Bộ trưởng GD&ĐT: Các trường đại học phải “sống” bằng thị trường

Với giáo dục từ mầm non tới phổ thông, nhà nước có trách nhiệm đầu tư. Còn giáo dục ĐH, nghề nghiệp thì người đi học phải có trách nhiệm. Các trường ĐH tự chủ và cạnh tranh, giảm thiểu chi phối hành chính nhà nước.

Bộ trưởng GD&ĐT: Các trường đại học phải “sống” bằng thị trường - 1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm và làm việc tại ĐH Lâm nghiệp

Chiều 22/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc và dự tọa đàm nâng cao chất lượng đào tạo, tự chủ, hội nhập quốc tế tại ĐH Lâm nghiệp Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết giáo dục ĐH Việt Nam nói chung và ĐH Lâm nghiệp nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội và cũng không ít khó khăn thách thức.

Trong bức tranh chung của giáo dục ĐH Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để nâng cao chất lượng. Từ xu hướng phát triển của các ĐH, xu hướng phát triển đổi mới nông lâm nghiệp theo hướng công nghệ cao. Nhìn chung, đầu vào của các trường ĐH ngày càng được nâng cao.

“Nhưng cũng nhiều thách thức. Nghịch lý giữa một bên đòi hỏi chất lượng  cao và một bên điều kiện tạo ra chất lượng rất thấp. Bình quân chung để có 1 bằng cử nhân của Việt Nam  là 13.000.000đ/năm. Nhưng cũng bằng cử nhân, ở Mỹ, trường quốc lập là 20.000 USD – 26.000 USD/năm, trường  tư thục là 30.000USSD– 36.000 USD/năm. Kinh phí không phải là thứ duy nhất mang lại chất lượng nhưng là điều kiện để đảm bảo chất lượng” – Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho hay nghịch lí nữa là tự chủ. Mong muốn rất tốt, văn bản đủ, nhưng thực tế giải quyết rất khó khăn. Nghịch lý thứ 3 là  bình quân số sinh viên/vạn dân chưa cao nhưng chất lượng rất xôi đỗ. Nên luôn bị xã hội lên án là mở tràn lan các trường ĐH.

Sẽ đặt hàng các trường ĐH

Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết một số đổi mới trong cấp kinh phí cho giáo dục trong thời gian tới. Với giáo dục từ mầm non tới phổ thông, nhà nước có trách nhiệm đầu tư. Còn giáo dục ĐH, nghề nghiệp thì người đi học phải có trách nhiệm. 

“Xu hướng là kinh phí tập trung cho giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH hạn chế theo hướng chỉ đầu tư vào những trường, những ngành hiệu quả hoặc những ngành buộc phải đầu tư còn lại phải sống bằng thị trường. Ngân sách giao cho các trường cũng không thường xuyên mà theo hướng đặt hàng. Không phân biệt công lập hay dân lập mà bình đẳng trong cạnh tranh” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.  

Ông cũng cho biết  sắp tới sẽ không còn tình trạng có bộ chủ quản, cơ quan chủ quản. Các trường tự chủ và cạnh tranh. Giảm thiểu chi phối hành chính nhà nước.

Các trường phải tham gia thị trường, lấy chất lượng làm tiêu chí.

Bộ GD&ĐT  đang xây dựng lộ trình đưa tất cả các trường ĐH ra khỏi bộ chủ quản. Trong đó, các trường ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT sẽ đi đầu. Tháng 5/2018 sẽ sửa đổi một số điều của Luật giáo dục ĐH cho phù hợp với tình hình thực tế.

Riêng với ĐH Lâm nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng có thế mạnh lớn là kết nối với địa phương, phân xưởng. Muốn phát triển đào tạo thông qua công nghệ, hợp tác quốc tế thì cán bộ trình độ cũng phải cao.

Tuy nhiên, những khó khăn về tuyển sinh trong thời gian qua của trường là thực trạng chung các trường đều rơi vào bẫy của những trường có bề dày lịch sử.

“Những ngành truyền thống không tuyển sinh được, các trường đều lúng túng, không giải quyết được. Còn ngành mới, xã hội cần thì không có nguồn lực để phát triển, đầu tư. Cách giải quyết  bằng cách liên kết, phối hợp với bên ngoài để xây dựng dự báo. 

Tập trung vào những ngành thị trường cần, có thể là doanh nghiệp cần, địa phương cần để rà soát cơ cấu các ngành đào tạo. Với cách làm đó sẽ có bản đồ các ngành đào tạo với, mức ưu tiên khác nhau. Ngành mới ưu tiên nhập công nghệ của nước ngoài trọn gói, không cần sáng tạo nhiều” – Bộ trưởng Nhạ chỉ rõ. 

Trong báo cáo của trường,  GS.Trần Văn Chứ, hiệu trưởng nhà trường đã đưa ra một số kiến nghị đề xuất đối với Bộ GD&ĐT. Trong đó, GS. Trần Văn Chứ đề nghị Bộ tạo điều kiện để sớm tiến hành các thủ tục đánh giá ngoài theo lộ trình kiểm định chất lượng, đăng kí xếp hạng và tiến hành các thủ tục nâng cấp trường ĐH Lâm nghiệp thành Học viện Lâm nghiệp Việt Nam. 

Mặt khác, trường ĐH Lâm nghiệp cũng mong muốn Bộ cho phép Trường được thành lập Trường THPT Thực nghiệm Xuân Mai để tạo nguồn đào tạo cho ĐH. Trước đề nghị của trường ĐH Lâm nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đồng ý về mặt chủ trương.  

Đề nghị Trường ĐH Lâm nghiệp căn cứ quy hiện hành để xây dựng Đề án đổi tên Trường Đại học Lâm nghiệp thành Học viện Lâm nghiệp Việt Nam, gửi Bộ GD&ĐT thẩm định hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. 

Với việc thành lập trường THPT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trường ĐH Lâm nghiệp có thể xây dựng đề án thành lập trường THPT theo hướng có bộ phận học sinh dân tộc nội trú trong nhà trường, nhằm tạo nguồn đào tạo cán bộ cho ngành lâm nghiệp, nông nghiệp, phục vụ công cuộc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN