Phim truyền hình phía Nam "chết" dần?

Có nhiều cách lý giải khác nhau nhưng với khán giả, nguyên nhân sa sút thấy rõ nhất chính là chất lượng ngày một kém đi của phim truyền hình phía Nam.

Trong khi phim truyền hình phía Bắc đang ăn nên làm ra thì phim truyền hình của các đơn vị sản xuất phía Nam ngày càng khó khăn một cách thảm hại. Điều này hoàn toàn ngược lại với thị trường phim truyền hình nhiều năm trước đây và phim điện ảnh chiếu rạp hiện nay. Nguyên nhân ở đâu?

Tại anh, tại ả

Trước đây, các nhà sản xuất phim phía Nam tập trung đầu tư vào phim truyền hình và được xem là thị trường chính thể loại này, tạo nhiều tác phẩm ấn tượng. Nhưng nay, họ rơi vào tình trạng khó khăn. Các nhà sản xuất phim truyền hình tại TP HCM thừa nhận thị trường phim truyền hình tại đây đang trong tình trạng ảm đạm. Hầu hết các đơn vị sản xuất đều phải cắt giảm số lượng lớn phim sản xuất trong năm hoặc chuyển hướng kinh doanh để giải quyết tình trạng thua lỗ.

Thị trường phim Việt đang có sự phát triển ngược chiều, phía Nam thành trung tâm sản xuất phim điện ảnh chiếu rạp, phân phối cho hệ thống rạp chiếu cả nước. Phía Bắc mà Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) đại diện chính đã nỗ lực đầu tư cho phim truyền hình, đạt hiệu quả cao, liên tiếp gặt hái thành công với các phim: "Zippo, mù tạt và em", "Tuổi thanh xuân", "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng"...

Cảnh trong phim “Sống chung với mẹ chồng”. (Ảnh cắt từ phim)

Cảnh trong phim “Sống chung với mẹ chồng”. (Ảnh cắt từ phim)

Trước thực trạng thị trường phim truyền hình ở phía Nam giảm sút trầm trọng, một số ý kiến cho rằng nguyên nhân do diễn viên chạy sô nhiều; không tập trung diễn xuất, đạo diễn và ê-kíp thực hiện làm nghề không nghiêm túc, chạy theo số lượng mà không quan tâm nhiều đến chất lượng nên dẫn đến chất lượng phim lên sóng không như trước đây. Nhưng ý kiến này nhanh chóng bị phản bác bởi người trong giới. "Không thể đổ lỗi cho diễn viên, đạo diễn được vì thị trường phim truyền hình phía Nam rơi vào tình trạng như hiện nay là do nhiều yếu tố tác động. Game show được khán giả yêu thích thu hút các nguồn quảng cáo là một trong những nguyên nhân khiến phim truyền hình sụt giảm. Thêm đó, vào thời điểm hoàng kim, phim truyền hình sản xuất ồ ạt, nhiều sản phẩm tệ lên sóng dẫn đến khán giả mất niềm tin, chán ngán" - đạo diễn Võ Việt Hùng giải thích.

NSƯT - đạo diễn Lê Cung Bắc cũng bác bỏ các ý kiến cho rằng đạo diễn là người chịu trách nhiệm chính cho thực trạng sụt giảm của phim truyền hình phía Nam. Ông cho rằng tình trạng phim truyền hình đi xuống là vì nhiều lý do, từ khâu kịch bản, kinh phí sản xuất, nhà đầu tư... Đạo diễn hiện nay chịu tác động nhiều từ phía nhà sản xuất, bị áp lực về thời gian và các yếu tố khác. Họ không phải một mình tạo ra tác phẩm mà đó là một dây chuyền sản xuất có nhiều khâu, nhiều mắt xích.

Theo nhà báo, nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long, làm phim kiểu thị trường hiện nay rất khó cho đạo diễn vì họ không có thời gian chăm chút tác phẩm của mình do phải chạy theo tiến độ, "đánh nhanh, rút gọn", không phát sinh thêm chi phí. Đạo diễn không còn vị thế như trước đây, nhà sản xuất mới là người quyết định.

Có nhiều cách lý giải khác nhau về sự sa sút này theo góc nhìn có lợi cho mỗi bên liên quan nhưng với khán giả, nguyên nhân sa sút thấy rõ nhất chính là chất lượng ngày một kém đi của phim truyền hình phía Nam. Một khi chất lượng không còn hấp dẫn người xem thì lượng quảng cáo giảm. Cứ xem lượng quảng cáo đổ vào phim "Sống chung với mẹ chồng" và "Người phán xử" đã và đang phát sóng trên VTV sẽ thấy nhà quảng cáo biết chọn phim để đầu tư như thế nào. "Người phán xử" thu 3 tỉ đồng quảng cáo/tập phim, trong khi kinh phí sản xuất mỗi tập phim là 500 triệu đồng. Phim "Sống chung với mẹ chồng" thu hơn 2 tỉ đồng quảng cáo/tập phim, trong khi kinh phí sản xuất mỗi tập 150 triệu đồng. Vì vậy, nguyên nhân khiến quảng cáo trong phim truyền hình phía Nam giảm là do chất lượng phim kém.

Giải pháp kịch bản

Nhiều người trong giới cho rằng mấu chốt vẫn là kịch bản. Một thời, phim truyền hình phía Nam dựa vào diễn viên ngôi sao, đạo diễn tên tuổi để ăn khách nhưng nay thị hiếu khán giả đã thay đổi. Họ cần một câu chuyện hợp lý. Vào thời điểm người bán nhiều hơn người mua, món ăn không chỉ cần có hình thức mà còn có chất lượng ở nội dung. Phim truyền hình phía Nam cũng từng có những phim có kịch bản tốt, diễn viên diễn xuất đạt, chinh phục được khán giả: "Gọi giấc mơ về", "Cổng mặt trời", "Hương phù sa"... nhưng càng về sau càng yếu kém.

"Người phán xử" là phim Việt hóa kịch bản nước ngoài, còn "Sống chung với mẹ chồng" cũng được chuyển thể từ tiểu thuyết Trung Quốc. Cả hai phim được khen ngợi về kịch bản dù cũng có những ý kiến trái chiều. Rõ ràng kịch bản trở về đúng vị trí của nó, giữ vai trò quan trọng trong một phim chứ không phải như trước" - bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, nhận định.

Theo bà Thủy, muốn cải thiện tình hình biên kịch, cần tăng thù lao và thời gian cho bộ phận này. Diễn viên Trịnh Kim Chi cũng cho rằng nguyên nhân phim xuống cấp ngoài kinh phí, những yếu tố khác, kịch bản rất quan trọng. Nếu phim có nội dung tệ, khán giả không xem và nhà tài trợ, quảng cáo cũng dần bỏ đi. Theo chị, các bên liên quan nên ngồi lại để tìm giải pháp cho vấn đề này.

"Một số ý kiến cho rằng gió đã đổi chiều, thị trường phim ảnh phía Bắc đang nắm thế thượng phong. Có phải thật như thế không? Tôi không nghĩ vậy. Nói chính xác đây là nỗ lực vượt thoát ngoạn mục và có phần riêng lẻ của VFC chứ không phải cả thị trường phim ảnh miền Bắc. VFC đã xác lập lại cuộc chơi và vào thời điểm này, họ đã vươn lên dẫn đầu. Nhưng tương lai, thị trường phim ảnh phía Nam vẫn mang tính quyết định" - ông Nguyễn Quốc Hưng - đạo diễn, Phó Giám đốc Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS) - tự tin nói tại hội thảo trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế phim và Công nghệ truyền hình Việt Nam - Telefilm 2017. 

Nhà đài cũng góp phần

Các nhà sản xuất phim truyền hình phía Nam cho biết 10 năm trước, các nhà đài phía Nam trả cho nhà sản xuất 180 triệu đồng/tập phim. Đến nay, con số này không tăng mà còn có nguy cơ giảm trong khi mọi chi phí tăng gấp nhiều lần. Trước đây, nhà đài còn đưa cho nhà sản xuất 30% chi phí; còn hiện nay, họ không ứng tiền, chỉ thanh toán sau 75 ngày với điều kiện phim đạt rating (lượng người xem) theo thỏa thuận 1.3, 1.5, 2.0... và lượng quảng cáo đủ chuẩn. Nếu nhà sản xuất không "chạy" được lượng quảng cáo đủ sẽ phải chịu phạt với chỉ tiêu quảng cáo tăng lên, hoàn thành mới được nhận tiền. Nhà sản xuất phân tâm nhiều phía, phim làm ra chậm thu hồi tiền, phải tìm hướng khác để đầu tư.

"Ngay TFS cũng rơi vào khó khăn và vắng bóng trên màn ảnh nhỏ mấy năm nay. Họ chỉ mới trở lại với phim "Lẩn khuất một tên người" nhưng cũng không phải tác phẩm mới mà được quay từ vài năm, giờ mới phát sóng. Trong khi đó, VFC của đài quốc gia vẫn được giữ vững, họ có được ngân sách để đầu tư chỉn chu cho các tác phẩm của mình, hiệu quả đạt được là tất yếu. Các đài phía Nam dành giờ vàng cho game show, truyền hình thực tế hết, trong khi đài quốc gia vẫn giữ khung giờ đẹp cho phim truyền hình" - nhà báo, nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Khuê ([Tên nguồn])
Hậu trường phim Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN