Bỏ học, lấy chồng ở tuổi ô mai

Đang cắp sách tới trường nhưng nhiều học sinh đã bỏ học giữa chừng để... ở nhà bắt vợ, gả chồng. Thực trạng này đang diễn ra phổ biến ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.

Bỏ học, ở nhà làm mẹ

Cơn mưa chiều từ đại ngàn đổ về khiến cho khung cảnh rừng núi xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam thêm âm u, buồn thảm, heo hút đến lạ thường. Từ phía bên kia vách, trong căn nhà sàn rách nát, tiếng ru con của người mẹ trẻ nghe não nề gan ruột hai người khách lạ mới từ dưới xuôi lên tác nghiệp.

Nghe tôi cất tiếng hỏi: “Đây có phải nhà chị Dinh không?”, một người mẹ trẻ bế đứa con nhỏ trên tay hớt hải chạy ra cửa chào khách rồi cất tiếng trả lời rụt rè, e ngại: “Dạ! Đúng... rồi chú!”.

Sau một hồi làm quen, lúc trở nên thân thiện, tôi mới được “chị” (người mẹ đang ru con - PV) cho biết mình tên là Đặng Thị Ngọc Dinh, mới 16 tuổi và đã sinh con cách đây 6 tháng.

Bỏ học, lấy chồng ở tuổi ô mai - 1
Mới 15 tuổi nhưng cô bé này đã có con gần 1 tuổi

Kể về “chuyện tình và đường con cái” của mình, giọng Dinh buồn buồn: Trước đây, cũng như bao em gái khác ở xã miền núi heo hút này, sáng Dinh cắp sách tới trường, còn buổi chiều em theo mẹ lên rẫy làm cỏ sắn, cỏ ngô. Học đến cuối lớp 10, Dinh theo đám trai làng đi chơi và dần dà không muốn đến trường nữa. Chuyện gì đến đã đến, em mang bầu trước tuổi, phải bỏ học giữa chừng, ở nhà cưới chồng, làm mẹ...
Vừa kể chúng tôi nghe Dinh vừa khóc nức nở và bao lần nhắc lại câu nói: “Giá như trước đây, cháu không bỏ học giữa chừng để yêu sớm thì bây chừ làm gì phải khổ. Làm mẹ ở tuổi cháu cực lắm chú ơi!”.

Không riêng gì trường hợp của Đặng Thị Ngọc Dinh mà ở huyện miền núi Đông Giang hiện có hàng chục học sinh bỏ học giữa chừng, về nhà bắt vợ, gả chồng. Trong đó, tình trạng này diễn ra thường xuyên với học sinh Trường THPT Âu Cơ (xã Ba, huyện Đông Giang).

Không chỉ riêng cấp 3, mà nhiều em cấp 2 (mới chỉ từ 12 - 13 tuổi) cũng bỏ học ở nhà lấy chồng. Nhiều em còn tuổi ăn, tuổi học nhưng đã có con và phải sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn vì không có nghề nghiệp ổn định hoặc phải làm lụng vất vả để trả “của hồi môn” cho nhà chồng. Năm 2010, em Zơrâm Thị V. (13 tuổi, học sinh Trường THCS bán trú Lê Văn Tám, xã Jơ Ngây, Đông Giang) đột nhiên bỏ học không lý do rồi “cưới” một chàng trai khá trẻ (16 tuổi - P.V) khiến bạn bè và thầy cô trong trường vô cùng bất ngờ. Biết chuyện, họ hàng bên ngoại V. phản đối kịch liệt nhưng cũng không kết quả vì “cái bụng” của hai đứa đã ưng với nhau rồi! Ngày Zơrâm Thị V. về nhà chồng, mẹ em - chị A Lăng Thị R. khóc ròng mấy ngày liền vì thương con. Chị nghẹn ngào trong nước mắt: “Con bé còn nhỏ quá, sau này làm sao nuôi sống được cả gia đình chồng. Chắc nó chết mất!”...

Bài toán khó

Trên thực tế, số học sinh ở các huyện miền núi Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang... bỏ học những năm gần đây không còn nhiều như thời gian trước, nhưng vẫn còn dai dẳng, nhức nhối. Năm học 2010-2011, huyện Nam Giang có 21 em bỏ học. Ở các huyện Tây Giang, Phước Sơn cũng xấp xỉ chừng ấy, chủ yếu rơi vào cấp THCS.

Theo ông Huỳnh Kim Tín - Trưởng phòng Giáo dục huyện Tây Giang, nguyên nhân chủ yếu do đời sống của người dân vùng cao còn nhiều khó khăn, dân trí thấp khiến chuyện học hành của các em chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, việc thiếu sự quan tâm của gia đình và chuyện học của các em được “khoán trắng” cho thầy cô và nhà trường cũng là một tác nhân dẫn đến hiện trạng trên. “Ở vùng cao, chuyện vận động học sinh đi học, đến lớp phải tính từng ngày. Học sinh không đến lớp một ngày, giáo viên đã phải đến tận nhà, tận bản để kịp thời vận động các em trở lại lớp. Nhưng để chấm dứt tình trạng học sinh bỏ học là cả quá trình dài, không phải một sớm một chiều mà là bài toán chưa tìm ra lời giải” - ông Tín tâm sự.

Bỏ học, lấy chồng ở tuổi ô mai - 2
Nhiều học sinh huyện miền núi Quảng Nam nghỉ học giữa chừng, ở nhà làm mẹ ở tuổi 15 - 16

Một rào cản không nhỏ về chuyện học sinh bỏ học là những hủ tục lạc hậu còn tồn tại ở nhiều địa phương miền núi, đặc biệt là nạn tảo hôn. Tại các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang... hầu như năm nào cũng có học sinh bỏ học ở nhà lập gia đình rồi làm mẹ trước tuổi. Điều này cũng phản ánh công tác tuyên truyền, giáo dục của các ngành chức năng địa phương còn yếu kém, chưa đi vào chiều sâu để giúp thay đổi nhận thức của đồng bào. Trong khi đó, điều dễ nhận thấy ở các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn là khi tập tục lạc hậu càng ăn sâu thì tình trạng học sinh bỏ học, tảo hôn càng nhiều.

Một nỗi lo khác đối với những người làm công tác giáo dục miền núi là tình trạng bỏ học theo... “mùa” dai dẳng. Bởi cứ đến “mùa” mưu sinh, như thời điểm trước Tết, thi học kỳ xong là các em phải vào rừng bứt đót, mây, hay thậm chí xuống sông đãi vàng sa khoáng để kiếm tiền trang trải việc học và phụ giúp gia đình. Chính vì cuộc sống khó khăn, hủ tục lạc hậu khiến con đường đến trường của các em gián đoạn, thậm chí phải từ giã mái trường sớm để lao vào cuộc mưu sinh. Đây là bài toán khó không chỉ đối với ngành giáo dục địa phương mà còn với cả các cấp, các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam.

Tra cứu điểm thi, điểm chuẩn nhanh nhất tại diemthi.24h.com.vn
Bạn muốn là người biết Điểm Chuẩn ĐH-CĐ 2012 Nhanh nhất, chính xác nhất! Hãy soạn tin:
DC MÃTRƯỜNG NĂM gửi đến 8502
Ví Dụ: Để tra điểm chuẩn năm 2012 của trường ĐH Kinh tế quốc dân soạn tin:
DC KHA gửi đến số 8502, để tra điểm chuẩn năm 2011 soạn DC KHA 2011 gửi đến số 8502.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyên Dũng- Vương Hoàng (CA TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN