Chấm văn THPT quốc gia: Không nhịn nổi cười!

Khi chấm thi văn THPT quốc gia 2016, có những bài viết của thí sinh làm cho các giám thị bị “sốc” nặng bởi những câu văn ngô nghê, buồn cười, không ai có thể tưởng tượng được.

Tưởng như những thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại cụm trường ĐH chủ trì (xét tốt nghiệp và ĐH) là những em khá, giỏi hoặc ít ra cũng thuộc loại “trung bình khá” trở lên, còn những thí sinh thi cụm địa phương (chỉ xét tốt nghiệp) thì yếu hơn. Nào ngờ, kỳ thi THPT quốc gia có không ít em kiến thức yếu, kém, đặc biệt là trong bài thi môn văn.

Chấm văn THPT quốc gia: Không nhịn nổi cười! - 1

Thí sinh trao đổi sau khi thi môn văn tại kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Tấn Thạnh

Trong câu 4, phần đọc hiểu, đề bài yêu cầu thí sinh bày tỏ cảm nghĩ về tiếng Việt (qua một đoạn trích trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ), có em viết : “Tiếng Việt có 29 từ trong bảng chữ cái, không có W, Z. Tiếng Việt phát âm nhiều cách, chẳng hạn: tại sao vậy, vì răng rứa, cái chi đó, cái gì thế?”. Có em thì viết : “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Tiếng Việt thật rắc rối, kì cục nên không thể giao tiếp với nước ngoài phải nói tiếng Anh”.

Ở câu 8 (phần đọc hiểu) khi nói suy nghĩ về cuộc sống của con người khi thoát ra khỏi “cái tuyệt đối cá nhân”, có em so sánh rất “bất ngờ”: “Cái tuyệt đối cá nhân nó giống như một con chim nhốt trong lồng, chỉ biết ăn thức ăn có sẵn, nhảy lên nhảy xuống và kêu nên có chuyện gì xảy ra thì không giải quyết được”. Lại có em viết : “Sống khép kín là nhốt mình vào chốn lao tù thì thử hỏi chốn lao tù bạn còn ham muốn làm gì”.

Phần làm văn, câu 1 (nghị luận xã hội), đề bài yêu cầu thí sinh bàn luận về ý kiến “Sự hèn nhát khiến con người đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”. Có thí sinh mở bài bằng một câu sau : “Con người luôn có hai phần đen và trắng, tính cách con người cũng có hai phần là dũng khí và hèn nhát”. Một thí sinh khác, có lẽ là “fan” bóng đá nên đưa cầu thủ Ronaldo vào dẫn chứng, với lời bình đậm chất bóng đá : “Thực tế như Cristiano Ronaldo cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất thế giới hiện tại một khi đã bỏ qua cái tôi của chính mình, bỏ qua cơn khát ghi bàn để phá kỷ lục thì đội Bồ Đồ Nha chơi thật gắn hết, cực kỳ khó chịu và thành quả là một vé vào bán kết Euro 2016”.

Còn đây là cách so sánh đậm chất “hóa học”: “Nếu O2 là cái bắt nguồn của sự sống thì CO2 lại là cái hủy diệt sự sống này. O2 là dũng khí, CO2 là hèn nhát, thiếu O2, thừa CO2 thì không sống được”.

Một giám khảo không nhịn cười nổi khi một thí sinh cho ví dụ về sự dũng khí rất “lạ” : “Dũng khí trong thực tế tôi vừa mới chứng kiến như trong buổi thi hôm qua, cô giám thị thứ nhất nói đánh số báo danh từ trên xuống dưới, cô giám thị thứ hai nói đánh số báo danh từ dưới lên trên, cô giám thị thứ nhất không chịu nên qua phòng bên hỏi, cuối cùng thì té ra đánh số báo danh từ bên phải đánh qua, nhờ có dũng khí nên cô giám thị thứ nhất mới dám đi hỏi, không sợ giám thị phòng bên cạnh cười mình”.

Bàn về dũng khí có em cho rằng “tuổi trẻ thời @ phải nổi loạn hơn 1 tý, độc, dị, quậy, chảnh sẽ giúp cuộc sống ngạc nhiên thú vị hơn, cần gì hot girl, hot boy sống ảo tưởng trên facebook”.

Câu nghị luận văn học (câu 2, phần Làm văn), vấn đề nghị luận là “tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người” trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân. Nhưng nhiều thí sinh không hiểu đề, cứ “kể chuyện” từ đầu đến cuối, thậm chí cũng không nhớ gì để kể nên nhầm lẫn tai hại, “lấy râu ông nọ, cắm cằm bà kia”. Có em nhầm lẫn truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân với truyện “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài :“Tình huống truyện nói lên cái bất thường của con người là thị vợ Tràng bị A Phủ bị bắt về cúng trình ma nhà thống lý Pá Tra để gạt nợ cho người cha”. Có em thì nhầm với truyện “Chí Phèo”: “Thị theo Chí Phèo về làng Vũ Đại ở túp lều ven sông”.

Một vài em thì nói nhân vật “thị” (người đàn bà không tên họ trong tác phẩm) có “tình huống bất thường” như sau : “Thị vừa xấu xí, nghèo, áo rách lại bộ ngực xẹp lép nhưng Tràng vẫn đồng ý lấy về làm vợ”; “người vợ Tràng tuy ngực lép mông xệ nhưng ăn nói táo bạo có duyên làm Tràng nghèo cũng mê theo”.

Vài em khác thì so sánh: “Thị tuy xấu nhưng không đến nổi như Thị Nở, vợ Chí Phèo”; “cô là người không cưới xin mà chỉ được nhặt ngoài đường, cô là người được nhặt như chó với mèo”.

Lạ thay, có em gọi “thị” là “anh thị”, còn gọi Tràng là “cô Tràng”. Tràng đi kéo xe bò thuê nhưng có em cho rằng “Tràng làm nghề lái xe cho cách mạng, đi phá kho thóc của phát xít Nhật”. Một “sỹ tử” có lẽ bị “nhiễm” bài hát “Vợ người ta” nên làm văn cũng viết : “Sau khi ăn bốn bát bánh đúc, thị theo Tràng về làm vợ ngay và thế là giờ em đã là “vợ người ta”.

Còn câu nói đùa của Tràng với thị thì được thí sinh “chế tác” như sau :“Muốn ăn cơm trắng, bún giò thì lại đây đẩy xe cho anh”, Tràng đâu ngờ đó là lời tỏ tình dễ thương hết sức có duyên với thị”; “Tràng nói : anh nghèo, em có yêu anh không ?”. Thị đáp : “Giàu nghèo không quan trọng, có cái ăn và chân tình là được rồi”. Có em lại “bình” rất tự nhiên: “Tình yêu là thứ ai cũng muốn thử qua một lần dù giàu hay nghèo. Tràng nghèo nhưng cũng muốn trải qua tình yêu với cô bé thị”.

Kể về bữa cơm gia đình Tràng trong nạn đói, có một số em gọi “cháo cám” là “cám heo” : “Ăn cám heo nhưng cả gia đình đùa vui vẻ, hạnh phúc bên nhau để ăn và tượng trưng nó như một nồi chè”; “trong buổi lễ ra mắt Tràng phải lấy cám heo để làm tiệc vì không có tiền mua gạo. Bà cụ Tứ nói đáng lẽ có thịt gà thì đãi nàng dâu mới nhưng làm gì có nên tính chỗ đặt chuồng nuôi gà chả mấy chốc có gà ăn lại biết đâu còn khấm khá lên”.

Trên đây là một số câu văn cười “chảy nước mắt” của một số thí sinh tại một hội đồng thi ở miền Trung do các thầy cô giám thị chia sẻ. Theo các giám thị, điểm khá, giỏi môn văn rất hiếm nhưng dưới trung bình thì nhiều và những bài văn “lạ” như trên thì không ít. Những câu văn ngô nghê, “ngây thơ” thì không thể kể hết. Có giám khảo cho rằng viết như thế còn đỡ, vì ít ra cũng biết diễn đạt cho người khác hiểu mình nói gì, chứ có nhiều bài như “đánh đố” giám khảo, đọc cả 2, 3 trang giấy, chẳng biết các em muốn nói gì. Đó là chưa kể những bài văn đầy lỗi chính tả, chữ viết nguệch ngoạc, cẩu thả, viết không thành chữ, khiến giám khảo không thể “dịch” nổi.

Đằng sau những câu văn khiến giám khảo cười “chảy nước mắt” trên đây là thực trạng đáng lo ngại về việc dạy văn, học văn nói riêng và bệnh thành tích nói chung ở các trường THPT hiện nay.

Tra cứu ĐIỂM THI THPT QUỐC GIA 2016 tại đây http://diemthi.24h.com.vn/index.php/tradiemthi

Điểm thi 24h cập nhật LIÊN TỤC

ĐIỂM THI THPT QUỐC GIA 2016 của 120 cụm thi trên cả nước

Truy cập ngay http://diemthi.24h.com.vn/ để cập nhật nhanh chóng

thông tin kỳ thi THPT Quốc Gia 2016!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Xuân Chiến (Người lao động)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN