Huyền thoại ở Vườn quốc gia Ba Vì

Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) là quần thể núi, rừng nằm sát dòng Đà Giang cuộn chảy tạo nên quần thể núi Tản Viên hùng vĩ. Đây là bằng chứng hiếm hoi chứng minh những huyền thoại trong sự tích Sơn Tinh - Thủy Tinh.

Từ huyền thoại …

Từ ngàn xưa, người dân khu vực Ba Vì đã thờ thần Sơn Tinh - đức thánh Tản Viên tại đền Thượng. Đó là ngôi đền cổ được xây dựng từ thời An Dương Vương, nằm dưới một mái núi ở độ cao 1.227m. Đến thời Vua Lý Nhân Tông, đền Thượng được xây cất với quy mô lớn và tín ngưỡng thờ Thánh Tản Viên lan rộng khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Theo truyền thuyết, để xây dựng đền Thượng, đã phải huy động nguồn nhân lực rất lớn ở hai bên bờ sông Đà, dân chúng nối tay nhau chuyển vật liệu từ sông Đà lên đỉnh núi Tản. Năm 2010, TP. Hà Nội đã khởi công trùng tu lại ngôi đền với quy mô khá hoàn chỉnh, ngôi đền vẫn tựa lưng vào núi tạo thế vững chãi, trang nghiêm và độc đáo, hậu cung chính là vách đá Thắt Cổ Bồng linh thiêng và huyền thoại có từ ngàn đời xưa.

Phía trên mái đá là những cây bách xanh hàng trăm năm tuổi, nhuốm màu rêu phong của thời gian, trông tựa những con rồng đang uốn lượn trên trời xanh vươn mình ra che chở cho cả ngôi đền trước giãi dầu mưa nắng. Cách bên phải ngôi đền hơn 100m, trên vách đá cao du khách còn tận mắt chứng kiến cây bách xanh cổ thụ ngàn năm tuổi được mọc ra từ kẽ nứt trên đỉnh núi thiêng, thân và rễ ôm toàn bộ vào vách đá.

Huyền thoại ở Vườn quốc gia Ba Vì - 1

Du khách và các vị tăng ni phật tử lễ tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh núi Ba Vì

Động thờ công chúa Ngọc Hoa, con gái của Vua Hùng Vương, nằm dưới một vách đá dựng đứng từ hàng ngàn năm nay, ngay cạnh đền thờ thánh Tản Viên. Chưa có công trình khoa học nào chứng minh được, do sự trượt gẫy của địa chất hay những trận chiến của thần Sơn Tinh – Thủy Tinh để hình thành nên một cảnh quan kỳ thú với những tảng đá to lớn được sắp xếp ngay ngắn, vững chãi, tạo nên một am động thiên nhiên kỳ vĩ như vậy, nhưng từ nghìn năm nay, người dân đã xây dựng, tôn tạo nơi đây thành am thờ Ngọc Hoa công chúa.

Đến lịch sử

Ngôi đền thờ Bác xây dựng trên độ cao 1.296m, là đỉnh cao nhất dãy Ba Vì. Để đến được đền thờ Bác Hồ, từ chân núi Ba Vì, du khách phải đi ô tô leo dốc quanh co vượt quãng đường dài hơn 15km, tiếp đó, phải leo hơn 1.320 bậc thang đá bên vách núi. Tới đây du khách như lạc vào cõi thiêng, bởi được đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ vút lên, mốc và rêu xanh bám phủ thân cây, dây leo chằng chịt, sương mù phủ giăng giăng mặc dù vẫn có mặt trời. Ngôi đền mang phong cách kiến trúc truyền thống có 8 mái uốn cong ở bốn phía, dựng trên những chiếc cột tròn trên chân đá tảng…

Từ chân núi Ba Vì, để lên được đỉnh núi ở độ cao 1.269m, phải vượt qua 15km đường rừng quanh co với những cung bậc khác lạ của thiên nhiên. Đứng trên đỉnh núi, chúng ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh dòng Đà Giang và cả TP.Hà Nội với tất cả sự hùng vĩ của thiên nhiên.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã lựa chọn đỉnh núi Ba Vì là nơi an dưỡng lý tưởng cho sĩ quan Pháp. Lý do được người Pháp chọn là nơi đây luôn có khí hậu mát lành suốt bốn mùa, các loài thực vật phong phú, phong cảnh hữu tình. Nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì, chúng ta sẽ cảm nhận được sức khỏe và một tâm hồn thư thái. Nhiều công trình nghỉ dưỡng đã được người Pháp xây dựng như nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí, nhà thờ, cô nhi viện, trại hè, trường thanh niên, các căn cứ quân sự …

Ông Đỗ Thanh Hùng- Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì khẳng định, tại đây còn nhiều công trình, cảnh quan cần được khám phá, nghiên cứu như nhà tù do người Pháp xây dựng trên đỉnh núi để giam cầm các chí sĩ cách mạng, khu trại hè, cánh rừng bách xanh cổ thụ …

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tài Dũng (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN