáo án, cô giáo Hạ còn tranh thủ buổi tối làm thêm nón để có thêm thu nhập cho gia đình.

“Những ngày còn khó khăn cách trở, tôi chỉ mong qua sông dễ dàng. Khó khăn mấy cũng tự động viên bản thân được, nhưng đến bờ sông rồi mà không qua được để đến lớp với học trò là thấy buồn lắm”, cô Hạ chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Xuân Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN