Cách tính điểm sàn mới: Ưu thế thuộc về môn chính

Nếu trường có chọn một môn chính thì môn đó điểm cao sẽ là lợi thế trong cách tính điểm chuẩn cho thí sinh.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Năm nay, Bộ cho phép các trường chọn một môn chính đối với một ngành nào đó. Từ đó các trường sẽ xác định điểm chuẩn xét tuyển từ hệ số môn chính. Điểm chuẩn này được xác định trên giá trị trung bình của các môn thi trong đó có môn chính và không thấp hơn giá trị trung bình của điểm xét tuyển cơ bản mà do Bộ quy định và trường đã chọn”.

Theo ông Nghĩa, việc cho phép các trường xác định cách tính điểm chuẩn dựa vào môn thi chính đảm bảo những thí sinh có kết quả thi môn chính cao sẽ có lợi khi xét tuyển. Do vậy, trường đại học, cao đẳng đó sẽ chọn được những học sinh có năng lực tốt vào ngành đào tạo của mình.

Khi tính đến hệ số môn thi chính, học sinh nào có sở trường, năng lực môn chính đó sẽ có lợi hơn khi vào trường đại học, cao đẳng. Và ngược lại, những học sinh nào có kết quả thi môn chính kém sẽ bất lợi khi xét tuyển.

“Cách tính điểm sàn năm 2014 có hai vấn đề học sinh cần lưu ý. Thứ nhất, trước kia chúng ta chỉ có một mức sàn đối với tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Nhưng hiện nay, Bộ quy định cách tính điểm sàn có tới 3 đến 4 mức điểm. Đây là cách tính điểm cơ bản và có mức điểm xét tuyển tối thiểu đối với tuyển sinh đại học và mức điểm xét tuyển tối thiểu vào cao đẳng.” – ông Nghĩa nêu quan điểm.

Cách tính điểm sàn mới: Ưu thế thuộc về môn chính - 1

Cách tính điểm sàn dựa vào điểm chuẩn của Bộ quy định và trường chọn nhân với hệ số môn chính

Theo ông Nghĩa, việc đưa ra nhiều mức xét tuyển cơ bản nhằm mục đích chúng ta phân tầng nhu cầu đầu vào tuyển sinh… Thứ hai, là trước kia Bộ vẫn cho phép các trường nhân hệ số khi xét tuyển, nhưng chỉ có một điểm sàn. Tức là nhân hệ số hay không nhân hệ số vẫn phải vượt qua điểm sàn đó mới xét tuyển được.

Chẳng hạn, Bộ đưa ra điểm xét tuyển cơ bản là 20 điểm cho khối A và trường chọn môn thi chính là môn Vật lý. Căn cứ vào điểm thi của thí sinh chẳng hạn môn Toán là 4 điểm, Lý là 6 điểm, Hóa là 4 điểm. Nếu như năm trước, tổng điểm của thí sinh đó chỉ có 14 điểm, đương nhiên là thí sinh đó sẽ trượt đại học.

Nhưng năm nay, với cách tính như vậy thì nhà trường sẽ tính ra ngay, điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số môn chính là Vật lý được 6 điểm, ta nhân đôi bằng 12 + với 8 điểm môn Toán và Hóa, như vậy là em đó sẽ đỗ đại học.

Ngược lại, một học sinh khác Toán được 5 điểm, Lý được 4 điểm, Hóa được 6 điểm, nếu tính cách cũ thì em được 15 điểm, là thí sinh đó đỗ. Nhưng tính theo cách mới là, điểm môn Vật lý nhân đôi bằng 8 điểm, cộng với 11 điểm môn Hóa và Toán thì bằng 19 điểm, như vậy là em đó sẽ trượt. Rõ ràng, những thí sinh nào có điểm môn chính cao thì sẽ có lợi hơn so với những thí sinh có điểm số môn chính thấp.

Tóm lại, điểm xét tuyển cơ bản tối thiểu đối với cao đẳng và đại học thì đó chính là điểm sàn. Đối với các trường, ngành không qui định môn thi chính thì phải xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển vào trường hay vào từng ngành của trường. Điểm chuẩn xét tuyển này không được thấp hơn mức điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng mà Bộ đã công bố và trường đã lựa chọn.

“Năm 2014, bên cạnh những trường tham gia kỳ thi "3 chung" theo Bộ còn có những trường tổ chức thi riêng, có đề án tuyển sinh riêng. Đối với những trường tuyển sinh riêng như vậy, nhà trường phải tuyển sinh theo đúng quy chế của Bộ, đúng quy trình tuyển sinh, xét tuyển mà nhà trường đã trình đề án tuyển sinh riêng lên Bộ.

Còn lại điểm sàn như tôi đã nói ở trên chỉ sử dụng cho những trường thực hiện tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học theo phương thức “3 chung” do Bộ quy định.” – Ông Nghĩa cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hiếu (Infonet.vn)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN