Ngôn ngữ teen... Vấn đề muôn thuở

Vấn đề “ngôn ngữ teen” đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Thế nhưng, đâu vẫn vào đấy… và vấn nạn này ngày càng khó kiểm soát hơn.

“Nhanh - gọn - lẹ”, đó là lời giải thích của đông đảo bạn trẻ đã và đang sử dụng ngôn ngữ teen trên môi trường Internet. Thực tế, cũng chẳng có một quy định, ràng buộc nào ép người gửi phải gõ đúng chính tả từng từ, từng dấu câu. Vì thế, các bạn trẻ cứ vô tư gửi cho nhau những dòng chữ qua Facebook, blog, tin nhắn điện thoại sao cho tiết kiệm tối đa thao tác gõ phím; nhưng vấn đề đáng lo ngại là sự biến tấu một cách vô tội vạ một số từ ngữ Tiếng Việt.

Mặc dù những từ ngữ “gọn gàng” như trên sẽ giúp các bạn trẻ rút ngắn thời gian khi giao tiếp, nhưng hệ lụy để lại thì khó lường trước được. Tai hại hơn là khi ngôn ngữ teen trở thành thói quen khó bỏ và được các bạn học sinh, sinh viên vô ý sử dụng trong bài học, bài thi.

Ngôn ngữ teen... Vấn đề muôn thuở - 1

Ngôn ngữ teen đang thâm nhập sâu vào mỗi người dùng Internet. (Ảnh minh họa: Google)

Ngôn ngữ teen bóp méo Tiếng Việt

Trước hết, có lẽ ai ai cũng đều phải công nhận ngôn ngữ teen đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự trong sáng của Tiếng Việt. Tiếng Việt rất phong phú ở âm, vần và dấu câu, nhưng chắc chắn sẽ khó mà chấp nhận ý nghĩa của những từ ngữ teen trong từ điển Tiếng Việt. Thậm chí có những từ ngữ đã tồn tại trong từ điển, giờ đây được giới trẻ sử dụng với một ý nghĩa hoàn toàn khác.

Bên cạnh đó, không ít từ ngữ hoàn toàn không tồn tại trong từ điển Tiếng Việt, nhưng vẫn được giới trẻ sử dụng rộng rãi và dường như họ không ý thức được mình đang vi phạm trầm trọng văn hóa Tiếng Việt. Một ví dụ đơn giản, như câu “Ma^’y jo?` va`o ho.c za^y?” (Mấy giờ vào học vậy?) cho thấy không chỉ các âm tiết trong Tiếng Việt được ghép nối lung tung, mà giới trẻ còn sử dụng cả những dấu câu, ký tự lạ hoắc trong từ điển Tiếng Việt, những ký tự này thường được dùng trong phiên âm Tiếng Anh.

Ngôn ngữ teen... Vấn đề muôn thuở - 2

Một minh chứng cho ngôn ngữ teen trên Internet.

Bên cạnh vấn nạn biến tấu Tiếng Việt theo kiểu “ăn bớt ăn xén”, “râu này - cằm nọ”, mượn ký tự sai mục đích, thì nạn viết tắt, viết tục cũng khiến Tiếng Việt mất đi sự trong sáng. Đặc biệt xuất hiện nhiều trong game trực tuyến, nơi quy tụ của nhiều bạn nam thuộc giới ăn chơi, thiếu văn hóa, và cũng có thể là giang hồ một vùng.

Giải pháp nào cho ngôn ngữ teen

Cho đến nay, vấn nạn ngôn ngữ teen vẫn chưa có hồi kết, mà ngày càng đi xa hơn, đến mức khó kiểm soát. Không biết bao nhiêu ngòi bút, trang báo đã lên tiếng phê phán ngôn ngữ teen, tuyên truyền bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt. Song dường như giới trẻ vẫn bỏ ngoài tai tất cả.

Vẫn còn nhớ, GS.TS Nguyễn Đức Dân từng có ý kiến về việc đưa những từ ngữ chat thông dụng vào từ điển Tiếng Việt đã tạo nên một cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai luồng ý kiến trái chiều nhau: ủng hộ và phản đối.

Với giải pháp trên, đồng nghĩa với việc chấp nhận ngôn ngữ teen khi không thể nào cấm đoán được, song sẽ quản lý theo một chuẩn mực nhất định. Nhưng đến lúc này, ý kiến đó đã tạm được quên đi, còn ngôn ngữ teen vẫn thịnh hành khắp nơi, từ Internet, điện thoại đến cả thực tế cuộc sống, trường lớp và trong cả gia đình.

Đi vào thực tế đời sống, vấn nạn ngôn ngữ teen tại Việt Nam dường như vẫn chưa có sự đấu tranh quyết liệt từ các cơ quan quản lý. Dẫn đến học sinh, sinh viên vô tư sử dụng ngôn ngữ teen, theo thời gian thì nó có thể “ăn mòn” mất con người Việt.

Có những giải pháp rất đơn giản, dễ thực hiện trong trường lớp đã được áp dụng tại Mỹ. Chẳng hạn, khi bài văn của một học sinh phạm lỗi trầm trọng về sử dụng ngôn ngữ teen thì bài làm đó sẽ bị trừ điểm thật nặng, học sinh bị phạt dọn vệ sinh sân trường,… Giải pháp vừa thực tế, lại vừa hiệu quả nhiều mặt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Mạng xã hội Facebook Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN