Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục duy trì mô hình trường học mới

“Vì mô hình trường học mới nên chúng ta chưa quen. Mô hình tốt nhưng làm chưa tốt thì mình phải khắc phục để làm cho tốt chứ không phải bỏ”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục duy trì mô hình trường học mới - 1

Một trường tiểu học tại TP HCM áp dụng mô hình trường học mới trong việc sắp xếp lớp học. (Ảnh: Người lao động)

Bộ GD-ĐT vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc áp dụng mô hình trường học mới (VNEN). Trong đó, Bộ GD-ĐT thừa nhận việc áp dụng VNEN chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp không ít khó khăn. Do đó, rất nhiều phụ huynh quan tâm, liệu Bộ GD-ĐT có dừng hẳn mô hình này.

Ngày 23/8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chính thức lên tiếng về việc có hay không dừng chương trình dạy học theo mô hình mới.

“Tôi cho rằng, mô hình mới, mình chưa có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, chưa tập huấn kĩ càng cho giáo viên mà không tiếp tục duy trì hay nhân rộng tiếp thì tôi thấy thật là đáng tiếc”, ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, vì mô hình trường học mới nên chúng ta chưa quen. Mô hình tốt nhưng làm chưa tốt thì mình phải khắc phục để làm cho tốt chứ không phải bỏ.

Lãnh đạo Bộ GD-Đ dẫn chứng: Ngay cả việc học nhóm ở trong lớp, không cứ phải 6 em ngồi một bàn mới gọi là học nhóm. Các em có thể ngồi đông hơn hoặc ít hơn. Quan trọng các em phải tự học cá nhân trước đã rồi hỏi nhau nếu cần thiết, trao đổi với nhau nếu mà chưa rõ mới tìm cách diễn đạt với nhau.

Về việc phụ huynh so sánh giữa hai chương trình học, (chương trình hiện hành và chương trình học mới) ông Hiển cho biết, trước đây mình dạy theo việc dạy càng nhiều kiến thức càng tốt, còn mô hình này mình coi trọng kiến thức cơ bản và quan trọng là vận dụng kiến thức đó như thế nào. Cái được sau khi học mô hình này là học sinh sẽ phát huy kiến thức, năng lực hợp tác nhóm, cách thức tự diễn đạt trình bày, cách thức tự chủ…

Cũng theo ông Hiển, giáo dục theo mô hình này là chúng ta coi trọng kiến thức cơ bản chứ không chú trọng nhiều kiến thức. Như thế phải thay đổi được chương trình giáo dục thì mới hiểu được kiến thức của chương trình mới.

“Việc phụ huynh băn khoăn là các em học VNEN có thi được vào lớp 10 không? Tôi xin trả lời, hiện nay chúng ta quan niệm thay đổi mục tiêu giáo dục thì việc thì chúng ta cũng phải thay đổi cách ra đề để đáp ứng đúng mục tiêu phát triển toàn diện”, ông Hiển bày tỏ.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, phương pháp dạy học VNEN không mâu thuẫn với phương pháp lâu nay chúng ta vẫn dạy, chỉ có điều là khi áp dụng mô hình VNEN thì những điểm yếu về kĩ thuật dạy học sẽ bị bộc lộ ra và cần tìm cách khắc phục. Ngược lại, dạy học theo mô hình hiện hành không bộc lộ những yếu điểm này.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ không ép buộc trường nào tham gia mô hình trường học mới. Tuy nhiên, Bộ sẽ ưu tiên những địa phương nào có điều kiện tốt sẽ làm trước rồi sau đó lan rộng ra, mình sẽ nghĩ cách làm từ chỗ thuận lợi đến chỗ khó khăn thì sẽ áp dụng như thế nào. Chỗ khó khăn sẽ triển khai sau.

Để thực hiện tốt chương trình mô hình trường học mới, Bộ sẽ rút kinh nghiệm trong việc biên soạn tài liệu cho tốt hơn, tập huấn cho giáo viên tốt hơn. Bên cạnh đó, mô hình hiện hành cũng phải đổi mới. Chẳng hạn, đổi mới sinh hoạt công tác chuyên môn theo hình thức giúp đỡ lẫn nhau trong tổ nhóm theo tinh thần học tập trong công việc chứ không áp đặt trên tập huấn như thế nào dưới phải nghe theo như thế.

“Quan trọng là các giáo viên bàn với nhau tìm xem cách nào triển khai tốt chứ không phải là áp đặt từ tập huấn rồi triển khai vào. Rào cản đổi mới ở chỗ giáo viên ngại đổi mới. Điều này ở tất cả các mô hình đổi mới đều vấp phải, chúng ta phải khắc phục thôi, nếu không khắc phục được thì chúng ta không thể tiến bộ được”, ông Hiển nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN