Thị trường thương mại điện tử sôi động dịp cuối năm

Sau khi Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tổ chức phát động ngày mua sắm Online Friday 2014, thị trường thương mại điện tử trong nước sôi động hẳn.

Sau mùa mua hàng giảm giá "khủng" tại Mỹ với các tên gọi như Black Friday, Cyber Monday nhân dịp Lễ Tạ Ơn, thì tại Việt Nam cũng đã lần đầu tiên xuất hiện ngày Online Friday. Online Friday do Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tổ chức phát động.

Sự kiện Online Friday hoạt động tương tự Black Friday và Cyber Monday với hàng ngàn mặt hàng bán giảm giá đến từ hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động trong nước. Tuy nhiên, trang Online Friday sẽ dẫn người dùng về trang web của doanh nghiệp bán sản phẩm giảm giá thay vì là một trang quản lý cả giao dịch người dùng.

Thị trường thương mại điện tử sôi động dịp cuối năm - 1

Trang web chính thức của Online Friday.

Khảo sát vào 18h30 ngày 5/12, trang web bán hàng của sự kiện Online Friday đã thu hút 1.022 doanh nghiệp tham gia và 3.272 mặt hàng đang giảm giá. Không chỉ vậy, hàng loạt trang thương mại điện tử khác tại Việt Nam cũng đã hưởng ứng sự kiện này bằng cách bán giảm giá sản phẩm ngay trên trang web chính thức của mình.

Theo chia sẻ từ một doanh nghiệp có tham gia sự kiện này, công ty đã kiểm duyệt rất kỹ các mặt hàng bán giảm giá cho người dùng thông qua Online Friday. Doanh nghiệp này cũng khẳng định, không có chuyện tăng giá lên rồi giảm giá ảo.

Thị trường thương mại điện tử sôi động dịp cuối năm - 2

Một trong các trang thương mại điện tử cũng hưởng ứng ngày Online Friday năm nay.

Cũng trong ngày Online Friday của Việt Nam, ông Trần Vinh Nhung - Phó Giám đốc Sở công thương TP.HCM đã tham dự lễ ký kết đầu tư từ 3 công ty của Nhật Bản là SBI Holdings, econtext ASIA và BEENOS vào trang thương mại điện tử Sendo.vn của Tập đoàn FPT. Theo ông Nhung, Việt Nam hiện có trên 20 triệu smartphone đang hoạt động cùng với kết nối internet ở khắp mọi nơi, đó là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của thương mại điện tử.

Theo thông tin chia sẻ từ đại diện FPT thì 3 công ty trên sẽ nắm giữ 1/3 giá trị của Sendo.vn, còn Sendo.vn sẽ khai thác mạng lưới khách hàng của các công ty trên. Trong khi đó, econtext ASIA cho biết, công ty này sẽ hỗ trợ Sendo.vn trong việc áp dụng các công nghệ thanh toán trực tuyến tại Nhật Bản và về vấn đề an ninh mạng.

Trước Sendo.vn, các trang thương mại điện tử khác như Lazada cũng đã nhận được những khoản đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD.

Qua đó có thể thấy, cuộc đua giữa các trang thương mại điện tử trong nước đang ngày càng nóng lên. Đặc biệt với sự phát động ngày hội mua sắm Online Friday, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam hứa hẹn sẽ khởi sắc trong tương lai, trước mắt là mùa mua sắm cuối năm nay.

Theo Sách Trắng về Công nghệ thông tin - Viễn Thông Việt Nam năm 2014, Việt Nam xếp thứ 3 trong khối Đông Nam Á, thứ 7 tại châu Á và thứ 18 trên thế giới về số người sử dụng internet, với hơn 4 triệu người dùng mỗi ngày. Đây là yếu tố mang lại tiềm năng tăng trưởng rất lớn đối với việc phát triển mua sắm qua mạng. Doanh   thu của mảng thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đang tăng theo các năm, và đạt 2,2 tỷ USD vào năm 2013. Dự kiến con số này sẽ đạt đến 4 tỷ USD vào năm 2015.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN