Vào vườn quốc gia Cát Tiên xem voọc mắc cỡ

Tại vườn quốc gia Cát Tiên gặp biến động, voọc thường ngồi yên và lấy 2 tay che mặt, "mắc cỡ". Còn cu li thì mở cặp mắt to tròn, hiền lành nhìn người lạ trong bóng tối.

Với diện tích rộng hơn 72.000 ha trải dài qua phạm vi hành chính 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai, thêm dòng sông Đồng Nai dài hơn 620 km chảy uốn lượn quanh các cánh rừng già cây gõ đỏ cổ thụ đã tạo cho Vườn quốc gia Cát Tiên một sinh cảnh đặc trưng mang tính chuyển tiếp từ dãy Trường Sơn trước khi hòa nhập vào vùng đồng bằng Mê Kông.

Thiên nhiên hài hòa, môi trường sống đa dạng nên hệ động - thực vật của Cát Tiên rất phong phú, quy tụ nhiều loài quý hiếm, một trong số đó là các loài linh trưởng.

Vào vườn quốc gia Cát Tiên xem voọc mắc cỡ - 1

Khỉ đuôi lớn

Vào vườn quốc gia Cát Tiên xem voọc mắc cỡ - 2

Vượn đen má vàng

Vào vườn quốc gia Cát Tiên xem voọc mắc cỡ - 3

Vượn tại Vườn quốc gia Cát Tiên

Theo ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc VQG Cát Tiên, hiện có hơn 130 cá thể thuộc 5 loài linh trưởng khác nhau là khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, voọc chà vá chân đen, vượn đen má vàng và cu li, đều thuộc nhóm 1B (động vật nguy cấp, quý hiếm). Các chuyên gia về sinh thái cho hay phần lớn các VQG tại Việt Nam chỉ ghi nhận 1, 2 loài linh trưởng đặc trưng của khu vực nhưng Cát Tiên tập hợp được nhiều loài linh trưởng của cả ba miền.

Vào vườn quốc gia Cát Tiên xem voọc mắc cỡ - 4

Voọc chà vá chân đen hiện nằm trong Sách đỏ của thế giới

Vọoc chà vá chân đen là loài ăn lá đặc hữu của Việt Nam và Campuchia, thuộc loại bị đe dọa theo phân cấp của Sách đỏ thế giới. Không linh hoạt như các loài khỉ khác, voọc chà vá chân đen dễ bị động khi có biến động (thường ngồi yên và lấy hai tay che mặt trước các tác động bên ngoài nên được xem là loài “mắc cỡ” nhất trong các loài linh trưởng), vì thế loài này rất dễ gặp nạn.

Vào vườn quốc gia Cát Tiên xem voọc mắc cỡ - 5

Vượn đen má vàng rất nhạy cảm với những thay đổi của môi trường 

Theo TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, vượn đen má vàng là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, ở mức nguy theo Sách đỏ thế giới. Đây là loài có tập tính bảo thủ về lãnh thổ rất cao, nghĩa là nếu vùng sống của bầy bị thu hẹp hay chia cắt, chúng vẫn sẽ tiếp tục ở đó cho dù có nguy cơ cao thay vì di chuyển đi nơi khác. Vượn rất nhạy cảm với những thay đổi của môi trường nên chúng thường được chọn làm loài chỉ thị (là các loài sinh vật mà sự hiện diện và thay đổi số lượng các loài chỉ thị cho sự ô nhiễm hay xáo trộn của môi trường) trong các giám sát về đa dạng sinh học.

Cu li nhỏ cũng có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đây là loài linh trưởng có kích thước nhỏ, chuyên sống về đêm. Cu li nhỏ thường sống trong các khu vực rừng tre nứa hoặc tre nứa xen gỗ. Đây cũng là loài thú dễ bị xâm hại vì bản tính hiền lành, cặp mắt to tròn. Không những vậy, nguy cơ đối với các loài này rất cao vì nạn săn bắn trộm khá nhiều.

Vào vườn quốc gia Cát Tiên xem voọc mắc cỡ - 6

Vào vườn quốc gia Cát Tiên xem voọc mắc cỡ - 7

Vào vườn quốc gia Cát Tiên xem voọc mắc cỡ - 8

Cu li có cặp mắt to tròn và hiền lành, thân thiện

Ông Diện cho hay lực lượng kiểm lâm VQG Cát Tiên đã bắt được khá nhiều vụ săn bắt trộm các loài linh trưởng này, có cá thể còn sơ cứu và tái thả được nhưng cũng có những cá thể bị các đối tượng giết hoặc thui tại chỗ.

Vào vườn quốc gia Cát Tiên xem voọc mắc cỡ - 9

Nạn săn bắt trộm đang đe dọa các loài linh trưởng tại vườn quốc gia Cát Tiên

Cụ thể, trong 2 năm, 2014- 2015, nổi lên khá nhiều vụ “khoe chiến tích” giết hại khỉ, voọc… trên các mạng xã hội khiến dư luận không khỏi nổi giận vì những hình ảnh quá tàn nhẫn. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần rất nhỏ trong vấn nạn săn bắt, giết hại nhóm thú linh trưởng đang diễn ra tại Việt Nam. Lực lượng chức năng cũng bắt quả tang được nhiều vụ, có xử phạt hành chính, có tuyên án tù… nhưng dường như chưa đủ sức răn đe và cảnh tỉnh cho những đối tượng đã và đang săn bắt trộm các loài linh trưởng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Sương - Tăng A Pẩu (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN