Phiếm đàm: Bình đẳng giới trong chuyện trinh tiết

Xưa nay, ở bên Tây thì không biết, chứ ở xứ ta mỗi khi nói đến chuyện “trinh tiết” người ta liên tưởng ngay đến trách nhiệm của phụ nữ.

Sự gán ghép cứ như đúng rồi ấy đã khiến nhiều người tin rằng giữ trinh tiết là sứ mệnh cao cả của riêng của phụ nữ, còn đàn ông thì chả có nghĩa vụ gì, đã thế lại còn có thêm quyền đòi hỏi phụ nữ phải giữ gìn trinh tiết.

Sự bất công này bắt nguồn từ đâu? Thực tế chưa có đề tài nghiên cứu khoa học nào chứng minh một cách thuyết phục. Tuy nhiên, để lý giải một cách sơ bộ, ta có thể nôm na bằng một câu “tình gian lý ngay”.

Bởi lẽ, trong thâm tâm của cả nam và nữ, trước hết cả hai đều mong muốn “người kia” của mình còn trinh trắng. Mặt khác, cả hai đều muốn che giấu đi “những việc đã rồi” của mình. Xét trên cả hai phương diện này thì đàn ông đều có lợi thế hơn trong việc... chứng minh trinh tiết. Phụ nữ thì luôn rõ ràng “giấy trắng mực... đỏ”, rất khó gian lận. Trong khi đàn ông thì lúc nào cũng “như mới”, có vấn đề gì là sẵn sàng chối bay chối biến. Vậy nên phụ nữ nếu có nghi ngờ về sự trong trắng của đàn ông thì cũng rất khó tìm chứng cứ, cuối cùng đành phải im lặng trong ấm ức. Tóm lại, vì khó chối cãi nên phụ nữ mới bảo nhau cố gắng cắn răng giữ gìn trinh tiết. Còn đàn ông vì dễ bề chối cãi nên họ không quan tâm đến việc giữ gìn.

Tuy nhiên, ngày nay, khi mà nam nữ bình đẳng thì phụ nữ cũng đấu tranh quyết liệt đòi công bằng ngay cả trong vấn đề tế nhị này. Có hai xu hướng mà phụ nữ đòi công bằng, tương ứng với hai phương diện tâm lý kể trên, đó là:

Thứ nhất là xu hướng muốn che giấu quá khứ. Ngày xưa phụ nữ muốn che giấu quá khứ “từng trải” của mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hoặc là chị em phải tạo hiện trường giả, hoặc là phải làm cho đối phương mất “năng lực hành vi” không có khả năng nhận biết để rồi nhanh chân tẩu tán hiện trường.

Ngày nay, nhờ sự can thiệp của công nghệ, việc che giấu trở nên vô cùng đơn giản. Tùy vào khả năng tình trường của đối phương, tùy vào khả năng tài chính của mình mà chị em có thể lựa chọn dùng đồ giả hoặc là trinh tiết... tái tạo. Anh em có từng trải đến đâu, có tinh vi cỡ nào thì câu chuyện “màng thưa che mắt thánh” cũng vẫn tồn tại. Và chị em cũng yên tâm rằng sẽ có “lần đầu tiên” với... tất cả những người mình yêu, nếu muốn.

Thứ hai là xu hướng muốn kiểm tra sự trinh tiết của nam giới cho công bằng. Biết rằng khó như mò kim đáy bể nhưng nhiều chị em vẫn muốn bằng cách nào đó để kiểm tra xem người đàn ông của mình có còn trinh trắng? Các chuyên gia khuyên can rằng, nếu muốn tìm “dấu vết” chính xác của chàng thì khó khăn chả khác nào đi tìm dấu vết sự sống trên sao Hỏa.

Tuy nhiên, vẫn có thể dựa vào yếu tố tâm lý và kỹ năng kỹ thuật của chàng để đánh giá một cách tương đối. Thần thái của chàng trai lần đầu lâm trận rất khó mà làm giả. Sự lúng túng cộng với kỹ thuật vụng về, chưa đến chợ đã hết tiền... là dấu hiệu khá tin cậy về trinh tiết của chàng trai.

Tất cả chỉ là tương đối. Khi mà “giấy trắng mực đen” rành rành cũng có thể làm giả được thì mọi chứng cứ đều trở nên vô dụng. Kéo theo đó, khi mà không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả thì đồ thật cũng không còn tác dụng gì, và điều nên làm là không nên quan tâm đến nó nữa. Công nghệ làm giả có lẽ đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo bình đẳng giới, vì nó khiến cho cả nam và nữ dần không còn quan tâm đến chuyện trinh tiết.

HienMQ

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN