Facebook: Tốt xấu ở người dùng

Facebook chỉ là phương tiện công nghệ, không thể làm thước đo giá trị của xã hội.

Việt Nam vừa vượt qua ngưỡng 90 triệu dân, vậy mà có tới 30 triệu người dùng thường xuyên Facebook mỗi tháng. Mỗi ngày, khoảng 20 triệu người Việt lang thang trên Facebook, trung bình mỗi người 2 giờ 30 phút.

Gần 20 năm gắn đời mình với sợi cáp internet, tôi cũng không tránh khỏi cảm giác choáng khi đọc những số liệu vừa được Facebook công bố về lượng người dùng Việt Nam truy cập mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Có nhiều ý kiến tranh luận nhiều chiều về sự “bành trướng” của Facebook nhưng tốt xấu là ở người dùng.

Xu hướng sống trên net

Nếu như với người Việt, internet giờ đây đã trở thành” điều tất yếu của cuộc sống” (theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuối năm 2014, có tới 41% dân số Việt Nam đã được truy cập internet) thì Facebook là một “nơi tụ hội của những người dùng internet”. Với những gì Facebook làm được tới nay, tôi không thể gọi đây chỉ là một mạng truyền thông xã hội mà phải là một nền tảng sống internet (Internet live platform).

Facebook: Tốt xấu ở người dùng - 1

Số lượng người dùng Facebook ngày càng gia tăng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hiện Facebook đã có tới 1,44 tỉ người dùng (tính tới ngày 31-3). Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2014, “cư dân” Facebook ở Mỹ chiếm tới 57% số người trưởng thành và 73% số thiếu niên tuổi 12-17. Ở người lớn, có tới 64% người dùng Facebook vào mạng này mỗi ngày. Facebook hầu như đã “len lõi” vào các ngóc ngách cuộc sống con người.

Mục đích của đại đa số người dùng internet là tìm kiếm và cập nhật thông tin (theo thống kê của Infoplease, số người này chiếm 77% đối với nam và 66% đối với nữ). Ở Mỹ, 31% số người vào Facebook là để tìm kiếm và cập nhật tin tức thời sự (xếp thứ 5 sau thú vui chia sẻ với nhiều người cùng lúc - chiếm 42%, xem phim và hình ảnh - chiếm 39%, nhận và cập nhật các comment - chiếm 39%, xem các trang giải trí - chiếm 35%). Facebook đã làm rất tốt lĩnh vực này.

Facebook không chỉ là kênh truyền thông toàn cầu cho các “nhà báo công dân” (thành viên nào cũng có thể viết lách và xuất bản thông tin) mà còn là nơi thu hút nhiều người vào theo dõi tin tức. Đó là lý do mà hầu hết các báo lớn truyền thống đều có trang riêng trên Facebook. Ngày càng có thêm nhiều tờ báo, đặc biệt là báo điện tử, coi Facebook là một đối thủ đáng sợ.

Không chỉ về mặt nghiệp vụ báo chí, Facebook còn đang “triệt buộc” báo chí về nguồn thu quảng cáo. Hiện nay, ở Việt Nam, Facebook và Google đang chia nhau tới 70% thị phần quảng cáo online.

Riêng ở Việt Nam, theo thống kê của Facebook, người ta vào mạng xã hội này chủ yếu để trò chuyện với bạn bè, rồi la cà trên các trang thương hiệu, cửa hàng…

Mừng hay lo?

Vậy thì số lượng người dùng đông như kiến của Facebook là điều đáng mừng hay đáng lo cho xã hội? Ông chủ của Facebook chắc chắn phủ nhận mọi trách nhiệm về những tác động tiêu cực của nó với lý do đây chỉ là một phương tiện công nghệ cao.

Đại đa số người dùng Facebook là giới trẻ, thậm chí ở tuổi thiếu niên. Họ ngây thơ cũng có mà nông nổi cũng chẳng vừa. Cũng giống bất cứ công cụ nào, điều làm người ta quan ngại vẫn là trình độ và thái độ của người dùng. Cây kéo trong tay người thợ may khác trong tay kẻ hung ác.

Càng nguy hiểm hơn khi đặc thù của môi trường internet (nặc danh, một người một cõi, tính chất ảo) có thể khiến những người “yếu còn ra gió” dễ bị cuốn theo chiều gió “độc”. Chắc chắn bạn sẽ không thấy xa lạ gì về điều này khi mà chỉ cần vào Facebook lướt tới lướt lui là có thể nhìn thấy một vụ “ném đá” nào đó. Điều nguy hiểm hơn là có những người “ném đá” vô tội vạ, a dua theo kẻ khác mà bất kể nạn nhân có thật sự phạm lỗi hay không và giờ đây, chuyện đó còn hướng tới cả những người nổi tiếng lẫn những người bình thường.

Trong một cuộc nói chuyện với giới trẻ gần đây ở Mỹ, Monica Lewinsky, một nhà hoạt động xã hội, nhấn mạnh: “Mặt tối của internet là sự bắt nạt qua mạng và sự lăng nhục mà tôi từng trải qua trong thời gian gần đây đã bùng nổ như nấm sau mưa. Mỗi ngày trên mạng, người ta, đặc biệt là những người trẻ chưa được phát triển đầy đủ về tâm lý và tri thức để có thể xử lý chuyện này, đang bị lạm dụng và sỉ nhục tới nỗi họ không nghĩ rằng mình có thể sống nổi tới hôm sau. Và bi kịch thay, một số đã không sống nổi.” Năm 1998, Monica từng là nạn nhân của cái gọi là “sự sỉ nhục công cộng” sau khi vụ nữ thực tập sinh Nhà Trắng này lỡ dại yêu sếp của mình bị khui ra.

Làng showbiz Việt - vốn trổ tài bằng thực lực nghệ thuật thì ít mà mưu danh bằng chiêu trò xì-căng-đan thì nhiều - đang bị “lên bờ xuống ruộng” bởi một “anh hùng bàn phím” tự xưng là “Thánh cô cô bóc” - kẻ liên tục tung lên mạng những chuyện thâm cung bí sử nhạy cảm của một số “sao” Việt. Họ bị khán giả chê cười rồi quay lưng, bầu sô ngoảnh mặt làm ngơ, nhà tài trợ cắt hợp đồng… Ở đây, tôi không có ý định phán xét gì nhân vật ảo mà thực đó mà chỉ nói về tác hại của việc đem chuyện đời tư của cá nhân ra bêu riếu giữa chợ mạng. Nếu không có ý đồ trục lợi gì thì đó là một trong những hội chứng “rảnh rỗi sinh nông nổi” của những người dùng internet. Mạng xã hội không có lỗi, điều mà cộng đồng mạng chân chính cần là mỗi người dùng nên có ý thức và trách nhiệm.

Lâu nay, người ta vẫn hiểu sức mạnh lan tỏa sâu rộng và có quy mô toàn cầu của thông tin online. Facebook với số lượng người dùng khủng khiếp đã góp phần làm cho sức mạnh của thông tin online thêm dữ dằn hơn. Nó không chỉ nhân rộng số người đọc thông tin trên các báo chí mà còn trở thành một nguồn cung cấp thông tin thô nhanh nhạy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Hồng Phước/NLĐ
Mạng xã hội Facebook Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN