Bộ GD-ĐT rút đề xuất bậc THCS học 5 năm

Bộ GD-ĐT vừa rút lại đề xuất thay đổi hệ thống giáo dục được thực hiện trong 10 năm, gồm 5 năm học giáo dục tiểu học, 5 năm học trung học cơ sở, giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 2 năm.

Sáng ngày 28/8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ đã rút lại phương án thay đổi về hệ thống giáo dục được thực hiện trong 10 năm, gồm 5 năm học giáo dục tiểu học, 5 năm học trung học cơ sở, giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 2 năm. Bộ xin giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay (9 năm giáo dục cơ bản, gồm 5 năm tiểu học và 4 năm THCS + 3 năm THPT).

Ông Hiển cho biết thêm, trước đó có nhiều ý kiến đề nghị thay đổi như đề xuất của Bộ GD-ĐT (thêm 1 năm học ở bậc THCS). Tuy nhiên, qua phiên họp của Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục - đào tạo, Hội đồng Phát triển Giáo dục và Nhân lực cũng như nhiều chuyên gia có ý kiến khác nên Bộ quyết định giữ nguyên hệ thống như hiện nay.

Bộ GD-ĐT rút đề xuất bậc THCS học 5 năm - 1

Bộ GD-ĐT lại đề xuất học hệ THCS 5 năm

Góp ý về dự thảo, Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng giáo dục phổ thông 9 năm như hiện nay là quá đủ. Học sinh học xong bậc trung học cơ sở là hoàn tất chương trình cơ bản, có thể theo học nghề. Vì vậy, học sinh học thêm một năm THCS cũng không giải quyết vấn đề gì mà còn kéo theo nhiều vấn đề phát sinh như trường thiếu cơ sở vật chất, trong khi trường phổ thông cơ sở lại thừa, rồi đội ngũ giáo viên phải phân bổ lại…

Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cũng cho biết, nếu như thực hiện theo phương án học hệ THCS 5 năm sẽ phải thay đổi rất nhiều thứ bởi học sinh đang học hệ THPT 3 năm nay lại phải giảm xuống còn 2 năm. Trong khi đó, về cơ số giáo viên, trường lớp cũng phải có sự thay đổi lớn.

"Chúng ta cứ thử hình dung, nếu như bây giờ thay đổi số năm học của cấp THCS và THPT thì sẽ gây xáo trộn lớn về cơ sở vật chất, phòng, số lượng giáo viên. Đặc biệt, ở hệ THPT nếu định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong 2 năm cũng là quá ít. Tôi nghĩ sự thay đổi này sẽ gây khó khăn và tốn một chi phí lớn”, Giáo sư Cương nói.

Ngày 20/8, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã họp và thảo luận về hai đề án trong chương trình công tác: Hội nhập quốc tế và đổi mới giáo dục; Xây dựng xã hội học tập.

Tại đây, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ đã có nhiều thay đổi trong dự thảo đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Trong đó, dự thảo đưa ra vấn đề xác định lại số năm học của mỗi cấp học.

Phương án 1 là giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học, gồm 5 năm học giáo dục tiểu học và 5 năm giáo dục trung học cơ sở, giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 2 năm.

Phương án 2 là giáo dục cơ bản được thực hiện trong 9 năm học, 5 năm học giáo dục tiểu học và 4 năm THCS, giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 3 năm học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN