Phim chuyển thể kịch Shakespeare "cân não" khán giả

Sự kiện: Phim chiếu rạp

Đặc biệt, người xem "Macbeth" còn bị ấn tượng với vai diễn của nam diễn viên Michael Fassbender với những sắc thái tình cảm vừa dữ dội vừa u sầu, vừa khao khát vừa lãnh đạm, vừa độc ác và vừa nhu nhược.

Trong số các vở kịch của Shakespeare, Macbeth được xem là tấn bi kịch vĩ đại và u tối nhất. Nó cũng đặc biệt nhất vì có cấu trúc, nhịp điệu cũng như cách xây dựng nhân vật đi ngược lại với mô típ thường thấy trong các tác phẩm trước đó của đại văn hào.

Mới đây, khi được chuyển thể thành điện ảnh dưới sự dàn dựng của đạo diễn Justin Kurzel, Macbeth đã mang đến cho nam diễn viên Michael Fassbender một màn hóa thân ấn tượng nhất từ trước đến nay trong sự nghiệp của mình.

Bộ đôi “thần sầu”

Một trong những yếu tố hàng đầu giúp nam diễn viên Michael Fassbender tỏa sáng trên màn ảnh chính là nội tâm phức tạp và lòng tham vô độ của nhân vật Macbeth. Macbeth vốn là một vị tướng tài năng, dũng cảm nhưng vì nghe được lời tiên tri rằng mình sẽ trở thành vua, đồng thời bị sự thúc đẩy của vợ nên đã dấn thân vào con đường chiếm đoạt quyền lực, khát máu, giết người vô độ đến không dừng lại được.

Phim chuyển thể kịch Shakespeare "cân não" khán giả - 1

Macbteh và vợ - cặp đôi nhân vật chính gây ấn tượng của phim.

Xem Michael Fassbender diễn xuất trong tác phẩm này, khán giả trung thành gần như không thể nhận ra anh: từ cách gằn giọng, giao chiến cho đến những cuộc độc thoại nội tâm đều như mở ra những chân trời mới về một con người khác hoàn toàn. Nhân vật này đặc biệt, vừa dữ dội vừa u sầu, vừa khao khát vừa lãnh đạm, vừa độc ác vừa nhu nhược nên có thể được xem là một thách thức vô cùng lớn với chính nam diễn viên.

Tuy vậy, xuyên suốt từ đầu đến cuối bộ phim, Michale Fassbender vẫn không hề tỏ ra chút gì nao núng. Anh đã hóa thân vào nhân vật thực sự, làm cho khán giả tin rằng họ đang chứng kiến chính Macbeth thật trên màn ảnh rộng. Đây là điều vô cùng khó với những diễn viên không theo trường pháp “method acting” (xem mình là nhân vật) như Michael Fassbender, nhưng không ai có thể phủ nhận, anh đã thành công.

Phim chuyển thể kịch Shakespeare "cân não" khán giả - 2

Marion Cotillard gây ấn tượng với vai diễn độc ác.

Bên cạnh Michael Fassbender, một diễn viên khác cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong bộ phim chính là Marion Cotillard. “Nàng thơ nước Pháp” có gương mặt kiều diễm, đài các nhưng lại hóa thân thành một nhân vật nanh nọc và vô cùng cay nghiệt: vợ của Macbeth.

Những lời “phun châu nhả ngọc” đắng đau đến độ gây sốc của nhân vật này chính là thứ quan trọng nhất đã đẩy Macbeth vào con đường đấu tranh quyền lực để rồi phải chuốc lấy những kết cục thê thảm. Marion Cotillard từng cho biết, cô đã ước mơ có được vai diễn này khá lâu, nhưng là trên sàn kịch. Còn trong điện ảnh, nữ diễn viên chưa bao giờ nghĩ tới.

Một điểm yếu của nữ diễn viên trong bộ phim này là tiếng Anh của cô không tốt. Tuy vậy, Marion Cotillard đã dành khá nhiều thời gian để trau chuốt cách vận dụng ngôn ngữ của mình sao cho chuẩn xác và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến bạn diễn. Nên nhớ, không có vợ Macbeth thì sẽ không có tấn bi kịch kỳ vĩ ấy trên cả sản diễn lẫn màn ảnh rộng.

Ấn tượng nhưng kén người xem

Khi Macbeth được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 68, cho đến lúc tác phẩm kết thúc, người xem vẫn đứng lại và đồng loạt vỗ tay đến tận 10 phút mới ngưng. Chỉ chi tiết đó thôi cũng đủ làm “ấm lòng” Michael Fassbender, người đã đọc kịch bản đến 200 lần để hóa thân thành nhân vật chính, và đủ để chứng minh Macbeth đã chinh phục được các khán giả chuyên môn.

Thế nhưng, với người xem đại chúng, Macbteh lại không “được lòng” lắm. Việc vận dụng gần như toàn bộ những lời thoại gốc vốn được viết ra cho sân khấu kịch vào bộ phim khiến cho Macbeth trở thành một tác phẩm khá khó hiểu. Những lời nói bay bổng, đầy ẩn dụ có thể nghe rất hay trên sàn diễn nhưng lại làm khán giả vô cùng đau đầu khi ra rạp. Bất cứ một phút lơ là nào với mạch phim cũng đủ để người xem bị “rơi” ra khỏi câu chuyện và khi quay trở lại thưởng thức, họ sẽ không thể hiểu các nhân vật đang nói gì.

Phim chuyển thể kịch Shakespeare "cân não" khán giả - 3

Phim ấn tượng nhưng thuộc dạng "kén người xem".

Bên cạnh đó, chính vì lối thoại dài dòng của thế kỷ thứ 17 được bê nguyên xi vào phim mà Macbeth mất đi hẳn những tình tiết về mặt hình ảnh, thay vào đó, lời nói của nhân vật đã giải quyết hết vấn đề. Hình ảnh trong bộ phim này chỉ là yếu tố phụ (trong khi với điện ảnh thông thường, hình ảnh là số 1), vì vậy, có thể nói đạo diễn Justin Kurzel cùng các nhà biên kịch, sản xuất phải “can đảm” lắm mới làm ra một bộ phim như Macbeth.

Tác phẩm này có thể làm hài lòng hai kiểu người: giới chuyên môn và fan của Shakespeare, nhưng nó lại có tác dụng “gây mê” với những ai "tưởng bở" rằng, đây là một bộ phim hành động sử thi gay cấn.

Phim chuyển thể kịch Shakespeare "cân não" khán giả - 4

Michael Fassbender có dấu ấn mới trong sự nghiệp.

Kỳ thực, Macbeth cũng có những trường đoạn chiến đấu rất dữ dội với âm thanh chát chúa đầy tinh thần chiến tranh. Những cảnh quay hành động cận chiến với hiệu ứng slow motion (quay chậm) cũng lặp đi lặp lại nhiều lần gây ấn tượng mạnh về thị giác với khán giả. Tuy nhiên, những yếu tố đấy, như đã nói, lại bị chìm lấp trước “hào quang” của những câu thoại mà hai diễn viên Michael Fassbender và Marion Cotillard nói ra.

Suy cho cùng, với một bộ phim nghệ thuật thì tháng 11 là lúc hợp lý để phát hành, mở đường tranh giải cho các nhà làm phim cũng như các diễn viên. Với các yếu tố nghệ thuật đậm đặc và tính u tối thấm đẫm bi kịch, Macbeth hứa hẹn sẽ càn quét rất nhiều giải thưởng vào mùa giải cuối năm nay. Đặc biệt, chính bản thân Michael Fassbender cũng hứa hẹn sẽ có được một đề cử Oscar, đồng thời ghi thêm được một dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp diễn xuất của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lukas Nguyễn ([Tên nguồn])
Phim chiếu rạp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN