Sao phải mua điện của Trung Quốc!

Huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo có thể giảm áp lực phát điện các nguồn chi phí đắt và mua từ Trung Quốc.

Bộ Công Thương đang triển khai lấy ý kiến để hoàn thành dự thảo thông tư quy định về trình tự xây dựng, áp dụng biểu giá chi phí tránh được và ban hành hợp đồng mua bán điện mẫu cho các nhà máy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo, dự kiến ban hành trước ngày 10-10. Nhiều ý kiến cho rằng thủy điện nhỏ và điện gió có thể đóng góp một phần đáng kể trong cơ cấu nguồn điện.

Cắt giảm điện Trung Quốc

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri, biện pháp có thể sử dụng nhằm tăng phát điện từ nguồn thủy điện nhỏ là cắt điện nhập từ Trung Quốc. Các dự án thủy điện nhỏ cần được tạo điều kiện để tham gia thị trường điện cạnh tranh, từ đó xem xét cân đối huy động trong nước, giảm mua điện Trung Quốc. “Chỗ nào có thể huy động thủy điện nhỏ thay thế được thì nên làm, chỉ đàm phán mua một phần nhỏ thiếu hụt của Trung Quốc thôi. Chỗ nào huy động được rồi thì cắt luôn” - ông Tri đề xuất.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết hiện nay, sản lượng điện mua từ Trung Quốc khoảng 200 MW, chiếm không đáng bao nhiêu trong tổng hệ thống 34.000 MW. Trong khi đó, toàn bộ công suất thủy điện nhỏ đạt khoảng 4 tỉ KWh, chiếm 2% tổng dung lượng điện hiện nay.

Ông Ngãi kiến nghị xem xét, rà soát lại các thủy điện nhỏ vùng Đông Bắc, Tây Bắc (Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La…) để nắm cụ thể số lượng và công suất. Từ đó, ngoài phần điện do địa phương mua thì EVN phải cân đối lại, dùng nguồn thủy điện này để bù cho phần mua của Trung Quốc. “Không việc gì phải mua điện Trung Quốc khi có sẵn nguồn thủy điện trong nước” - ông Ngãi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành, hợp đồng nhập điện Trung Quốc phải duy trì đến năm 2015. Vì vậy, không thể cắt ngay lập tức mà cần có lộ trình đàm phán để giảm dần.

Điện gió có thể thay thế than, khí

Ông Trần Viết Ngãi đánh giá điện gió là một trong những nguồn năng lượng tái tạo có thể bổ sung vào lưới điện quốc gia, lên tới khoảng 30%-40% cơ cấu nguồn điện. Điện gió có thể thay thế được các nguồn năng lượng không tái tạo như than, khí..., ít nhất vào những mùa gió và tại những vùng có gió.

Sao phải mua điện của Trung Quốc! - 1

Tua-bin gió của Nhà máy Điện gió Tuy Phong - Bình Thuận Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Thực tế, thời kỳ 2011-2012, đã có làn sóng đầu tư vào ngành này sau khi quyết định về cơ chế hỗ trợ điện gió được Chính phủ ban hành năm 2011. Song, đến nay, điện gió mới chỉ dò dẫm những bước đi đầu tiên. Theo Bộ Công Thương, trong số gần 50 dự án đã đăng ký triển khai với công suất 4.876 MW, hiện chỉ có 3 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất 52 MW. Số còn lại hầu hết đang bất động hoặc nhà đầu tư bỏ cuộc.

Nguyên nhân là do Việt Nam vẫn chưa có chiến lược cụ thể nhằm phát triển nguồn điện sạch này, các dự án phần lớn do tư nhân tự triển khai. Do đó, suất đầu tư nguồn điện gió rất cao, ảnh hưởng đến giá thành. “Tua- bin, cánh gió… đều phải mua ở nước ngoài, nhân công lắp đặt cũng phải thuê, tổng giá thành khoảng 3.000-4.000 USD/KW, cao gần gấp đôi so với nhiệt điện than, thủy điện. Trong khi đó, giá điện chỉ 7-8 cent thì không thu được vốn nên các nhà đầu tư co cụm, tháo chạy” - ông Ngãi giải thích.

Theo ông Ngãi, giải pháp trước mắt là phải quy hoạch gió. Trước hết là tổ chức đo gió ở các chiều cao, các vùng miền để biết lưu lượng chi tiết, không thể làm chung chung, từ đó mới có chiến lược cụ thể. Thực tế, tiềm năng gió ở Việt Nam chưa hề được đo đạc, tính toán một cách chính xác. Ngoài ra, cần cơ chế, chính sách để đầu tư kỹ thuật sản xuất linh kiện trong nước bởi các loại như cánh gió, trục…, Việt Nam hoàn toàn làm được hoặc nhập công nghệ về làm, giúp giá thành rẻ hơn.

Theo một doanh nghiệp ngành điện, vướng mắc lớn nhất là ở yếu tố công nghệ. Theo quy định, các dự án phải nhập trang thiết bị công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến nhất mới được phê duyệt. Do đó, nhà nước cần có cơ chế cho doanh nghiệp đấu thầu chọn chủ đầu tư vừa đáp ứng được công nghệ vừa có giá thành phù hợp. Hiện nay, chi phí nhân công, bảo dưỡng trong nước vẫn rẻ nên có thể bù đắp được cho phần đầu tư lớn. Nếu có được sự ưu đãi, cơ chế cụ thể của nhà nước thì các dự án điện gió mới khả thi.

Ninh Thuận: Nhiều tiềm năng điện gió

Theo bản đồ phân bố các cấp độ gió khu vực Đông Nam Á của Tổ chức True Wind Solutions LLC - Mỹ, Ninh Thuận có 14 vùng gió tiềm năng trên diện tích khoảng 8.000 ha. Ninh Thuận là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tiềm năng gió. Vùng gió ở Ninh Thuận tập trung chủ yếu tại các huyện: Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và một phần của huyện miền núi Bác Ái. Tốc độ gió mạnh nhất khoảng 18-20 m/giây (ở độ cao 12 m), thổi đều suốt 10 tháng trong năm, bảo đảm ổn định cho các tua-bin gió phát điện. Trên cơ sở này, tỉnh Ninh Thuận đã lập quy hoạch chi tiết về phát triển điện gió giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Bộ Công Thương phê duyệt vào tháng 4-2013. Theo đó, đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt tích lũy điện gió ở Ninh Thuận khoảng 220 MW.

Theo Sở Công Thương Ninh Thuận, thời gian qua, tỉnh đã kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án điện gió ở những khu vực được quy hoạch. Tỉnh cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án với tổng công suất 674,5 MW, chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án điện gió khác với tổng công suất dự kiến khoảng 840 MW.

 L.Trường

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Dương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN