Cẩn trọng với xét tuyển bổ sung

Nên tìm hiểu học phí, điều kiện xét tuyển, quy định riêng… của trường muốn đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung trước khi nộp hồ sơ.

Cuộc đua xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung bắt đầu đối với những thí sinh (TS) chưa trúng tuyển NV1. Ngoài tham khảo thông tin trên website các trường về số lượng hồ sơ TS nộp vào để biết chính xác mức điểm thi của bản thân có khả năng trúng tuyển hay không, TS cần phải tìm hiểu thêm nhiều thông tin khác. Nếu không, khi trúng tuyển mới vỡ lẽ điều kiện gia đình và bản thân không đáp ứng được.

Nắm rõ học phí trường muốn xét tuyển

Học phí là bước đầu tiên TS phải tìm hiểu trước khi quyết định nộp hồ sơ xét tuyển. Trường ĐH Tân Tạo (Long An) xét ngành thấp nhất là 17 điểm và cao nhất là 21 điểm (ngành y đa khoa). Thêm vào đó tất cả sinh viên năm thứ nhất sẽ được cấp học bổng toàn phần trị giá 63 triệu đồng/năm (dựa vào học bạ và vượt qua vòng phỏng vấn). Thông tin này sẽ thu hút nhiều TS giỏi nộp hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên, TS phải xem lại khả năng tài chính của gia đình mình bởi trường chỉ công bố học bổng khi tuyển sinh nhưng sau đó khả năng được nhận tiếp học bổng hay phải đóng học phí, TS phải tìm hiểu thông tin thật kỹ. Một điều cần lưu ý là khi sinh viên thôi học hoặc thôi học tạm thời không vì lý do sức khỏe hoặc bị kỷ luật thì phải hoàn trả học bổng. Lúc này, trường đã giữ bản chính học bạ và bằng tốt nghiệp THPT của sinh viên nên việc nghỉ học hay thi lại vào trường khác của TS sẽ gặp khó khăn.

Cẩn trọng với xét tuyển bổ sung - 1

Thí sinh nhận giấy chứng nhận kết quả thi tại Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM để tham gia xét tuyển NV bổ sung. Ảnh: Quốc Dũng

Một số trường ĐH đưa ra mức học phí cao như: Trường ĐH Hoa Sen, khoảng 35 đến 43 triệu đồng/năm; Trường ĐH Văn Lang từ 14 đến 27 triệu đồng/năm; Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng từ 16,9 đến 17,9 triệu đồng/năm; Trường ĐH Nguyễn Tất Thành từ 13 đến 18 triệu đồng; Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM ngay học kỳ 1 này TS phải đóng 8,3 triệu đồng tùy ngành…

Trong khi đó, dù là trường công lập nhưng Trường ĐH Tôn Đức Thắng được thu theo cơ chế tự chủ tài chính, mức tạm thu học phí học kỳ 1 là 5,8 triệu đồng cho cả hệ ĐH và CĐ. Trường ĐH Mở TP.HCM cũng là trường tự chủ tài chính và học phí học kỳ 1 dao động từ 4,84 đến 5,92 triệu đồng.

Chú ý điều kiện riêng

Đối với nhiều trường, chỉ cần điều kiện điểm thi cao hơn mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển thì TS có nhiều cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, nhiều trường có quy định riêng. Trường ĐH GTVT TP.HCM quy định TS xét tuyển ngành điều khiển tàu biển phải có chiều cao từ 1,64 m với nam và nữ từ 1,60 m; ngành vận hành khai thác máy tàu thủy phải có chiều cao từ 1,61 m với nam và nữ từ 1,58 m trở lên; đồng thời hai ngành này TS phải có tổng thị lực hai mắt phải đạt 18/10 trở lên, không mắc bệnh mù màu, phải nghe rõ khi nói thường cách 5 m và nói thầm cách 0,5 m và có cân nặng từ 45 kg trở lên.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng xét tuyển nguyện vọng bổ sung tất cả các khối đối với TS dự thi các trường ĐH trong cả nước, riêng khối H chỉ nhận xét tuyển TS thi tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Trường ĐH Văn Lang cũng chỉ xét tuyển các ngành khối H và khối V đối với TS dự thi tại bảy trường ĐH gồm: Kiến trúc TP.HCM, Tôn Đức Thắng, Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Kiến trúc Hà Nội, Mỹ thuật Công nghiệp, Nghệ thuật (ĐH Huế).

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ tuyển TS có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM. Trường ĐH An Giang chỉ tuyển các ngành sư phạm đối với TS có hộ khẩu thường trú tại An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh của TP Cần Thơ; còn trình độ CĐ tuyển TS có hộ khẩu thường trú tại An Giang; các ngành ngoài sư phạm tuyển TS có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh ĐBSCL. Các trường ĐH Bạc Liêu, Đồng Nai, Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), Quảng Bình, Quảng Nam tuyển ngành sư phạm đối với TS có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, các ngành khác tuyển sinh cả nước.

Lưu ý trường ưu tiên thấp hơn điểm sàn 1 điểm

Năm nay TS có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, học ba năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được giảm điểm xét tuyển NV bổ sung là 1 điểm (khi trúng tuyển phải học bổ sung kiến thức một học kỳ). Tuy nhiên, không nhiều trường áp dụng quy định này, hiện mới có ĐH Bạc Liêu, ĐH Tiền Giang, ĐH Cửu Long (Vĩnh Long), ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An, ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Tây Đô (Cần Thơ), ĐH Yersin Đà Lạt xét tuyển theo diện ưu tiên này.

Riêng Trường ĐH Đồng Tháp dù áp dụng quy định này nhưng TS lưu ý trường chỉ tuyển sáu ngành là Việt Nam học, quản lý văn hóa, khoa học môi trường, nuôi trồng thủy sản, công tác xã hội, quản lý đất đai; còn các ngành khác không ưu tiên. Còn Trường ĐH Trà Vinh trừ ngành dược, điều dưỡng, xét nghiệm y học, y tế công cộng, công nghệ kỹ thuật hóa học, giáo dục mầm non không ưu tiên thấp hơn điểm sàn 1 điểm, còn các ngành khác đều ưu tiên.

Không vội nộp hồ sơ

hời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV bổ sung trong khoảng 20 ngày. Do đó TS hãy nghiên cứu kỹ chọn ngành nghề, chọn trường mình yêu thích chứ đừng vội vàng nộp ngay hồ sơ. Để chọn ngành học trong đợt xét tuyển bổ sung đúng với sở thích của mình, TS nên theo dõi thông tin xét tuyển của nhiều trường. Đừng chọn đại một ngành hợp với điểm thi của mình để được học ĐH. Mặt khác, cũng đừng chọn đại một trường để tạm nương náu một năm, rồi sau đó đi thi lại. Vì nếu đã xác định thi lại thì nên ở nhà ôn tập kỹ.

ThS CỔ TẤN ANH VŨ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH GTVT TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Dũng (Pháp luật TPHCM)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN