Vụ nhà thờ tổ nghiệp của Hoài Linh: 3 vấn đề chưa lời giải đáp

Sự kiện: Hoài Linh

Rõ ràng việc xây dựng nhà thờ tổ của Hoài Linh là không đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý của các cơ quan có thẩm quyền còn khiến dư luận có nhiều thắc mắc, trăn trở.

Mấy ngày nay vụ việc xây nhà thờ tổ nghiệp của nghệ sĩ Hoài Linh đã trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Vụ nhà thờ tổ nghiệp của Hoài Linh: 3 vấn đề chưa lời giải đáp - 1

Được biết công trình nhà thờ tổ nghiệp được Hoài Linh dự kiến đầu tư khoảng 100 tỉ đồng.

Mọi người quan tâm xem vụ việc sẽ được xử lý ra sao? Nhà thờ tổ nghiệp của Hoài Linh có bị tháo dỡ hay được tiếp tục xây khi hoàn thiện xong các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xin cấp phép xây dựng? Và còn nhiều vấn đề xung quanh vụ việc khó lý giải khiến nhiều người băn khoăn.

Công trình vi phạm cưỡng chế hay chờ xin phép

Theo quy định của Luật đất đai 2013 thì người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích. Đất mà nghệ sĩ Hoài Linh mua là đất nông nghiệp nhưng đang được dùng để xây dựng công trình là trái với quy định của pháp luật.

Theo quy định của luật đất đai thì đối với công trình xây dựng vi phạm, trái mục đích sử dụng đất thì ngoài việc phải chịu chế tài hành chính còn phải áp dụng biện pháp khôi phục nguyên tình trạng ban đầu, tháo dỡ công trình vi phạm. Nếu không thực hiện thì bị cưỡng chế thi hành.

Thế nhưng mới đây UBND quận 9 TP.HCM đang xử lý theo hướng đình chỉ xây dựng chờ hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Liệu có một sự “ưu ái” hay cơ chế đặc biệt nào ở đây đối với nghề sĩ Hoài Linh không? Trong khi thực tế không ít người dân chỉ cần xây dựng căn nhà nhỏ trên đất không phải là đất ở thì bị phá, dỡ bỏ ngay tức khắc. Thậm chí, nhiều cơ quan hành chính còn huy động cả một lực lượng cưỡng chế hùng hậu để "làm nghiêm" đối với người vi phạm.

Chuyển nhượng đất nông nghiệp có đúng luật?

Sau khi vụ việc được báo chí phản ánh thì mới hay diện tích đất mà nghệ sĩ Hoài Linh là đất nông nghiệp đã được mua thu gom trước đó. Việc chuyển nhượng đất nông nghiệp là bình thường trong xã hội. Nhưng chiếu theo các quy định của Luật đất đai thì nhóm đất này cũng có những điều kiện nhất định mới được chuyển nhượng (nơi cu trú, mục đích sản xuất nông nghiệp...).

Không loại trừ khả năng việc chuyển nhượng đất nông nghiệp theo dạng "hùn" đất của nghệ sĩ Hoài Linh là chưa đúng, chưa phù hợp với quy định pháp luật. Và một câu hỏi lớn đặt ra là ai đã chứng thực, chấp nhận cho việc chuyển nhượng, mua bán đó trở thành hợp pháp. Cần phải lưu ý rằng đây là 7000m2 đất nông nghiệp.

Một điều khó hiểu, sau khi khởi công xây dựng, 6 tháng sau (tức ngày 16-2), UBND quận 9 mới ban hành quyết định xử phạt hành chính về hành vi xây dựng không phép. Ngay sau đó, ngày 19/2, người đại diện của NS Hoài Linh đã đến kho bạc nhà nước Quận 9 để nộp phạt, số tiền hơn 6,2 triệu đồng.

Tranh cãi quanh mục đích xây dựng nhà thờ tổ nghề

Ai cũng biết nghệ sĩ Hoài Linh là một danh hài nổi tiếng và có nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật, cho tiếng cười của xã hội. Điều này đã được xã hội ghi nhận. Thế nhưng, với mục đích xây dựng nhà thờ tổ nghề của Hoài Linh trên quy mô hoành tráng đã gây nhiều tranh cãi.

Nếu Hoài Linh xây dựng trên đất ở, đã được cấp phép thì sẽ không có gì để nói. Nhưng nếu xây dựng không phép và xây dựng trên đất nông nghiệp và lấy lý do là vì mục đích xây dựng nhà tổ nghề để được ưu ái hơn, đặc cách hơn thì lại là chuyện sẽ khiến các nhà chức trách phải đau đầu.

Có lẽ đến tận 6 tháng chính quyền địa phương mới đình chỉ xây dựng công trình của Hoài Linh đã là một sự nhân nhượng. Nhưng nếu cứ nhân nhượng và tạo điều kiện cho Hoài Linh hoàn thành tâm nguyện ấy mà bất chấp các quy định của pháp luật thì e rằng sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, một sự bất bình đẳng trước pháp luật.

Ai dám khẳng định rằng sẽ không có một ông A, một bà B nào đó lại xin cấp phép xây dựng nhà tổ nghề của một nghề nào đó và khi ấy chính quyền sẽ giải quyết ra sao?

Dư luận đang chờ xem chính quyền địa phương sẽ làm gì trước "phép thử" này. Việc nghệ sĩ Hoài Linh sẽ không ồn ào đến thế nếu như mọi thứ đều tuân thủ đúng pháp luật và nếu như đó không phải một công trình đã "rùm beng" từ ngày lên ý tưởng. Nhưng cũng để thấy sau vụ việc này, bản lĩnh, tính kỷ cương, phép nước của những nhà quản lý được thể hiện như thế nào?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhất Phiến ([Tên nguồn])
Hoài Linh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN