Bệnh thành tích sẽ làm méo mó kỳ thi quốc gia mới?

Phương thức đổi mới chỉ giữ một kỳ thi quốc gia chung, kết quả đó sẽ là căn cứ để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ. Những tưởng bỏ bớt một kỳ thi, thí sinh và phụ huynh sẽ nhẹ nhõm. Thế nhưng qua ý kiến bạn đọc gởi về báo PLO và các báo, xuất hiện khá nhiều băn khoăn.

Chiều 9/9, Bộ GDĐT đã công bố phương án kỳ thi chung quốc gia thi theo hướng: Từ năm 2015, các thí sinh trên cả nước sẽ cùng tham dự kỳ thi quốc gia chung vào các ngày từ 9 đến 12-6. Môn thi là Toán, Ngữ Văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định.

PLO xin tổng hợp những ý kiến băn khoăn, e ngại và những câu hỏi cần được Cục Khảo thí nghiên cứu giải đáp.

Bệnh thành tích sẽ làm méo mó kỳ thi quốc gia mới? - 1

Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định tại buổi họp báo chiều 9/9: Kỳ thi quốc gia sẽ không gây nhiều xáo trộn. Ảnh: H.HÀ

Câu hỏi đầu tiên: Sẽ có cả một “rừng ngô”?

Liệu kỳ thi chung quốc gia có đảm bảo nghiêm túc, công bằng, tránh được nạn gian dối, quay cóp?

Đây là câu hỏi được những người làm trong ngành giảng dạy đặt ra đầu tiên. Nếu tổ chức kỳ thi chung như hiện nay rồi dùng kết quả đó để xét tuyển đầu vào đại học thì có thỏa đáng không khi mỗi năm, báo cáo về tiêu cực trong thi cử, mà điển hình là tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH vẫn đáng báo động.

Người ta lo ngại tổ chức kỳ thi mang tính quốc gia ở địa phương sẽ tạo kẽ hở để cấp cơ sở dưới “áp lực” của bệnh thành tích khó đảm bảo một kỳ thi nghiêm túc. Có thể thấy trong các năm qua, tỉ lệ tốt nghiệp THPT thường cao ngất ngưởng. Một nghịch lý là khi nhìn những con số tốt nghiệp 99-100% người ta lo nhiều hơn mừng, còn địa phương nào báo cáo cỡ 60-70% lại tạo chút… phấn khởi vì có lẽ đây là con số thực.

Còn nhớ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, nhiều điểm thi bị phát hiện cả một phòng thi gian lận như tại Hội đồng thi trường THPT Quang Trung, Hà Nội; thậm chí chính giám thị trong phòng thi tạo điều kiện để các thí sinh thoải mái làm bài chung như Hội đồng thi trường THPT Trưng Vương, Văn Lâm, Hưng Yên.

Kinh điển nhất là sự kiện Đồi Ngô diễn ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 6/2012. Theo đó, một clip được tung lên mạng ghi lại cảnh thí sinh quay cóp, chép bài từ tài liệu một cách công khai; trong khi đó giám thị thì ném "phao" từ ngoài vào cho thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra ở Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô, H.Lục Nam, tỉnh Bắc Giang vào giờ thi môn Hóa chiều 2/6/2012. Sự kiện này ám ảnh về tính trung thực, công bằng, nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp PTTH đến mức phát biểu trên báo chí ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án kỳ thi chung quốc gia, GS Nguyễn Lân Dũng đã cảnh báo: “Nếu Bộ GD&ĐT làm theo hướng này sẽ lại có gian dối ở các địa phương. Sẽ không còn dừng lại sự việc của một “Đồi Ngô” mà sẽ có cả… “rừng ngô””.

Vốn dĩ lòng tin vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp hằng năm đã vô cùng mỏng manh, nhưng vì nghĩ rằng đây chỉ là một kỳ thi cuối cấp, tính cạnh tranh không cao nên không quá đòi hỏi về chất lượng. Nhưng với cách tổ chức thi thiếu kiểm soát như vậy, kết quả cho ra lại để đánh giá, xét chọn vào trường đại học thì vấn đề sẽ hoàn toàn khác.

Từ trước đến nay, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ trong cả nước được đánh giá là kỳ thi nghiêm túc nhất, công bằng nhất vì được kiểm soát chặt chẽ từ khâu ra đề, tổ chức, chấm thi đến công bố kết quả. Có như vậy đầu vào Đại học mới được sàng lọc kỹ càng, làm tiền đề thuận lợi để đào tạo ra những người đi làm có trình độ thực sự.

Giáo dục Việt Nam vẫn bị xem là nặng hình thức, thiếu thực chất, vậy tại sao lại bỏ một kỳ thi nghiêm túc để giữ một kỳ thi còn đó nhiều dấu hỏi về chất lượng và quy củ?

Có thực sự giảm tải hay là “làm các cháu đau tim”?

Phương án này ban đầu khiến các học sinh “nhắm đánh” vào các trường Đại học thi khối A hoang mang. Thậm chí nhiều em “ganh tị” khi môn thi bắt buộc ưu ái các bạn khối D, chỉ cần tập trung học đúng ba môn của khối mình.

Thực tế, Bộ GĐ-ĐT đã mở thêm một cửa để trấn an các em bằng môn tự chọn và còn kèm thêm các môn có thể đăng ký thi… thêm để sử dụng khi xét tuyển Đại học. Vấn đề là nếu thực hiện như vậy thì khâu tổ chức thi cũng không gọn gàng được là bao so với phương án thi hiện tại. Với những trường Đại học lớn, xét tuyển theo khối A, B có thể nhà trường vẫn yêu cầu thí sinh phải có điểm thi theo đúng khối chứ không xét tới môn Ngữ Văn, Ngoại Ngữ. Vậy là học sinh vẫn cùng lúc học ôn không thiếu mục nào.

Bệnh thành tích sẽ làm méo mó kỳ thi quốc gia mới? - 2

Nhưng nhiều ý kiến học sinh, phụ huynh lại tỏ ra hoang mang trước phương án kỳ thi hai trong một của Bộ GD&ĐT. Trong ảnh: Các em học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH 2014

Dĩ nhiên nếu thi tốt nghiệp PTTH theo kiểu như hiện nay thì các em vẫn phải học các môn này. Tuy nhiên, tâm thế học để thi tốt nghiệp hẳn sẽ không giống như việc phải học để thi mà kết quả thi ấy lại được dùng để xét tuyển vào các trường ĐH.

Còn về phía đơn vị tổ chức thi, nếu thí sinh ở địa phương đó có nguyện vọng xét tuyển vào nhiều trường ĐH có quy định điểm môn thi bổ sung thì sẽ gần giống như địa phương gánh luôn phần tổ chức thêm một kỳ thi tuyển ĐH trên sân nhà. Điều này sẽ tạo ra cảnh đã rối càng thêm rối cho các địa phương.

Năm 2014, kỳ thi tốt nghiệp cho môn tự chọn đã xảy ra trường hợp cả một hội đồng thi chỉ “chăm sóc” một thí sinh duy nhất đăng ký thi môn Lịch Sử (Hà Nội) hay Ngoại Ngữ (Hòa Bình). Như vậy, xét về hiệu quả tổ chức, đổi mới cũng bằng thừa vì không giảm tải được cho cả người thi lẫn người tổ chức thi.

Chưa kể, có ý kiến lo ngại rằng: Chính vì không tin tưởng mấy vào tính nghiêm túc của kỳ thi chung quốc gia nên các trường ĐH danh giá chắc chắn sẽ chọn phương án thi riêng chứ không sử dụng kết quả thi chung nói trên để xét tuyển. Về phía thí sinh, để ăn chắc, nhiều em cũng sẽ chỉ thi 4 môn để được tốt nghiệp và sẽ vẫn chuẩn bị tâm thế để tham gia những kỳ thi đại học do các trường tự tổ chức. Như vậy thì lý lẽ giảm tải càng cần phải được làm rõ nếu xảy ra những tình huống này.

Đề thi phải ra theo hướng nào?

Nhiều ý kiến của các giáo viên, giảng viên chuyên trách công tác ra đề thi tốt nghiệp, tuyển sinh hằng năm cho biết họ rất hoang mang với kỳ thi “hai trong một” này.

Theo phương pháp thi tốt nghiệp truyền thống, đề thi được ra theo cấp độ vừa phải để phù hợp với trình độ chung của học sinh toàn quốc (như vậy mới gọi là thi chung). Trong đề chỉ có một tỉ lệ nhỏ câu hỏi khó nhằm phân loại học sinh, xếp loại tốt nghiệp. Nhưng đó là đề thi để kết thúc cấp học, còn nếu để chọn lọc học sinh giỏi, phù hợp với các chuyên ngành đào tạo trong trường ĐH thì không thể chỉ dừng ở đó.

Điều này đặt ra vấn nạn nếu ra đề khó, học sinh có trình độ trung bình không thể đạt chuẩn tốt nghiệp; còn nếu ra đề dễ thì không lẽ hồ sơ xét tuyển vào ĐH 80% là điểm 9-10?

Trong những năm gần đây, đề thi trong các cuộc thi quốc gia được đánh giá là có nhiều thay đổi tích cực, theo kịp sự thay đổi của tình hình, không gò bó theo nội dung SGK… Tuy nhiên, với phương án thi mới này, tin chắc người ra đề sẽ không tránh khỏi sự lúng túng, nhất là khi họ bị “kẹp giữa” hai tiêu chí rất khác nhau của đề thi hai trong một.

Bệnh thành tích sẽ làm méo mó kỳ thi quốc gia mới? - 3

Nhiều ý kiến lo ngại kỳ thi chung quốc gia sẽ không đảm bảo được mục tiêu giảm áp lực thi cử cho xã hội

Không thể đánh giá được khả năng theo đuổi chuyên môn ở cấp Đại học

Rõ ràng có thể thấy sự bất cập khi sử dụng một đề thi chung ở cấp độ phổ thông đại trà để đánh giá khả năng học tập theo chuyên môn của học sinh.

Đặt giả thuyết có một thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường Đại học Kiến Trúc có điểm thi Toán: 9, Văn: 9, Ngoại Ngữ: 9, Vật lý (chọn thêm): 9, có nghĩa là gần như học sinh giỏi toàn diện nhưng hoàn toàn không có năng khiếu vẽ, không có khả năng tư duy hình ảnh mà điều này chỉ có thể đánh giá được bằng môn thi vẽ; một học sinh khác điểm thi Toán: 7, Văn: 7, Ngoại Ngữ: 7, Vật lý (chọn thêm): 7 nhưng có năng  khiếu bẩm sinh, tư duy thẩm mỹ tốt... Cả hai đều “không được” thi vẽ, thì trường xét tuyển cầm hồ sơ, nhìn số điểm, lấy từ trên xuống sẽ chọn ai?

Những trường đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật cao, năng khiếu như Y, Dược, Nha, Sư phạm, Bách khoa, Kiến trúc, Nhạc , Họa... sẽ phải tuyển sinh như thế nào?

Nếu các trường ĐH không thể tuyển được sinh viên đạt chất lượng đúng yêu cầu thì bắt buộc phải bung ra, tổ chức kỳ thi riêng của từng trường. Cuối cùng học sinh vẫn đi thi nhiều y như cũ, thậm chí là phải thi nhiều hơn hiện nay. Vậy thì phương án cải tiến này sẽ đạt được mục đích gì ngoài việc khiến phụ huynh, học sinh được một phen náo loạn vì bị làm "chuột bạch" quá bất ngờ.

Xuất phát với mục tiêu giảm tải việc học và thi cho học sinh, tiết kiệm chi phí tổ chức thi… nhưng phương án thi mới của Bộ GDĐT chưa làm yên tâm học sinh và người làm giáo dục.

Chúng tôi xin chuyển những băn khoăn chính đáng này đến  Bộ GD&ĐT để  sớm có giải pháp bổ sung hoàn thiện và ngăn ngừa tiêu cực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Khương (Pháp luật TP.HCM)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN