3 sai lầm dễ mắc phải của thí sinh thi THPT

Chỉ cần đi trễ 15 phút, mang vật dụng không đúng quy định, mắc lỗi khi làm trắc nghiệm... đều có thể khiến thí sinh vuột mất cơ hội tốt nghiệp THPT cũng như vào đại học, cao đẳng sau 12 năm học tập vất vả.

Chỉ còn rất ít ngày nữa, kỳ thi lớn nhất và quan trọng nhất trong năm - kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại TP.HCM cũng như cả nước sẽ chính thức bắt đầu. Đây là kỳ thi có hàng loạt thay đổi so với mọi năm, từ hình thức, đề thi, tổ chức... Do đó đòi hỏi phụ huynh, thí sinh cần chuẩn bị và nắm chắc nhiều lưu ý để tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc.

Đến muộn 15 phút coi như bỏ thi

Theo đó, kỳ thi năm nay sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 24-6 và được tổ chức đồng loạt trên phạm vi toàn quốc. Riêng chiều 21-6, các thí sinh sẽ đến phòng thi để làm thủ tục dự thi và nắm thông tin về kỳ thi như nghe phổ biến quy chế, lịch thi, đính chính sai sót...

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, trong các ngày thi, buổi sáng thí sinh phải có mặt tại điểm thi trước 6 giờ 45 và mang theo các giấy tờ tùy thân cần có như thẻ dự thi, chứng minh nhân dân. Đúng 7 giờ thí sinh lên phòng thi và không được mang tài liệu, các vật dụng cấm vào phòng thi. Buổi chiều, thí sinh có mặt tại điểm thi trước 13 giờ 30 và lên phòng thi lúc 13 giờ 45. Đối với các môn tổ hợp, mỗi môn thi thành phần sẽ cách nhau 60 phút.

Bộ cũng nhấn mạnh trường hợp thí sinh đến muộn 15 phút sau khi đã phát đề sẽ không được vào phòng thi và coi như bỏ thi môn đó. Nơi căn cứ xác định thời gian thí sinh đến là cổng điểm thi. Còn với thí sinh đến muộn sau khi phát đề thi nhưng chưa quá 15 phút tính từ khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài, cán bộ điểm thi ghi nhận vào biên bản thông tin thí sinh đến muộn và cho vào thi bình thường.

Theo quy chế thi, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlas Địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý (do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành). Cùng đó là các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

3 sai lầm dễ mắc phải của thí sinh thi THPT - 1

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: P.ANH

Cẩn trọng với bài thi trắc nghiệm

Điểm quan trọng nhất của kỳ thi THPT quốc gia năm nay là các thí sinh sẽ tham dự với nhiều bài thi, trong đó ngoài ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ, các thí sinh còn thi bài thi tổ hợp môn là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Thậm chí có những thí sinh dự thi cả hai tổ hợp môn, đồng nghĩa với việc sẽ phải tham dự và làm tới chín bài thi.

Đáng nói, chỉ có duy nhất bài ngữ văn là tự luận, còn lại là các bài thi trắc nghiệm. Sau khi phát đề thi, thí sinh phải kiểm tra chất lượng về hình thức của đề thi, để đề thi dưới phiếu trả lời trắc nghiệm và không được xem nội dung đề thi khi chưa được phép. Đến khi thí sinh cuối cùng đã nhận được đề thi thì mới cho phép thí sinh lật đề thi lên để ghi thông tin vào phiếu trả lời, ghi mã đề thi vào hai phiếu thu bài thi và bắt đầu làm bài.

Đối với môn trắc nghiệm, Bộ lưu ý thí sinh không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì trừ vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên phiếu. Thí sinh chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực màu đỏ).

Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với bài tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi.

Với bài thi tổ hợp, thí sinh sẽ làm bài thi theo từng môn thành phần với thứ tự xác định như trên và làm trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm.

“Sau khi hết thời gian làm bài môn thành phần đầu tiên, thí sinh sẽ phải nộp lại đề thi, giấy nháp của môn đó rồi mới thi môn thành phần tiếp theo. Như vậy, thí sinh không phải nộp lại đề thi, giấy nháp đối với môn thi thành phần cuối cùng hoặc với bài thi chỉ có một môn thi như toán, ngữ văn, ngoại ngữ” - Bộ lưu ý.

TP.HCM có hơn 71.000 thí sinh dự thi

TP.HCM có 71.479 thí sinh dự thi tại 114 địa điểm thi với gần 3.000 phòng thi. Trong đó, số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là 3.210 em (chiếm 4,49%), số thí sinh tự do thi để xét tuyển đại học và cao đẳng là 5.681 em, còn lại là các em vừa thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Để phục vụ cho kỳ thi, cùng với chín trường đại học, TP đã huy động hơn 12.000 người, trong đó có khoảng 10.000 cán bộ coi thi, giám sát, thanh tra thi, chấm thi...

Đến thời điểm này, Sở GD&ĐT TP đã phối hợp với các ban ngành như Công an TP, Sở GTVT, Sở Y tế, Sở Điện lực… chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi nghiêm túc, an toàn từ khâu tổ chức, đi lại, vận chuyển đề thi, cơ sở vật chất… Đồng thời, Sở cũng nhiều lần tập huấn rất kỹ cho cán bộ coi thi, lực lượng thanh tra, giám sát và nhân viên phục vụ thi. Các trường, giáo viên đã tổ chức ôn tập chu đáo và phổ biến chi tiết quy chế thi đến từng phụ huynh học sinh để sẵn sàng cho kỳ thi.

Ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

______________________________

Với những trường hợp thí sinh bị ốm, tai nạn trong khi thi, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý: Trường hợp nhẹ có thể điều trị tại phòng y tế điểm thi, không phải đến bệnh viện cấp cứu, trưởng điểm thi phải xin ý kiến trưởng ban coi thi quyết định cho hay không cho thí sinh làm bù thời gian gián đoạn tùy vào thực tế bài thi và thời gian gián đoạn.

Thi THPT quốc gia 2017: Lo ngại sự chủ quan của giám thị

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, trong quá trình diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, lo ngại nhất là sự chủ quan của cán bộ...

------------------------------------------------------------------------------------

TIN TỨC MỚI NHẤT VỀ KÌ THI TUYỂN SINH 2017 VÀ BỘ ĐỀ THI THỬ THPT  ĐƯỢC CẬP NHẬT TẠI DIEMTHI.24H.COM.VN 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Anh (Pháp luật TPHCM)
Bí quyết ôn thi hiệu quả Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN