600 HS đồng loạt nghỉ học: Học sinh tha thiết trở lại trường

Để phản đối việc sáp nhập trường THCS, phụ huynh cũng "buộc" học sinh trường mầm non, tiểu học phải nghỉ học, khiến trường lớp ở xã Hương Bình (Hương Khê, Hà Tĩnh) vắng tanh. Hằng ngày, ngoài việc đứng lớp, các thầy cô giáo còn phải tới vận động phụ huynh đưa con tới lớp.

Mỏi mòn chờ học sinh

Như đã thông tin, không đồng tình với việc sáp nhập trường THCS Hương Bình vào trường THCS Hòa Hải và Phúc Đồng, người dân và phụ huynh ở xã Hương Bình đã tụ tập trước cổng trường để phản đối.

600 HS đồng loạt nghỉ học: Học sinh tha thiết trở lại trường - 1

Tại trường mầm non Hương Bình, số trẻ tới trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều phụ huynh còn gây sức ép lên chính quyền bằng việc không cho con em đang học bậc mầm non, tiểu học và THCS ở Hương Bình đến trường. Đến thời điểm này, toàn xã Hương Bình vẫn còn gần 600 học sinh thuộc 3 bậc học nói trên chưa được đến trường.

Có mặt tại 2 điểm trường mầm non Hương Bình, ngôi trường khá khang trang với những phòng học sạch sẽ. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là tại các phòng học chỉ có cô giáo cùng với lác đác vài trẻ như ở lớp 5 tuổi, 4 tuổi. Có lớp chỉ được 1 em nên phải gộp chung với lớp khác. Thế nhưng số trẻ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đối với lớp 25 - 36 tháng tuổi thì chỉ có cô giáo đang ngồi làm đồ chơi chứ không hề thấy bóng dáng một đứa trẻ nào.

Tình hình tại trường tiểu học Hương Bình cũng chẳng khá hơn, số lượng 255 học sinh (có 2 học sinh đã chuyển đi nơi khác học) chỉ có 28 em đi học. Trao đổi với PV, cô Phan Thị Anh, hiệu trưởng trường tiểu học Hương Bình cho biết, sĩ số của toàn trường duy trì từ 28 - 30 học sinh. Trong đó, lớp 1 được 11 em, chúng tôi phải gộp thành một lớp, lớp 2 có 7 em, lớp 4 được 8 em, lớp 5 chỉ được 2 em. Đặc biệt, lớp 3 thì không có em nào.

600 HS đồng loạt nghỉ học: Học sinh tha thiết trở lại trường - 2

Trong khi đó ở trường tiểu học thì cũng không khá hơn, 1 lớp học (gộp 2 lớp cùng khối 4 ) cũng chỉ có 7 học sinh

"Suốt 2 tháng nay, ngoài việc đứng lớp, các cán bộ giáo viên phân chia nhau tới nhà từng hộ gia đình vận động phụ huynh cho học sinh đi học. Nhà trường đã có 4 đợt vận động và cũng tìm đủ mọi cách nhưng cũng chẳng mấy hiệu quả", cô Anh nói.

Theo cô Anh, dù học sinh có ít thì các giáo viên vẫn duy trì chương trình học như bình thường, kể cả mỗi lớp chỉ có một em.

"Chứng kiến cảnh học sinh phải ở nhà mà không được tới trường, chúng tôi rất trăn trở và lo lắng. Chỉ mong học sinh sớm trở lại trường, khi ấy sẽ cố gắng dạy bù đầy đủ kiến thức cho các em", cô Anh ngậm ngùi.

Chúng em muốn đi học lắm

Suốt một ngày có mặt tại xã Hương Bình, PV đã tiếp xúc với rất nhiều em học sinh, đủ cả 3 cấp học: mần non, tiểu học và THCS. Khi chúng tôi hỏi về lý do không tới trường, dù hôm đó là ngày thứ 2 đầu tuần, vẻ mặt các em đều thoáng buồn và cùng chung một câu trả lời "Bố mẹ nói cứ ở nhà chờ đi đã".

PV gặp em Trần Văn Trung ("cựu" học sinh lớp 7 trường THCS Hương Bình) khi em này đang cùng bạn chăn bò ở con đồi gần đường mòn Hồ Chí Minh. Trung cho biết, tính từ hè tới giờ em đã nghỉ 4 tháng, còn nếu đi học thì em học ở trường THCS Phúc Đồng, cách nhà chừng 4km, tuy nhiên bố mẹ chưa cho đi vì đoạn đường đó hay có tai nạn, gây nguy hiểm cho em.

Quần áo, sách vở và đồ dùng học tập đã chuẩn bị hết rồi nhưng bố mẹ nói chờ bố mẹ giữ trường đã. Buổi tối em có đưa sách ra học nhưng cứ đọc vậy thôi chứ cũng chẳng hiểu được gì, em Trung chia sẻ.

Gia đình ông Trần Hữu Đích (81 tuổi, trú thôn Bình Giang) có 3 người cháu: Trần Hữu Quang 4 tuổi, Trần Hữu Thắng 6 tuổi và Trần Hữu Nam 9 tuổi, cũng vì bố mẹ phản đối sáp nhập trường mà cả 3 anh em đang phải ở nhà. Và gia đình khi nào cũng phải cắt cử 1 người trông coi các em.

"Cháu có nhớ trường, nhớ lớp không" - PV hỏi. "Dạ. Cháu nhớ thầy cô, bạn bè lắm", em Thắng lí nhí.

"Cháu có muốn đi học không?" - PV hỏi tiếp. "Dạ. Cháu muốn đi học lắm ạ", Thắng trả lời tiếp.

Câu trả lời của Thắng khiến những người dân thôn Bình Giang đứng xung quanh chỉ biêt nhìn nhau ái ngại. Cuộc chiến giữ trường của họ vô tình khiến quyền lợi được đi học của trẻ em bị xâm hại nghiêm trọng.

Ông Đặng Quốc Bảo, Phó bí thư Đảng ủy xã Hương Bình cho biết, suốt nhiều tháng nay xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân sớm đưa trẻ trở lại trường học. Nhà ít nhất cũng đã tới 6 lần, có nhà cán bộ xã đã tới 9 lần tuy nhiên họ vẫn không đồng ý.

"Việc người dân cứ dựng rạp phản đối mà kéo dài sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều chuyện như việc sản xuất, an ninh trật tự trên địa bàn. Trong đó quan trọng nhất là việc học các em bị ảnh hưởng", ông Bảo cho hay.

600 HS đồng loạt nghỉ học: Học sinh tha thiết trở lại trường - 3

Kể từ ngày 31/7, sau khi nhận được thông báo vì chỉ có 8 lớp nên 247 học sinh trường THCS Hương Bình sẽ chuyển sang trường THCS Hòa Hải và Phúc Đồng (cùng huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), hàng trăm người dân xã Hương Bình đã dựng lều bạt thay nhau túc trực ngày đêm phản đối và cũng mong chính quyền suy nghĩ để giữ lại ngôi trường.

600 HS đồng loạt nghỉ học: Học sinh tha thiết trở lại trường - 4

Những ngày này, khi về xã Hương Bình, rất dễ bắt gặp các nhóm học sinh tụm 5, tụm 7 chơi với nhau tại các nhà dân, dọc các tuyến đường hay trên cánh đồng. Trong khi đáng lẽ ra, giờ này vị trí của các em là ở trường học.

600 HS đồng loạt nghỉ học: Học sinh tha thiết trở lại trường - 5

 Khối lớp 3 không hề có 1 học sinh, phòng học đóng cửa từ khi khai giảng

600 HS đồng loạt nghỉ học: Học sinh tha thiết trở lại trường - 6

Học sinh không được tới trường thì chỉ biết chơi suốt ngày.

600 HS đồng loạt nghỉ học: Học sinh tha thiết trở lại trường - 7

Em Trần Văn Trung (bìa trái) chăn bò trong những ngày chờ được tới lớp.

600 HS đồng loạt nghỉ học: Học sinh tha thiết trở lại trường - 8

Ngay tại quán cơm bình dân cạnh đường mòn Hồ Chí Minh, cô bé Phan Thị Ngọc Linh (trú thôn Bình Giang, học lớp 4A, trường tiểu học Hương Bình) với dáng người nhỏ nhắn đang giúp mẹ chạy bàn trong những ngày chưa được tới trường. "Đồ dùng học tập em đã mua đầy đủ rồi chỉ chờ được đi học nữa thôi. Em nhớ thầy cô và các bạn lắm ạ".

600 HS đồng loạt nghỉ học: Học sinh tha thiết trở lại trường - 9

Ở nhà gần 2 tháng nay và không có ai trông coi nên em Dương Kiều Anh (trú thôn Bình Giang, học lớp 2A, trường tiểu học Hương Bình) phải đi theo mẹ ra đồng.

Ngày 12/10, tại trụ sở UBND xã Hương Bình đã diễn ra cuộc đối thoại giữa lãnh đạo huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh với khoảng 300 người dân xã Hương Bình. Đã có 15 ý kiến của người dân và phụ huynh đại diện cho hàng trăm người dân có mặt tham gia cuộc đối thoại đã thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng được giữ lại trường.

Sau khi nghe giải thích từ lãnh đạo huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh, người dân vẫn chưa đồng tình. Đã có một số người dân bỏ về khi cuộc đối thoại đang diễn ra.

Và những ngày sau đó, tình hình vẫn chẳng có tiến triển gì, người dân vẫn tiếp tục dựng rạp phản đối chuyện sáp nhập trường THCS Hương Bình còn gần 600 học sinh vẫn chưa được tới trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thạch Quỳ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN