Dân phượt máu liều

Họ, với những hoàn cảnh, cuộc đời, sở thích khác nhau nhưng lại có chung niềm đam mê, khao khát chinh phục những không gian bao la: không gian của địa lý, không gian văn hóa và không gian của cảm xúc.

Dân phượt máu liều - 1

Mạnh Duy và khoảnh khắc hạnh phúc khi chinh phục được Everest Base Camp.

Mạnh Duy - Phải lòng Tây Tạng

Người ta nói Duy liều. Không liều sao được khi đang là một phóng viên có “số má” trong làng báo đất Bắc, Duy lại bất ngờ xin nghỉ việc chỉ để xách ba lô lên và đi.

Vốn ưa “xê dịch”, lại rất thích leo núi nên khi được bạn bè rủ rê đi Tây Tạng và Nepal, Duy đồng ý ngay. Chưa xoay đủ tiền, Duy vay ngân hàng gần 100 triệu để thỏa cơn rong ruổi suốt 1 tháng trời.

Và Tây Tạng đã khiến chàng trai sinh năm 1984 này phải lòng ngay từ chuyến đi đầu tiên ấy. Phải lòng từ cảnh đẹp của cung điện Potala ở Lhasa, Jokhang, tới cánh đồng cỏ rộng lớn với những đàn bò, cừu, ngựa đang mải mê gặm cỏ. Phải lòng đến nỗi, sau 4 tháng trở về, rấm rứt không yên, anh chàng lại xách ba lô trở lại Tây Tạng. Lần này, Duy quyết định chinh phục Everest Base Camp, điểm cắm trại ở độ cao hơn 5.000m.

Chuyến đi 15 ngày ấy của Duy tràn ngập cảm xúc. Đó là hạnh phúc khi được tận hưởng những phong cảnh hùng vĩ, mây hòa trong núi tuyết. Đó là thót tim khi đi máy bay tới Lukla - một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới với đường băng dài vẻn vẹn 800m, nơi từng xảy ra nhiều vụ máy bay đâm vào vách núi khi hạ cánh. Đó còn là cảm giác rợn tóc gáy khi cả đoàn đi qua những cây cầu treo vắt vẻo bắc ngang núi và những cảm xúc khó tả khi tới khu tưởng niệm hàng trăm nhà leo núi đã bỏ mạng trên đường chinh phục Everest Base Camp.

“Đã có những lúc tôi tưởng phải bỏ cuộc vì sự khắc nghiệt của thời tiết và điều kiện khó khăn. Nhưng cuối cùng tôi cũng đã làm được. Cảm xúc khi đứng trên độ cao 5.300m rất khó diễn tả, đầy xúc động tự hào”- Mạnh Duy nhớ lại khoảnh khắc chạm tay vào cột mốc Everest Base Camp.

Tuy nhiên, độ liều của Duy không dừng lại ở trạm Everest Base Camp, anh chàng này còn cả gan dám mơ “bê” được Tây Tạng về Hà Nội. Và không chỉ mơ, vượt qua nhiều khó khăn trắc trở, vượt qua những lời can ngăn, sau 8 tháng với thêm 3 chuyến trở lại đất Phật, Duy cùng 2 người bạn của mình đã làm được điều đó.

Không gian Himalayas ở 18 Hàng Rươi của Duy được bài trí vừa ấm cúng, vừa thoát tục, có thể tìm thấy ở đây nhiều vật phẩm đặc trưng cho dòng Phật giáo trên dãy Himalaya hùng tráng như: tranh thangka, chuông chuỳ kim cương hay chuyển kinh luân, sách, ảnh, vòng tay, bùa may mắn, trầm hương, khăn, áo…  Không gian này còn là nơi tụ họp, chia sẻ những kinh nghiệm, kết nối, trợ duyên cho những người muốn đặt chân đến Tây Tạng. 

Với việc mang về Việt Nam hàng trăm bức tranh thangka quý, mời chuyên gia lâu năm về tranh thangka từ Nepal tới Việt Nam để nói chuyện, tọa đàm với các phật tử, những người quan tâm nghệ thuật Mật thừa, Mạnh Duy muốn giúp những người cùng sở thích tiếp cận Phật giáo Tây Tạng từ góc độ văn hoá và nghệ thuật. Cùng những người bạn của mình bỏ tiền tỷ để xây dựng không gian ấm cúng này, với Duy, đó là cái giá quá rẻ cho một cuộc chơi đầy đam mê.

Tháng 5 tới đây, Duy sẽ trở lại chinh phục Kailash, ngọn núi linh thiêng nhất Tây Tạng. Hơn một năm “say” đất Phật, Mạnh Duy đã thực hiện 13 chuyến hành hương. Giờ, với Duy, đi Tây Tạng là về quê, về nhà. Tôi hỏi Duy sao đi nhiều mà không chán. “Nếu Himalaya là một con đường dài bất tận của cả địa lý lẫn xúc cảm và tâm linh thì tôi mới đi được những bước chân đầu tiên. Xứ Tuyết còn quá nhiều điều hấp dẫn và kì bí còn tôi thì thấy mình mới chỉ yêu chứ còn lâu mới hiểu được hết về nó”- Mạnh Duy trả lời.

Dân phượt máu liều - 2

Lê Tùng và “người tình trăm năm”.

Lê Tùng - “Cào cào” xẻ núi

Cao 1m64, nặng 74 kg, thật khó tưởng tượng Lê Tùng lại là một tay “cự phách” trong giới chơi xe cào cào. Là bởi, chiều cao từ yên xe xuống đất đã 94cm, đồng nghĩa với việc, anh chàng này thường xuyên phải chế ngự “cào cào” trong tư thế… chân không chạm đất. Nhưng với Tùng, đó lại là một cảm giác rất… “phê”. Từ cái thời mới tậu được những con xe 2 thì vừa đi vừa sửa, đến nay, qua 6-7 đời đổi xe, Tùng đã sở hữu được một “em cào cào” 250 phân khối. “Nếu như xe máy bình thường giống một con thú nhà dễ bảo thì xe cào cào giống một con thú hoang. Khi đã ngồi lên nó, bạn sẽ phải vừa yêu chiều nhưng cũng phải bản lĩnh thì mới chế ngự được sự hoang dã của nó”- Lê Tùng chia sẻ.

Những chuyến đi của Tùng thường là chinh phục các cung đường xấu, tưởng như chỉ có người đi bộ hay xe đạp mới dám vào. Có đoạn chỉ 30 km nhưng phải mất 1 ngày mới đi hết. Nhóm Dirtbike Friends của Tùng luôn đặt tiêu chí sau mỗi chuyến đi là xe phải… bẩn. Xe càng bẩn, đầu tóc, người ngợm càng tả tơi, lấm lem thì chứng tỏ “nội công” chủ nhân càng lợi hại.

Chuyến đi khiến Tùng nhớ mãi chính là dịp kỷ niệm sinh nhật nhóm năm 2012, anh em Dirtbike Friends quyết định lên đường mặc dù đúng vào thời điểm mùa mưa trên đỉnh Tây Côn Lĩnh 2, một trong những ngọn núi cao nhất Đông Dương và là cung đường hiểm trở, thách thức mọi tay lái cừ khôi.

Từ những khúc cua gấp hoặc dốc đứng cho đến những hố bùn sâu cả mét, càng đi, đường càng hẹp lại, có chỗ chỉ vừa đủ cho một bánh xe qua, có chỗ lại gập ghềnh, đầy sỏi đá. Có chỗ như thách thức anh em với con ngầm nước chảy xiết, bên dưới là vực thẳm.

Có xem những đoạn clip Tùng ghi lại chuyến đi xuyên thác ghềnh ấy mới cảm thấy khiếp cái độ “nghịch dại” của dân chơi “cào cào”. Tuy nhiên, Lê Tùng lại cho rằng: “Anh em trong hội mặc định rằng một tay chơi xe bản lĩnh là người dám xông pha vào những cung đường khó, lầy lội, hiểm trở… chứ không phải là bốc đầu, nhảy nhót, phóng nhanh vượt ẩu trên đường bằng”- Lê Tùng chia sẻ.

10 năm “yêu đương” xe cào cào, Tùng đã đi khắp mọi miền đất nước, xuyên cả Đông Nam Á. Lắm lúc cuồng chân, mấy anh em rủ nhau tối thứ 6 vứt cả người cả xe lên ô tô, hai ngày vi vu xẻ rừng băng núi, tối chủ nhật lại lên xe trở về, sáng thứ 2 vẫn kịp làm nhân viên gương mẫu.

Có một cung đường, Tùng và đồng đội đi mãi không chán, là bởi, chưa bao giờ vượt qua. Đó là cung đường bản Giảo - Tà Số (Mộc Châu), nơi vẫn được coi là tử địa của dân chơi offroad. Cứ đến mùa mưa, đường vào bản bùn lầy cao đến gần yên xe, hùng hục phi vào, nửa đường lại phải thuê người bê xe ra. Như dã tràng xe cát biển Đông nhưng Tùng vẫn thích đi, năm nào cũng đi và chỉ đi vào mùa mưa lũ.

Dân phượt máu liều - 3

Phạm Lan chuẩn bị “cất cánh”.

Phạm Lan - “Đại bàng” rẽ mây

Gặp Phạm Lan trong giờ hành chính, sẽ thấy một nữ nhân viên ngân hàng sơ mi đóng thùng, dịu dàng, giản dị. Khác hẳn một Phạm Lan đầy bản lĩnh, phiêu linh với dù lượn như cánh chim đại bàng sải cánh rẽ mây.

“Lúc đầu nghĩ đến bay cũng sợ, lo lắng và hồi hộp. Nhưng khi nghe hiệu lệnh, tôi nhắm mắt chạy ra khỏi đỉnh núi, khi mở mắt ra đã thấy mình đang ở trên trời”- Lan kể lại. Cảm giác tự do như chim trời, được bẻ gió, luồn mây, thu vào tầm mắt những khung cảnh núi non hùng vĩ, là những cảm nhận khó quên của cô gái sinh năm 1985 trong chuyến bay đầu tiên của mình. 

Nhưng chuyến bay hoành tráng nhất của Lan lại là ở đèo Khánh Vĩnh (Nha Trang), khi là lần đầu tiên cô bay được lên độ cao 1.100m, chao liệng hơn 1 tiếng đồng hồ trên trời. Bị mắc chứng sợ độ cao từ bé nhưng sau một thời gian chơi dù lượn, Lan khỏi bệnh lúc nào không hay.

Để bắt đầu một chuyến bay, Lan luôn phải đội mũ bảo hiểm và đi giày bảo vệ mắt cá chân, lưng đeo dù phụ nặng hơn 10kg. Dù lượn là môn thể thao mạo hiểm nhiều rủi ro nên người chơi phải nắm vững kiến thức về thời tiết, khí động học, nắm vững kỹ thuật bay dù. Với Phạm Lan, khó khăn nhất không phải là lúc bay trên bầu trời mà là lúc hạ cánh. Lan và bạn bè trong đội không ít lần tiếp đất trong tư thế… phi xuống ruộng tắm bùn hoặc mắc lơ lửng trên cành cây.

Giống như loài chim di trú, Lan và đồng đội di chuyển theo mùa gió. Đã nhất là vào khoảng thời gian cuối năm, lúc đón gió mùa Đông Bắc, trời khô ráo, hơi se lạnh được đứng trên đỉnh Đồi Bù mà tung cánh. Tuy nhiên, cũng có những chuyến đi công cốc, hì hục leo lên đỉnh núi nhưng hướng gió lại không thuận lợi. Lúc đó chỉ biết kiên nhẫn mà đợi, cũng có lần mang dù lên rồi lại mang về.

“Muốn chơi dù lượn, bạn phải hiểu về gió, phải có đam mê chinh phục độ cao và một chút phiêu lưu mạo hiểm để làm bạn với bầu trời.”- Lan chia sẻ.

Ở câu lạc bộ dù lượn VietWings, Phạm Lan là của hiếm, bởi không phải chị em nào cũng đủ dũng cảm theo đuổi thú chơi mạo hiểm này. Dù chỉ mới biết “bay” hơn 1 năm nhưng Lan đã sở hữu thành tích khủng với hơn 20 lần “cất cánh”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Hương (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN