Mang bệnh này, không dám mặc áo cộc tay, xuống bể bơi

Bệnh vảy nến là bệnh hệ thống và người bệnh đều không có hi vọng khỏi bệnh, chỉ có thể sống chung với nó. Căn bệnh mang đến cho người ta nỗi đau không nói nên lời.

Mang bệnh này, không dám mặc áo cộc tay, xuống bể bơi - 1

Hình ảnh bệnh vảy nến ở cánh tay.

Không dám ngủ với chồng

Vén tay áo, ống quần lên, chị Trương Thị Nga 43 tuổi trú tại Hà Nội khiến chúng tôi giật minh vì căn bệnh vảy nến mà chị đã mắc 14 năm nay.

Chị Nga cho biết, sau khi sinh đứa con thứ 2, tự nhiên chị thấy da mình sẩn đỏ và bắt đầu những đợt “lột xác”. Vùng da bị tổn thương ngày càng lan rộng chị Nga đi khám bác sĩ cho biết đó là bệnh vảy nến, bệnh không chữa khỏi hoàn toàn.

Căn bệnh mãn tính chị Nga chấp nhận được nhưng những bất tiện nó mang lại cho chị thì sống còn không bằng chết. Vì là bệnh toàn thân, lúc ấy chị đang làm giáo viên mầm non nên các bậc phụ huynh đã gửi đơn lên trường không cho chị dạy học nữa. Chị được điều chuyển xuống bộ phận nấu ăn nhưng cũng không được bởi vì mỗi lần đến kỳ “lột da” nhất là vào mùa hè bị ngứa, vảy tróc ra nhìn rất kinh. 

Người thân của chị còn sợ nói gì đến các bậc phụ huynh. Chị Nga phải nghỉ dạy ở nhà. Từ ngày bị bệnh, chị Nga không bao giờ dám nằm chung với chồng. Thậm chí mỗi lần nhà có khách đúng đợt bệnh tái lên thì chị Nga không dám ngồi ăn cơm cùng.

May mắn cho chị là bố mẹ chồng hết mực thương yêu và thông cảm nên ông bà lúc nào cũng động viên chị. Nếu như không nhận được sự thông cảm từ họ chắc chị Nga chẳng dám nghĩ đến sự sống của mình. Còn chuyện chăn gối, từ ngày bị bệnh chị và chồng ngủ riêng. Chị nói ‘tôi vén tay thế này bản thân mình còn sợ nói gì đến người khác. Bị vảy nến toàn thân nó khổ không nói nên lời được”.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Hường quê ở Thái Bình cũng thế. Chị Hường bị vảy nến toàn thân. Lúc đầu người ta tưởng bệnh lây như hủi, cả gia đình hắt hủi không dám lại gần chị. Mỗi lần ngủ dậy, chị ê chề đau đớn khi giường chiếu, chăn màn dính toàn những lớp vảy tróc ra từ mình.

Chồng chị Hường đã bỏ nhà vào nam lấy vợ ở đó. Cô con gái nhỏ của chị phải gửi về nhà ngoại. Một mình chị vừa kiếm tiền vừa chữa bệnh. 8 năm không phải là quá dài những cả 8 năm nay chị sống trong nước mắt.

Ở quê, chị không dám đi ăn cỗ ở đâu. Người ta cũng sợ mỗi khi chị đến. Sự kỳ thị còn ghê gớm hơn cả căn bệnh HIV của 20 năm trước. Chị Hường đã nhiều lần nghĩ đến cái chết. Mỗi lần gặp bác sĩ, chị lại được họ động viên an ủi nên cũng đỡ nghĩ tiêu cực hơn.

Sợ vì bị lây

Biểu hiện và biến chứng của bệnh vảy nên rất nguy hiểm. Bệnh nhân có thể đỏ da toàn thân, sưng mủ rồi chuyển sang tổn thương móng, sưng đau các khớp, biến dạng khớp, chân đau không đi lại được, rối loạn chuyển hóa dẫn đến các bệnh như: Tiểu đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch, rối loạn tâm lý do trên cơ thể người bệnh bị viêm da không được khống chế nên ảnh hưởng đến toàn thân. Những biến chứng này còn có thể dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim, tăng mỡ trong máu...

Ông Trần Hồng Trường – Chủ tịch hội Vẩy nến Việt Nam cho biết hiện nay việc cần quan tâm nhiều nhất đó là làm thế nào để người bị bệnh vảy nên tự tin hơn trong cuộc sống và xã hội không còn kỳ thị nữa.

Bình thường, bệnh vảy nến xuất hiện trên cơ thể, những người bệnh nặng thì đỏ da toàn thân, người bình thường họ nhìn thấy bệnh nhân này thì rất ghê sợ. Đó cũng là bình thường, nhưng xã hội không hiểu biết thì người ta sẽ kỳ thị. 

"Sự kỳ thị ấy sẽ dẫn đến những chuyện là bệnh nhân ở trong Hội của chúng tôi có những người bị vợ bỏ, chồng bỏ; có những cháu đi học bị các bạn trêu đùa, trêu ghẹo… Hoặc có những trường hợp đi đến chỗ công cộng như bể tắm là không được tắm. Đó là những câu chuyện đã xảy ra. 

Tại Việt Nam người ta sợ vẩy nến vì họ sợ lây. Có những người phải ăn riêng, giặt quần áo riêng vì họ sợ bị lây cho những người khác. Trong vô số các lý do, việc sợ lây cũng la điều dễ thông cảm. Nhưng hiện nay khoa học đã chứng minh bệnh vảy nên không lây như người ta vẫn nghĩ. Việc bệnh nhân an tâm điều trị là một trong những điều tốt nhất để tránh các biến chứng do bệnh gây ra" - Ông Tường chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN