Đánh giá điện thoại Honor 4C: Phù hợp với tầm giá

Honor 4C có thiết kế đẹp, cầm đầm tay và cấu hình tốt trong tầm giá.

Thiết kế

Honor 4C có màn hình rộng 5-inch - không quá nhỏ và cũng không quá lớn, cầm đầm tay và có thể sử dụng dễ dàng bằng một tay. So với các đối thủ cùng tầm giá, Honor 4C được hãng sản xuất trau chuốt hơn ở khâu thiết kế với mặt sau là các đường nét chạm khắc laser tinh xảo. Kiểu thiết kế này giúp mặt sau trông giống như kim loại sang trọng, nhưng thực tế là vỏ nhựa.

Tuy lớp vỏ sau và thân máy trông khá khít nhau như một smartphone nguyên khối, nhưng lớp vỏ sau có thể tháo ra dễ dàng. Ngoài ra, 2 khe SIM và khe cắm thẻ nhớ cũng được trang bị phía trong thân máy thay vì "phô" ra ở các cạnh bên.

Đánh giá điện thoại Honor 4C: Phù hợp với tầm giá - 1

2 khe cắm SIM và 1 khe gắn thẻ nhớ ở bên dưới nắp lưng.

Ở mặt sau, camera chính và đèn flash được thiết kế thành một cụm bo tròn khá đẹp mắt và hơi lồi ra so với bề mặt. Ở mặt trước, ba phím cảm ứng quen thuộc được thiết kế ở cạnh dưới nhưng không có đèn nền là một nhược điểm khi sử dụng smartphone trong bóng tối.

Đánh giá điện thoại Honor 4C: Phù hợp với tầm giá - 2

Honor 4C.

Nhìn tổng thể, Honor 4C có thiết kế đẹp. Ngoài ra, Honor 4C còn có thêm một số điểm cộng khác trong thiết kế, như khung viền màn hình bằng kim loại cứng cáp, độ khả dụng của màn hình rộng, cạnh máy được tối giản các khe kết nối và nút bấm.

Hiệu năng

Honor 4C được trang bị vi xử lý 8 nhân 64-bit Kirin 920 xung nhịp 1.2GHz, RAM 2GB và bộ nhớ trong 8GB. Theo hãng sản xuất, Honor 4C đạt tốc độ xử lý cao hơn 40% so với các sản phẩm cùng phân khúc. Còn thực tế bài chấm điểm, so sánh giữa Honor 4C, Lenovo A7000 và Alcatel Onetouch Flash Plus bằng công cụ AnTuTu Benchmark, cho thấy, Honor 4C cho khả năng xử lý đa nhiệm nhỉnh hơn Lenovo A7000 và Alcatel Onetouch Flash Plus một chút.

Đánh giá điện thoại Honor 4C: Phù hợp với tầm giá - 3

AnTuTu Benchmark chấm Honor 4C được 27.166 điểm.

Lenovo A7000 và Alcatel Onetouch Flash Plus cùng được trang bị vi xử lý 8 nhân xung nhịp 1.5GHz và 2GB RAM. Xét về mức giá, cả ba sản phẩm này cùng thuộc phân khúc trên dưới 3 triệu đồng khi Honor 4C có giá bán gần 3 triệu đồng, Lenovo A7000 có giá gần 3,5 triệu đồng và Acatel Onetouch Flash Plus có giá hơn 3,1 triệu đồng.

Thực tế trải nghiệm Honor 4C cho các tác vụ nặng nề thì máy vẫn có khả năng đáp ứng tốt. Chẳng hạn, máy không giật, lag khi chơi game Asphalt 8 ở chế độ hiệu ứng hiển thị cao nhất, song máy nóng lên khá nhanh. Với tác vụ lướt web, Honor 4C tải trang nhanh chóng và cho thao tác mượt mà.

Ngoài ra, thao tác cảm ứng cũng nhạy và chính xác. Thử nghiệm cảm ứng đa điểm với 10 ngón tay, máy đáp ứng tốt.

Camera, microphone, loa

Honor 4C được tích hợp camera chính 13MP kèm đèn flash trợ sáng, camera trước 5MP. So với các đối thủ cùng phân khúc, chất lượng hình ảnh của Honor 4C tỏ ra vượt trội hơn hẳn. Cụ thể, mặc dù vẫn bị nhiễu hạt khi chụp thiếu sáng nhưng chất lượng ảnh đã được cải thiện; còn ở môi trường đủ sáng, ảnh chụp cho màu sắc trung thực, độ bão hòa màu tốt.

Camera sau của máy còn cho phép quay phim Full HD. Ứng dụng Camera đi kèm thì tích hợp thêm tính năng chụp ảnh Beauty với thuật toán giúp làm mịn và đẹp da.

Máy được trang bị vi xử lý âm thanh Hifi DSP (Digital Signal Processing), micro kép cùng chuẩn âm thanh vòm DTS (Digital Theater System) Surround 5.1.m. Âm thanh nghe, gọi bằng micro và loa trong khá rõ. Riêng loa ngoài có thể phát to song vẫn chưa thể hiện rõ âm bass. Ngoài ra, cách thiết kế loa ngoài ở mặt lưng là một nhược điểm trong trường hợp đặt máy xuống bàn khi đang bật nhạc.

Màn hình

Màn hình 5-inch của Honor 4 sử dụng tấm nền IPS và có mật độ điểm ảnh 294ppi, cho khả năng hiển thị hình ảnh mịn nhưng độ sáng chưa thật sự cao. Ngoài ra, tỉ khả dụng của phần màn hình cảm ứng so với toàn bộ bề mặt màn hình khá rộng.

Pin

Theo hãng sản xuất, thỏi pin bên trong Honor 4C có dung lượng 2.550mAh, sử dụng công nghệ Smart Power 2.5 giúp tiết kiệm hơn 30% so với các smartphone thông thường. Thời gian sử dụng tối đa của Honor 4C lên đến 80 giờ, và 50 giờ ở mức sử dụng trung bình, 28 giờ ở cường độ sử dụng cao hơn. Thực tế sử dụng cho thấy thời lượng pin tốt, đảm bảo hơn một ngày sử dụng cho các tác vụ cơ bản.

Đánh giá điện thoại Honor 4C: Phù hợp với tầm giá - 4

Thỏi pin 2.550mAh khá lớn.

Ưu điểm:

- Ngoại hình đẹp.

- Cấu hình mạnh so với mức giá.

- Cảm ứng nhạy, mượt mà.

- Camera chụp ảnh trung thực và chụp thiếu sáng tốt.

- Thời lượng pin ấn tượng.

Nhược điểm:

- Không có đèn LED ở 3 phím điều hướng.

- Loa ngoài chưa thật sự ấn tượng.

- Bộ nhớ trong 8GB là khá khiêm tốn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN